Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024

Kết nối nhà nông với thị trường

Huỳnh Kim -

Trong khuôn khổ diễn đàn về rau củ quả và logistics phục vụ nông nghiệp vừa diễn ra trước tết tại tỉnh Đồng Tháp, những người trong ngành nông nghiệp cho rằng một khi nông dân biết “chơi” với nhau và “chơi” với thị trường thì nhiều chuyện bổ ích khác sẽ tới.

Câu chuyện hội quán

Tối 18-12-2017, sau khi kết thúc diễn đàn về rau củ quả và logistics phục vụ nông nghiệp, ông Sáu Sen, tên thân mật của Bí thư tỉnh ủy Lê Minh Hoan, rủ chúng tôi cùng “vi hành một chuyến đặc biệt”. Ông đưa đoàn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thăm hội quán của bà con nông dân trước khi khai mạc Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Tháp vào sáng hôm sau.

Rời trụ sở ủy ban, đoàn xe len lách trên những con đường làng quanh co rợp bóng xoài dưới ánh đèn điện. Độ gần nửa tiếng sau, ông Sáu Sen nói: “Tới rồi, bên kia sông cái là đất An Giang, còn đây thuộc xã Tân Thuận Tây của thành phố Cao Lãnh”.

Tối 18-12-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ 2, bên trái) thăm hội quán nông dân ở xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, nơi có mô hình kết nối nông dân với thị trường. Ảnh: Huỳnh Kim

Chúng tôi theo sau đoàn của Thủ tướng và mấy vị bộ trưởng, bước vào sân một ngôi nhà cổ. Đây là tụ điểm của hai hội quán có tên là Tân Quê và Thuận Tân. Khoảng sân rộng đã có hơn một trăm bà con nông dân thành viên của hai hội quán này bày sẵn xoài, nhãn, mận... chờ đón khách.

Thủ tướng bắt tay, hỏi thăm bà con rồi dừng trước thúng xoài cát. Ông cầm trên tay những trái xoài mập căng tròn, trò chuyện vui vẻ với chủ nhà vườn. Sau đó, cả đoàn ngồi nghe ông Sáu Sen, ông Võ Văn Lợi, chủ nhiệm hội quán Thuận Tân và thầy Thích Thiện Xuân giới thiệu ngắn về câu chuyện làm ăn của các hội quán này.

Ông Sáu Sen cho biết, hội quán là nơi để bà con cùng hợp tác, cùng tiến xa như người ta hay nói “muốn đi xa thì phải cùng đi”. Lãnh đạo tỉnh, chuyên gia tư vấn, nhà khoa học cũng đến hội quán sinh hoạt với bà con. Nhiều doanh nghiệp cũng đến đây để kết nối thị trường với nhà nông. Nhờ vậy, thời gian gần đây, trái nhãn, trái xoài cát Cao Lãnh đã xuất khẩu được nhiều hơn.

Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long lập các hội quán này. Hội quán đầu tiên ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành ra đời vào tháng 6-2016. Đến nay, Đồng Tháp đã có 27 hội quán với hơn 1.000 thành viên làm chung các nghề như lúa, xoài, chanh, cam, quýt, hoa kiểng, sản xuất khô, trồng khoai môn, nuôi lươn, làm bột…

Từ khóa liên kết

Nhận xét về mô hình này, Thủ tướng kỳ vọng các hội quán sẽ hoạt động tốt hơn, tìm lời giải cho những vấn đề như nâng cao chất lượng xoài và nhãn, nâng cao năng suất và khả năng chế biến… Ông cũng đề nghị địa phương nghiên cứu mô hình hợp tác xã kiểu mới để hỗ trợ cho nông dân tốt hơn. Hợp tác xã kiểu mới không phải là ép vào, là đánh trống ghi tên mà phải xuất phát từ quyền lợi, sự tự nguyện của bà con nông dân.

Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Đồng Tháp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kể lại câu chuyện hội quán cho khoảng 500 đại biểu trong và ngoài nước tham dự hội nghị nghe. Rồi ông đặt vấn đề: “chúng ta rút ra bài học gì trong phát triển?” và tự trả lời rằng từ khóa “liên kết” đã trở thành tâm điểm của những thành công của Đồng Tháp.

Cụ thể, tỉnh đã liên kết sản xuất và mở thị trường với trọng điểm là sản xuất để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Từ đó, Đồng Tháp có sản lượng lúa xếp thứ ba cả nước, nhiều loại trái cây, rau quả nổi tiếng, một số sản phẩm có thương hiệu. Đặc biệt là liên kết giữa vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học và người nông dân qua mô hình hội quán nông dân, đặt người nông dân ở vị trí trung tâm… Đồng Tháp cũng là địa phương khởi xướng, cùng với Long An và Tiền Giang, triển khai đề án liên kết phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Đặc biệt, Đồng Tháp khởi xướng liên kết qua dịch vụ logistic và hạ tầng giao thông

Thủ tướng cho rằng Đồng Tháp cần liên kết tài nguyên bản địa với công nghệ và kiến thức rộng khắp của toàn cầu. Thương hiệu của Đồng Tháp từ tự nhiên, con người, lịch sử đang tạo ra sức hấp dẫn. Đồng Tháp cần nhân nó lên bằng sức mạnh tri thức và công nghệ 4.0 của thế giới.

Theo ông, hội quán nông dân của Đồng Tháp không phải chỉ là một mô hình liên kết nông dân mà cần phát triển thành chuỗi giao dịch hiện đại, nơi các công nghệ về thương mại điện tử, tương tác trực tuyến, qua đó giúp các ý tưởng, thương vụ thăng hoa. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối