TRUNG CHÁNH -
Nếu tất cả các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông được xây dựng thì trong tương lai không xa ĐBSCL cũng sẽ biến mất trên bản đồ. Trong khi đó, một số nhà chuyên môn khuyến cáo nên linh hoạt trong việc ứng phó với tình trạng hạn, mặn đang diễn ra khốc liệt như hiện nay.
Thủy điện ngăn phù sa
Một con sông đi qua huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long còn nước rất ít.
Trình bày tham luận tại buổi tọa đàm “Vấn đề hạn mặn ở ĐBSCL năm 2016: hiện trạng-tác động-giải pháp” diễn ra cuối tuần qua tại thành phố Cần Thơ, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho biết các đập thủy điện của Trung Quốc và 11 đập ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông thuộc địa phận Lào, Campuchia nếu tiếp tục xây dựng sẽ dẫn đến tình trạng phù sa không về ĐBSCL nữa.
Theo ông Thiện, hiện nay tác động chính của đập thủy điện Trung Quốc đối với ĐBSCL là làm giảm 50% lượng phù sa đổ về. Nếu 11 đập ở hạ lưu tiếp tục xây dựng thì 50% còn lại cũng sẽ mất đi.
Cũng theo ông Thiện, ĐBSCL là một đồng bằng còn rất trẻ, chỉ 6.000 năm, được kiến tạo bằng bùn và trong quá trình đó, nó miệt mài đem phù sa từ thượng nguồn sông Mê Kông về xây dựng nên. Như vậy, khi phù sa không về, nghĩa là cán cân phù sa không thắng được năng lượng sóng biển đập vào liên tục, “thì tôi rất lo ngại, ĐBSCL có thể biến mất rất nhanh và đó mới là chuyện đáng lo đối với các đập thủy điện”, ông Thiện phát biểu.
TS. Dương Văn Ni, khoa Môi trường thuộc trường Đại học Cần Thơ, cũng cho rằng ĐBSCL không thể hình thành nếu không có lưu vực thượng nguồn. Vì nếu thiếu thì lấy đâu ra vật liệu (phù sa, cát, sỏi) để hình thành nên ĐBSCL. Theo ông, các đập thủy điện nếu được xây dựng sẽ giữ lại 75-90% phù sa thô (cát, sỏi) và ĐBSCL sẽ không được tiếp tục bồi đắp nên chìm xuống dần và biến mất. “Thiếu phù sa, ĐBSCL sẽ “chết” vì không có nguồn nào thay thế, đây là cái cốt lõi nhưng không ai đề cập đến”, ông cho biết.
Thích ứng ra sao?
Một số nhà chuyên môn cho rằng cần phải có chiến lược ứng phó lâu dài, hài hòa ở cấp quốc gia và cả khu vực. Tuy nhiên, chuyện hiện tại của ĐBSCL là nên thích ứng như thế nào trước sự khốc liệt của hạn hán và xâm nhập mặn lịch sử?
Ông Nguyễn Hữu Thiện cho rằng thiệt hại do hạn và xâm nhập mặn gây ra cho vùng ven biển ĐBSCL là rất lớn và cần phải “làm cái gì đó” ngay lập tức cho ĐBSCL. Tuy nhiên, không nên lấy một sự kiện cực đoan làm chuẩn cho một chiến lược lâu dài.
Theo ông Thiện, trong trường hợp thực hiện chiến lược lâu dài cũng phải có dự phòng tình huống cực đoan để giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất và để tránh thiệt hại có thể bằng cách thay đổi lịch thời vụ sản xuất, phương thức sản xuất, thậm chí không sản xuất trong năm đó. “Đối với nước sinh hoạt, nếu dự báo trước được hạn hán, các biện pháp tích trữ nước ngọt trong kênh, mương, ao hồ có thể tiến hành sớm”, ông cho biết.
TS.Dương Văn Ni cho rằng thích ứng với hạn và xâm nhập mặn phải linh hoạt, phù hợp với đặc tính sản xuất, nuôi trồng của từng vùng sinh thái khác nhau. Chẳng hạn, vùng sinh thái bị mặn xâm nhập nhiều năm, gần như không còn khả năng quay lại trồng lúa thì có thể nuôi tôm nước mặn kết hợp trồng cây “cỏ năng tượng”. “Cây này trồng trong vuông tôm sẽ giúp lọc nước, giữ nhiệt độ nước ổn định, giúp lắng đọng phù sa trở lại ao tôm rất tốt và có thể khai thác cây cỏ này làm hàng thủ công”, ông gợi ý.
Đối với vùng sinh thái mặn, ngọt tranh chấp, tức mùa khô nước bị nhiễm mặn và mùa mưa nước ngọt, thì không nên chuyển qua nuôi tôm thâm canh mà tốt nhất phải phục hồi cái trước đây hay làm là một vụ tôm mùa nắng và một vụ lúa mùa mưa.
Tuy nhiên, theo ông Ni, nếu nhìn ở một khía cạnh nào đó, hạn và xâm nhập mặn đôi khi lại là cơ hội để thay đổi nhận thức. “Chẳng hạn, ở cấp làng xóm, nhận thức sẽ thay đổi, từ khía cạnh nước là của riêng anh này hay anh kia, sang nước bây giờ có sự liên kết đôi, ba nhà trong một xóm. Bởi nếu chỉ cần một hộ lấy nước mặn vào vùng ngọt sản xuất lúa, thì các hộ xung quanh không thể làm lúa được nữa”, ông cho biết.