Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, trong đó cho phép được mang thai hộ. Đây là một nhu cầu phát sinh trong xã hội hiện nay. Với nhiều người, việc cho phép mang thai hộ mang tính nhân đạo; song vấn đề làm không ít người băn khoăn là việc này dễ bị lạm dụng với mục đích thương mại.
Người trong cuộc
Trong vai người đang có nhu cầu tìm người mang thai hộ, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đến gặp chị M. tại một con hẻm nhỏ trên đường Trần Văn Mười, huyện Hóc Môn, TPHCM trong một buổi chiều cuối tuần. Với dáng vẻ bề ngoài cao ráo, hiền lành, người phụ nữ 33 tuổi này cho biết đã từng đẻ thuê một lần, nay muốn đẻ thêm một lần nữa để kiếm ít tiền làm vốn quay về quê làm ăn.
Chị M. kể chị sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, vào Nam mưu sinh chẳng quen ai cho đến khi gặp được người chồng hiện nay, khi cả hai đang làm công nhân cho một công ty sản xuất giày da tại TPHCM. Mỗi tháng, hai vợ chồng dành dụm được khoảng 6 triệu đồng; sau khi trừ tiền thuê nhà, tiền điện nước, chi tiêu hàng ngày, số tiền còn lại chẳng bao nhiêu. Hai năm sau ngày cưới, vợ chồng chị sinh được cậu con trai kháu khỉnh trong cảnh thiếu trước hụt sau.
[box type="bio"] Chỉ được mang thai hộ một lần trong đời
Cho phép mang thai hộ là một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi vừa được Văn phòng Chủ tịch nước công bố. Liên quan đến nội dung này, luật quy định rõ: mang thai hộ phải vì mục đích nhân đạo, người được nhờ mang thai hộ phải là người đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần trong đời.[/box]
Một ngày giữa năm 2010, chị M. gặp một người đàn ông, người này tỏ ý nhờ cô sinh con giùm cho người thân của ông. Người đàn ông này nói, chị chỉ cần mang thai giùm, trứng và tinh trùng sẽ do vợ chồng của người thân ông cung cấp, nên chị không phải lo gì đến ruột thịt, máu mủ cả. Nếu đồng ý, chị sẽ nhận được 150 triệu đồng, ứng trước 30 triệu đồng khi cấy phôi vào người.
Chị M. cho biết ban đầu chị rất sợ vì chưa mang thai hộ bao giờ, nhưng sau một tuần bàn bạc với chồng, cả hai đã đồng ý thương vụ đẻ mướn này. Gần một năm sau, chị sinh cho đôi vợ chồng nọ một đứa con tại một bệnh viện tư. Hai mẹ con ở bên nhau khoảng một tuần, “người đặt hàng” đến ẵm đứa nhỏ đi, và “từ đó đến nay, em không biết đứa con mình sinh ra đang ở đâu”.
Sau thương vụ đó, chồng chị M. dắt con về quê làm ruộng và mở tiệm tạp hóa, còn chị ở lại tiếp tục làm công nhân. Đã ba năm trôi qua, chị không còn nhớ rõ khuôn mặt của con, nhưng không sao quên được cái cảm giác 9 tháng 10 ngày cưu mang đứa bé.
Tới thời điểm này, việc mang thai hộ, đẻ giùm, đẻ mướn bị cấm, song hoạt động này vẫn âm thầm diễn ra. Theo thống kê của các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm, mỗi năm cả nước có khoảng 500-700 người cần mang thai hộ vì những cặp vợ chồng không thể sinh con.
Tại khoa Hiếm muộn của Bệnh viện Từ Dũ tại TPHCM, vợ chồng chị Th. nhà ở tỉnh Đồng Nai, cho biết đã cưới nhau 10 năm nhưng vẫn chưa có con. Nghe bác sĩ nói chị khó có khả năng sinh con, hai vợ chồng rất buồn nhưng chẳng dám nhờ đến ai mang thai hộ.
Chờ luật chi phối
Ths.BS. Hồ Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu di truyền và sức khỏe sinh sản tại trường Đại học quốc gia TPHCM, một trong những chuyên gia tư vấn những quy định về mang thai hộ, cho rằng luật mang thai hộ ra đời giúp cho người phụ nữ không thể có con nay vẫn có thể có con. Mang thai hộ chỉ thực hiện với những người không có tử cung hoặc tử cung có vấn đề, người phụ nữ bị một bệnh nào đó mà nếu mang thai sẽ rất nguy hiểm.
Từ trước đến nay, nhu cầu này không được giải quyết ở Việt Nam, một số người có điều kiện ra nước ngoài để điều trị, một số chấp nhận chờ đợi luật mới, còn một số khác tìm cách lách luật bằng cách làm giả giấy tờ hoặc tráo người khi đi cấy phôi để qua mặt nhân viên các bệnh viện. Mang thai hộ là một kỹ thuật điều trị đơn giản trong hỗ trợ sinh sản. Vấn đề là Nhà nước cần có các quy định và giám sát trong thời gian tới để tránh lạm dụng kỹ thuật.
Vị bác sĩ này giải thích theo quy định mới, người mang thai là người có quan hệ thân quen, huyết thống trong gia đình phải ngang hàng, ngang vai vế trong gia đình. Quy định mới không cho phép mẹ mang thai hộ cho con; dì, bác, em gái chưa chồng cũng không được mang thai hộ. Hơn nữa, việc mang thai hộ phải thực hiện tại một cơ sở được Nhà nước cho phép. Hiện nay, cả nước có 19 trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm do Nhà nước quản lý.
Để thực hiện được một ca mang thai hộ, người có nhu cầu phải được tư vấn và xác nhận các chữ ký, gồm chữ ký của trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm có chuyên khoa hiếm muộn xác nhận người phụ nữ đó không có khả năng mang thai, chữ ký của luật sư người tư vấn cho hai vợ chồng cần mang thai hộ về luật, chữ ký của một chuyên gia tâm lý, và chữ ký của một chuyên gia về xã hội học tư vấn về các mối quan hệ gia đình huyết thống khi thực hiện việc mang thai hộ có những thuận lợi và phức tạp gì trong đời sống sau này. Từ đó, cơ sở y tế, nơi thụ tinh trong ống nghiệm, xác nhận xem các chữ ký có đúng không, nếu đúng thì mới được thực hiện kỹ thuật này.
BS. Tường khẳng định, nếu làm đúng thủ tục với các chữ ký nói trên đầy đủ và được tư vấn kỹ, một năm cả nước chỉ thực hiện cao lắm được 10 ca. Còn những người ở tỉnh xa có nhu cầu mang thai hộ sẽ khó khăn hơn trong việc tìm cho đủ các chữ ký đó.
[box type="bio"] Cần tuân thủ pháp luật
Chỉ từ ngày 1-1-2015 pháp luật mới thừa nhận việc mang thai hộ. Đã là luật thì phải chấp hành đúng. Những thủ tục nêu trên là cần thiết để bảo đảm về các phương diện pháp lý, kỹ thuật và sức khỏe sinh sản, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên.
Mang thai hộ nói chung không nên phổ biến và dễ dãi, vì bản chất của mang thai hộ là một giao dịch pháp lý phức tạp, rất nhiều hệ lụy, khả năng và hậu quả có thể xảy ra. Chẳng hạn khả năng bị lạm dụng, lợi dụng không vì mục đích nhân đạo, phát sinh mâu thuẫn trong gia đình, sứt mẻ tình cảm, hạnh phúc... Đó là chưa nói đến khả năng phân biệt giàu nghèo (người giàu không đẻ mà trả tiền để có con), lợi dụng thân xác phụ nữ...
Đây là lần đầu tiên luật quy định, nên chắc chắn sẽ chưa thể hoàn thiện, đáp ứng được mọi khía cạnh cả về pháp lý lẫn tình cảm, quan hệ dân sự... Chúng ta cần phải tham khảo thêm pháp luật và thực tế từ nước ngoài, ban hành những văn bản hướng dẫn thực hiện thật chi tiết, cũng như điều chỉnh pháp luật theo sát thực tế sau này. LS. Trần Hồng Phong, Đoàn Luật sư TPHCM[/box]
Hoàng Nhung