Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

“Thuốc tiên” bao vây người tiêu dùng

LTS “Ma trận” thực phẩm chức năng: Thực phẩm chức năng đang bủa vây người tiêu dùng. Các mặt hàng này được quảng cáo rầm rộ trên báo mạng, báo giấy cho đến sóng phát thanh, truyền hình và cả tờ rơi, áp phích... Dù không phải là thuốc chữa bệnh nhưng hầu như mẫu quảng cáo nào cũng được nhà sản xuất, phân phối khắc họa lên như một thần dược.

Nếu như năm 2012, cả nước có gần 1.800 doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và phân phối thực phẩm chức năng (TPCN) thì đến nay con số này đã là 3.500 doanh nghiệp, cho thấy sức hút mãnh liệt trong lĩnh vực này.

Muốn gì cũng có

Trên thị trường, các sản phẩm TPCN gồm hai dòng chính là hỗ trợ trong điều trị chữa bệnh, tăng cường sức khỏe (ung thư, tim mạch, giảm cholesterol, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, bổ thận...) và dòng làm đẹp (giảm cân, tăng cân, trắng da, điều trị mụn, chống nắng...). Chúng được sản xuất dưới nhiều dạng: viên, nước, bột... được nhập về từ Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Úc...

Nhiều người tin tưởng những lời quảng cáo về thực phẩm chức năng, xem nó như “thần dược”, trong khi những sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Ảnh: Thành Hoa
Nhiều người tin tưởng những lời quảng cáo về thực phẩm chức năng, xem nó như “thần dược”, trong khi những sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Ảnh: Thành Hoa

Theo ghi nhận của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị cũng như qua sự giới thiệu của nhân viên một số hãng, TPCN đa dạng chủng loại, dành cho mọi lứa tuổi, mọi loại nhu cầu. Trẻ nhỏ thì có cốm dinh dưỡng, kẹo dành cho trẻ biếng ăn, các loại vitamin bổ sung canxi, Omega 3, kích thích, phát triển trí não, sữa non... Người lớn thì có “thuốc” dành cho gan, tim, thận. Nếu ai muốn đẹp thì có “thuốc” chống lão hóa, căng da, eo thon, mắt sáng. Thậm chí, ai yếu sinh lý, lãnh cảm, sinh hoạt vợ chồng khó khăn... đều có TPCN đáp ứng. Giá của các sản phẩm này từ khoảng 200.000 đồng trở lên đến tiền triệu một sản phẩm tùy loại.

[box type="download"] Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF), chỉ trong vòng ba năm (2011-2013) thị trường đã xuất hiện mới khoảng 10.000 loại TPCN, trong đó khoảng 40% là hàng nhập khẩu. Đến cuối năm 2012, có 1.781 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN, và hiện tại, con số này đã tăng lên 3.500 doanh nghiệp.

Theo báo cáo tổng kết năm 2013 của VAFF, kết quả một đề tài nghiên cứu năm 2011 của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết Hà Nội có 63% người lớn đã dùng TPCN và ở TPHCM tỷ lệ này là 43%.[/box]

Thay thế thuốc chữa bệnh?

Trong vai người tiêu dùng, phóng viên đã lân la vào một vài điểm bán TPCN tại TPHCM. “Thực phẩm chức năng có thể thay thế được thuốc chữa bệnh”, bà M.H., chủ đại lý một nhãn hàng TPCN tên V. (quận Phú Nhuận) khẳng định như vậy trong lúc giới thiệu sản phẩm. Không dừng lại đó, nhằm thuyết phục người mua hàng, trong khoảng 45 phút, bà này như một vị bác sĩ, kê toa cho tất cả các loại bệnh mà chúng tôi nêu ra, cho đủ mọi lứa tuổi.

Tại nhiều cửa hàng bán quần áo, đồ dùng, thực phẩm cho phụ nữ và trẻ em trên đường Võ Văn Tần (quận 3), Cộng Hòa (quận Tân Bình) luôn có riêng không gian trưng bày các loại TPCN. Những sản phẩm này, trên bao bì ghi đầy đủ tính năng như bổ sung vitamin toàn diện, dành cho bé biếng ăn, thiếu canxi, thiếu sắt. Theo lời quảng cáo của các nhân viên bán hàng, hầu hết sản phẩm xách tay từ nước ngoài về nên chất lượng “không phải lo ngại” hoặc “sản phẩm này có khả năng bổ sung Omega 3, Vitamin C, E giúp bé phát triển trí não, tăng cường sức khỏe”.

Tại một hiệu thuốc tây trên đường Hai Bà Trưng (quận 3), khi chúng tôi hỏi mua một lọ cốm có chức năng chống biếng ăn cho trẻ. Cô nhân viên nhanh nhảu đưa ra vài lọ và cho rằng: “Quảng cáo như thế nào, tác dụng như thế đó. Tốt lắm đó. Sản phẩm này cho bé dùng thử sẽ thấy tác dụng ngay sau một tuần”.

Mua vì... niềm tin

Trong phản ánh của mình, chị Đinh Thị Thùy Trang (quận Bình Tân, TPHCM) cho biết, mẹ chị bị u xương đang điều trị theo toa của bác sĩ, không biết nghe ai mách mà có một cô gái tự giới thiệu mình là nhân viên nhãn hàng thực phẩm chức năng F. đến tận nhà giới thiệu sản phẩm. Sau khi nghe cô này tư vấn, bà yêu cầu con gái bà mua nguyên bộ (gồm hỗ trợ xương, thải độc, hỗ trợ sức khỏe...) gần cả chục triệu đồng. Sử dụng lâu mà không có tác dụng rõ rệt nhưng chị Trang cho biết mẹ chị vẫn yêu cầu con cái mua vì nhân viên tư vấn có dặn là phải sử dụng thời gian dài mới có hiệu nghiệm. “Bà sử dụng đến nay được gần một năm rồi, tiền cũng mất khoảng bốn năm chục triệu đồng. Tôi can nhưng bà không nghe, lại nghĩ con cái tiếc tiền”, chị Trang than thở.

Cũng được bạn bè giới thiệu nhưng câu chuyện sử dụng TPCN của chị Thùy Linh (quận 8) thì chỉ dừng lại ở mức độ “thử xem sao”. Theo đó, chị Linh mua vì có người thân bán loại TPCN này và yếu tố quan trọng là bản thân chị muốn làm cách nào đó để có vóc dáng đẹp sau khi sinh. “Tôi mua khoảng một triệu đồng, sử dụng trong vòng 30 ngày. Cứ sử dụng thử xem sao, tốt thì mua tiếp mà không tốt thì cũng tốn ít tiền”, chị Linh chia sẻ.

Trong khi người tiêu dùng thì tin tưởng lời người bán thì chính người bán có khi cũng không hiểu gì về tác dụng của sản phẩm. Là một người bán TPCN qua phương thức nhận hàng từ đại lý, chị Nguyễn Tâm (quận 3) cho biết trước đây chị bán tạp hóa tại nhà, vì bạn bè giới thiệu nên đi bán TPCN. “Cứ bán được một triệu đồng, tôi có 420.000 đồng tiền hoa hồng. Có tháng lời cả chục triệu đồng”, chị Tâm nói. Còn chuyện có rõ về tính năng sản phẩm hay không, chị Tâm nói rằng cứ giới thiệu cho người mua như những gì mình đã được người của công ty truyền đạt là được.

Nhật Linh

(Xem tiếp kỳ sau)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối