Nguyễn Ngọc Tuyết -
Đang mùa hè mà làm một chuyến đi Campuchia quả là chẳng khôn ngoan chút nào. So với cái nóng nung người ở Việt Nam thì xứ này lại càng gay gắt hơn. Bước ra đường đã là 40 độ rồi. Thế nên thành phố Siem Reap mùa này không phải là mùa du lịch. Vậy mà buổi sáng khi chúng tôi mua vé vào Angkor Wat cũng đã thấy hàng mấy trăm người trong đó. Người hướng dẫn viên nói lúc cao điểm nơi này có cả ngàn người đến trong ngày.
Những ngọn tháp sừng sững nằm bên hồ tại Angkor Wat.
Năm ngọn tháp sừng sững bên hồ hiện ra giống như những video clip tôi thường xem, chỉ rõ hơn, gần gũi hơn là các bậc thang gỗ đã được gia cố cho du khách dễ đi. Nhìn những bậc đá dựng đứng thấp thoáng sau cầu thang gỗ 47 bậc bắc lên ngôi đền cao 65 m kia, tôi cứ nghĩ về cách leo lên đó của người xưa. Với những bậc đá dốc đứng kia họ lên bằng cách nào? Chả lẽ phải bò? Chợt nhớ vị sư ở Trúc lâm thiền viện Bạch Mã (Huế) từng nói: “Lên bậc thang nên đi xéo theo hình ziczac sẽ đỡ mệt hơn”.
Dĩ nhiên là lịch sử của ngôi đền Bà La Môn giáo từ những năm đầu thế kỷ 12 này đã được viết đầy rồi nên tôi chỉ quan tâm đến kiến trúc, những hoa văn tinh xảo trên đá tương truyền là được khắc từ những bộ sử thi lớn Ramayana và Mahabarata của Ấn Độ mà tôi từng giới thiệu cho học trò trong chương trình văn học nước ngoài. Đền thờ trải qua lớp lớp thời gian rõ ràng đã có sự giao thoa giữa đạo Hindu (Ấn Độ giáo) thờ thần Visnu và đạo Phật sau này. Mãi đến nay Angkor Wat vẫn là tuyệt đỉnh về kiến trúc của một quá khứ vàng son trên đất nước Chùa Tháp và xứng đáng in hình trên lá cờ nước ở khắp nơi.
Rời Angkor Wat để đến với Angkor Thom, nơi có ngôi đền Bayon bốn mặt nổi tiếng tôi lại nhớ tới cái tên gọi “Đế Thiên Đế Thích” vẫn nghe thuở nhỏ. Trong ký ức, cái tên gọi kia gợi lên những đền đài, cung điện huy hoàng, rực rỡ lắm. Giờ đây, Bayon trước mắt tôi lại là sự cổ kính, trầm mặc của những di tích ngàn năm đứng đó, “trơ gan cùng tuế nguyệt” với những chạm khắc tuyệt vời nhằm ghi dấu một thời văn hóa rạng ngời.
Những khuôn mặt Bayon khắc vào đá tại Angkor Thom.
216 khuôn mặt Bayon khắc vào đá vẫn mỉm cười bí ẩn như thách đố chúng ta một sự giải mã ngàn xưa. Như con Sphinx (nhân sư) nơi cổng vào các kim tự tháp Ai Cập. Với bao nhiêu tiến bộ khoa học kỹ thuật, loài người có thể thăm dò đáy biển, bay lên các vì sao… Nhưng Bayon vẫn mỉm cười giữa chốn u tịch, Sphinx vẫn lim dim trong giấc ngủ ngàn năm chờ lời giải mã từ bấy đến nay. Đứng chụp một pô hình bên tượng Bayon may mắn với nụ cười thật đẹp, thật hiền, tôi cứ suy nghĩ miên man như vậy.
Trên đường trở ra, chúng tôi có dịp nhìn kỹ hơn sân đấu voi ngày xưa phía bên trái. Hình ảnh những chú voi được khắc dài theo bức tường bên trong như gợi lại những trận đấu voi hào hứng, tưng bừng nơi đây. Chỉ tiếc giờ dọc theo đường chỉ còn mấy chú voi đặt sẵn ghế trên lưng chờ du khách lên cưỡi. Nhìn chung người Campuchia rất biết khai thác du lịch nhưng du khách vẫn thấy thoải mái, vì chỉ cần mua vé một lần ở nhà bán vé bên ngoài, giá 20 đô la là có thể đi khắp quần thể Angkor Wat, Angkor Thom tức Bayon và cả đền Ta Prohm cổ kính trong rừng nữa.
Du khách leo lên một ngọn tháp trong quần thể Angkor Wat.
Cả Bayon và Ta Prohm đều được Giayavarman VII, vị vua anh hùng của vương quốc này xây nên. Nếu Bayon khiến ta sững sờ trước vẻ đẹp của một phong cách kiến trúc riêng thì vào Ta Prohm du khách sẽ ngạc nhiên thú vị trước sự hoang dã với những gốc cổ thụ mọc lên từ trong đá, từ những ngóc ngách hay mái của các ngôi đền. Do mất tích một thời gian dài, đến năm 1860 mới được phát hiện lại, nên ngôi đền từng được xem như một trung tâm cung cấp thuốc men cho các bệnh viện này hầu như đã hoang phế, việc phục dựng chắc chắn hết sức gian khổ nhưng chưa thấm vào đâu.
Đứng ở một góc đền Ta Prohm, tôi lại nhớ đến vị vua đầy lòng bác ái từng phát triển cả một hệ thống bệnh viện lớn nhằm chăm lo sức khỏe cho nhân dân và không khỏi bâng khuâng trước sự đổ nát của ngôi đền “vang bóng một thời”. Nghe nói người dân Campuchia đã cố gắng sửa sang lại ngôi đền cả chục năm nay nhưng nhìn đống gạch đá chồng chất khắp nơi mà thấy lo cho sự khôi phục di tích đầy ý nghĩa này.
Trên đường từ Siem Reap về Phnom Penh, xe rời quốc lộ 6 để rẽ vào tham quan cây cầu đá cổ ngàn năm Kompong Kday, nơi du khách thường không thể bỏ qua. Cây cầu đá ong với hai đầu là những đầu rắn thần Naga thật đẹp vươn cao trong không gian thoáng đãng. Theo các tài liệu thì cầu dài 90 m, rộng 12 m nằm vắt ngang con sông cùng tên và tựa trên 22 chân cầu có hình vòm cao khoảng 14 m rất chắc chắn và rất lạ bởi kiến trúc độc đáo, chưa kể là loại đá ong ở đây là loại đá ong đặc, láng chứ không có tàn ong. Cây cầu này chỉ cho phép người đi bộ hoặc xe hai bánh chạy qua.
Chúng tôi say sưa chụp hình, say sưa chiêm ngưỡng công trình cổ kính hiếm hoi còn sót lại, lòng bồi hồi trước sự hưng phế của thời gian cùng sự cảm phục về ý tưởng lớn lao của các đời vua đã tạo ra một nền văn hóa thế này cho đời sau.
Từ giã Siem Reap, từ giã Phnom Penh, trong tôi vẫn vấn vương hình ảnh những tháp thiêng, những đền đài cổ kính, những câu chuyện truyền kỳ của một đất nước vừa gần gũi mà cũng vừa lạ lùng. Đặc biệt ấn tượng vẫn là cách khai thác, quảng bá du lịch của họ, của các hướng dẫn viên du lịch trẻ tuổi, nhiệt tình và tự hào về đất nước mình. Phải chăng đó chính là điều quyến dụ du khách đến với đất nước Chùa Tháp này?