Thứ năm, Tháng mười hai 19, 2024

Sách cũ trở thành đam mê

Diệu Thuần -

Tại TPHCM, phong trào chơi sách cũ diễn ra rất sôi nổi. Nhiều tiệm sách cũ đang hoạt động và còn có cả ngày hội sách cũ được tổ chức.

Mua vì trân trọng

sách-cũ

Những cuốn sách cũ không còn chịu cảnh nằm im lìm trên kệ sách, chịu cảnh mối mọt, bụi bặm, mà đang được người Sài Gòn rất trân trọng. Để tìm mua một cuốn sách cũ ở TPHCM là không quá khó. Người mua có thể tìm sách cũ ở những tiệm sách nằm trên các con đường như Trần Nhân Tôn, Trần Huy Liệu, Nguyễn Thị Minh Khai, đường sách TPHCM (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1).

Theo ghi nhận tại một số tiệm sách cũ, khách hàng tìm cũng khá nhiều. Có người mua một lúc vài cuốn, có người chỉ đọc và đặt loại hiệu sách mà họ tìm chưa có.

Ở ngày hội sách cũ diễn ra hồi tháng 3 vừa qua tại quận 1, chỉ mới vừa khai mạc, nhiều gian hàng chưa kịp làm dù hay mái che, nhiều gian hàng còn chưa kịp bày hết sách ra nhưng độc giả kéo đến ngày một đông bất chấp cái nắng như thiêu dội trên đầu. Các gian hàng càng lúc càng kín khách đủ mọi lứa tuổi, từ người già cho đến những em sinh viên, học sinh. Người đến tìm sách đọc, người thì tìm mua cho đủ bộ sưu tập. Nếu những người khách lớn tuổi thích mua cho mình cuốn sách về lịch sử, văn học, văn hóa, danh lam thắng cảnh thì các bạn trẻ học chuyên ngành Văn hóa học, Ngôn ngữ học lại tìm mua những cuốn sách cũ để phục vụ cho đề tài nghiên cứu.

Sách cũ tất nhiên không còn cứng cáp về hình thức, và cũng vì thế, có thể tìm thấy sự nâng niu của người mua. Song song đó, nội dung của sách cũ mà nay không còn cũng là điều khiến người đọc trân quý, bằng cả niềm đam mê của họ. Chị Thảo Nguyên (quận Thủ Đức) cho biết mình rất mê sách, nhất là những cuốn sách cũ. Chị nói rằng, khi cầm cuốn sách cũ trên tay, nó không chỉ cho mình kiến thức mà còn cả những giá trị văn hóa. “Mỗi ngày được đọc một cuốn sách là một trải nghiệm vô cùng thú vị”, chị nói.

Với anh Hồng Phùng (quận 2) thì tự nhận mình là “tín đồ” sách cũ. Với anh, được ngắm những trang sách cũ phai màu gạch là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời. Anh cứ giành những ngày cuối tuần lân la đến tiệm sách cũ để bổ sung cho đủ bộ sưu tập của mình. Anh Phùng cho biết, mê sách cũ giúp mình hiểu biết thêm về lịch sử, văn hóa và được trải nghiệm cùng các tác giả viết về cuốn sách. Hiện anh đang sưu tầm cho đủ bộ những cuốn sách về văn học, sách truyện tranh, sách lịch sử, sách về ngôn ngữ, văn hóa...

Không thể định giá

Số người chơi sách cũ đang ngày một tăng lên, thế nhưng việc định danh như thế nào là sách cũ hay định giá sách cũ như thế nào đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Có chuyên gia cho rằng, sách cũ xưa và quý hiếm là những sách giai đoạn 1930-1945 được in trên giấy dó. Cũng có người lại cho rằng, mỗi cuốn sách có một số phận, cuộc đời riêng của nó. Nhìn vào một cuốn sách có thể thấy được một giai đoạn lịch sử.

Tại buổi tọa đàm chủ đề “Thú chơi sách cũ: Định giá như thế nào?” trong chuỗi các hoạt động hội sách hồi đầu tháng này ở  quận 1, nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy cho rằng, việc định giá một cuốn sách cũ không dễ dàng. Bởi cuốn sách cũ không in giá sau bìa. Tất cả các sách đều in giá, riêng sách cũ thì không. Nếu chúng ta mua được cuốn sách đúng với sở thích của mình, vừa với túi tiền của mình thì đó là giá được. “Tôi thường nghiên cứu về Sài Gòn, về báo chí quốc ngữ và những vấn đề về văn hóa liên quan đến Sài Gòn nên tôi chỉ tập trung tìm những cuốn sách nào có liên quan đến chữ quốc ngữ và liên quan đến Sài Gòn'', ông nói.

Nhà báo Lê Minh Quốc thì cho rằng, để định giá cuốn sách là định giá sức mình với yêu cầu về nội dung cuốn sách đó. Nếu chúng ta thấy cuốn sách đạt yêu cầu của mình thì giá cả lúc đó không phải là vấn đề. Và thực tế, không thể nào có một giá chuẩn cho sách cũ. “Một người chơi sách cũ chân chính là người không độc chiếm những bản sách quý hiếm, chỉ chịu bán nó với giá rất cao. Mà đó phải là người sẵn sáng chia sẻ những bản photo bản chính với giá vừa túi tiền cho những người thật sự cần đến nguồn tài liệu đó như những nhà nghiên cứu”, ông nhận định.

Theo ông Quốc, sách cũ vẫn còn chiếm một vị thế quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu mà qua thời gian, kho tàng sách trên mạng vẫn chưa thể thay thế. Sự hiện diện của các nhà sưu tập làm tăng thêm nét độc đáo của văn hóa đọc ở những thành phố lớn. Tuy nhiên, cũng có những bộ sưu tập thực sự có giá trị, bên cạnh những bộ sưu tập thiên về số lượng. Điều này phần lớn là do tầm hiểu biết của giới sưu tập sách cũ cũng có những mức độ khác nhau.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối