Có một Đà Lạt thật yên tĩnh và ấm áp miền ký ức vừa xa lại vừa gần ở không gian Sử quán, nơi lưu giữ chuyện cũ của những người bán hàng rong.
Trong hành trình về với Đà Lạt mộng mơ, có khi nào bạn rời chỗ đông vui tấp nập để đến với một nơi thấm đẫm những dòng ký ức xa xăm mờ tỏ của những người bán hàng rong, mưu sinh trên đường phố? Hãy thử một lần bước vào không gian ấy.
Không biết không gian đặc biệt này có từ bao giờ, ai là người lập nên, chỉ biết rằng khi đến đây tôi như bị hút hồn vào những đồ vật, những dòng chữ vừa đơn sơ, vừa giản dị về những con người cùng chung một việc ở thành phố ngàn hoa này.
Không ồn ã, không trang hoàng và cũng không cần hướng dẫn viên thuyết minh, dọc khu Sử quán, qua những khu nhà truyền thống về tranh thêu, tơ lụa là không gian ký ức về những người bán hàng rong. Không cần tìm số nhà hay vào những con ngõ sâu, bạn chỉ cần dạo bước trên con đường nhỏ là đã cảm nhận được miền ký ức đặc biệt đó.
Cứ ngỡ không gian tĩnh lặng ấy dành cho việc lưu giữ những thông tin về các bậc vĩ nhân, những người nổi tiếng và cả những người làm nghề sang trọng ở Đà Lạt. Nhưng không phải vậy, không gian riêng này của Đà Lạt dành cho những con người mà đôi khi họ như bị lãng quên giữa cuộc sống nhộn nhịp, tất bật. Họ là những người làm nghề bán hàng rong, mưu sinh trên đường phố từ bao đời nay.
Ở không gian nhỏ này, có những chiếc hòm đơn sơ, mộc mạc được ghi những dòng chữ bên ngoài như “Tủ đựng đồ của người bán hàng rong”, “Nơi lưu giữ bảng tổng kết cuộc đời của người phụ nữ mưu sinh trên những nẻo đường phố”… Có những bức ảnh, bức tranh được treo trên cây và không quên kèm theo tên tuổi, địa chỉ cùng chữ ký của những người phụ nữ gắn cả cuộc đời mình với nghề bán hàng rong.
Tuy không gian ấy tĩnh lặng, thanh sơ nhưng ai ngờ rằng bên trong những chiếc hòm gỗ nhỏ kia, ẩn sâu đằng sau những nét chữ run run, những bức hình đơn sơ lại là một mảng ký ức rất đời thường về cuộc mưu sinh của những người bán hàng rong nơi đây.
Nghề bán dạo, bán hàng rong vốn tạo nên một nét đặc trưng cho thành phố du lịch Đà Lạt. Phần đông người bán hàng rong nơi đây là phụ nữ. Hàng ngày họ rong ruổi khắp nơi trên những con phố, nơi ngõ hẻm và cả những nơi đông vui tấp nập để bán hàng. Vì thế, tại không gian ký ức ở Sử quán, người ta không quên ghi chép lại những mặt hàng mà họ bán. Người bán trái cây, người bán đĩa nhạc, người bán thức ăn, người bán nước giải khát…
Ký ức được lưu giữ ở không gian đặc biệt này khá phong phú. Ở đó có hình ảnh những người phụ nữ bán hàng rong, chữ ký của họ, những mặt hàng mà họ bán; lại có cả những chữ ký du khách chia sẻ cảm xúc của họ với những người bán hàng rong, và đôi khi là bức tranh của một họa sĩ thể hiện một góc nhìn về cuộc mưu sinh của người bán hàng rong. Hình ảnh những người phụ nữ gồng gánh, bưng bê, hay hình ảnh họ trong những phút nghỉ ngơi bên đường phố đã hiện lên thật sống động. Điều đặc biệt là không gian ấy vừa như chuyển tải ký ức xưa cũ vừa như gắn liền với cuộc đời thực đang diễn ra. Nơi đây không chỉ ghi chép, lưu giữ những kỷ niệm về những cuộc mưu sinh trên đường phố mà còn là nơi lui tới của những người bán hàng rong trong hiện tại.
Tại đây, những người bán hàng rong được nghỉ miễn phí, được dùng nước, khăn và vệ sinh miễn phí. Thú vị hơn là hàng tháng, những người phụ nữ bán hàng rong có thể đến đây, lấy giấy bút đặt sẵn trên những chiếc hòm nhỏ và ghi chép lại những điều gì đó về công việc, về chuyện bán hàng kiếm sống của mình rồi đặt vào chiếc hộp nhỏ. Những dòng tâm tư, tình cảm, chuyện kể cứ tự nhiên ùa về không gian này để nơi đây là sự hội tụ những mảnh đời, những buồn vui của một nghề nhỏ bé trên đường phố từ bao đời nay.
Mục đích của việc tạo ra không gian đặc biệt này ở Đà Lạt là xuất phát từ chương trình tôn vinh nét đẹp đường phố. Thì ra, Đà Lạt đẹp và mộng mơ đâu phải chỉ là cảnh sắc muôn màu, những biệt thự nguy nga, rừng thông vi vút… Đà Lạt còn đẹp bởi những thanh âm đang ngày đêm cất lên trong những điệu buồn mưu sinh.
Dạo bước trong không gian ký ức hàng rong của Đà Lạt, bạn sẽ thấy tâm hồn mình thanh nhẹ, ấm áp. Có thể bạn sẽ cảm nhận như thế qua những hình ảnh, những chữ ký và những thông tin được lưu giữ nơi đây.
Nguyễn Thế Lượng