Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

12 tháng hãy là mùa hè…

Cao Ban -    

Bầu trời Tây Nguyên nhiều sao, trong và sâu hơn bầu trời thành phố. Phương vẫn ngồi ở chỗ mỏm đá ngoài đầu bản như mọi hôm. Mới hôm nào tụi Phương bỡ ngỡ, chân ướt chân ráo tới đây, con Linh, con Trang còn ngủ không quen chỗ, mà nay đã gọi các cô trong bản là mệ, gọi tụi nhóc là con, xưng má…

11__12thang-dad2

Ở bản, các cô chú thương tụi Phương như con. Khi thì rau rừng, khi thì cá suối, con gà, miếng thịt, chia cho bữa cơm của tụi Phương ăn hoài không hết. Nhớ những đêm uống rượu cần ngà ngà say, những hôm ôm guitar nghiêng ngả hò hát tới sáng, rồi nằm trên cát cùng đám trẻ con, cạnh đống củi bập bùng cháy, ngắm trời đầy sao, chiu chít nói cười. Hồi tối, nhà mệ Lập còn mang cho tụi Phương mấy bao sầu riêng, bảo nhất định phải mang về thành phố.

Tổng kết sơ bộ kết quả chương trình mùa hè xanh lần này, “sửa 100 m đường nông thôn, phát quang 2,5 km đường giao thông, trồng 150 cây xanh, nạo vét 1,3 km kênh mương, thực hiện các công trình xanh-sạch -đẹp tại các tuyến đường, khu dân cư, tổ chức ngày hội đọc sách, ôn tập hè cho các em thiếu nhi, thăm hỏi, tặng quà cho trẻ con và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn”, anh Hà bảo chiến dịch đã thắng lợi.

Phương nghĩ về những gì đội ngũ hơn 60 thanh niên tụi Phương đã đóng góp trong một tháng qua. Chẳng nhiều nhặn gì. Với “thành tích” đó, có lẽ các anh dân quân xã chỉ cần vài ba bữa là xong, chứ chả ăn dầm ở dề với bản làng như tụi Phương.

Nhưng Phương vui lắm, hồ hởi lắm, vì đã ít nhiều vung chân vung tay xây chỗ này, đắp chỗ kia, chạy tới chạy lui khuân vác, cười nói, ăn ngủ cùng đồng bào. Được khoác màu áo xanh “ra mặt trận” ở trường của Phương là cả một bầu trời tự hào. Cả trường những 4.000 sinh viên, nhưng chỉ 60 đứa được đi, tỷ lệ chọi đi mùa hè xanh cao ngất ngưởng và độ khốc liệt còn cam go gấp bội kỳ thi đại học của tụi Phương năm nào. Thanh niên nào “được chọn” cũng mang trong lòng niềm háo hức trải nghiệm, sẵn sàng lăn xả, xắn tay áo làm việc có ích cho đời và mở toang lòng đón nhận tất cả những điều khác biệt.

Thế mà Tú không đi. Sau lần đi phát quà ở trại trẻ mồ côi thì Tú không đi với đội thêm lần nào nữa. Tú bảo “lòng tốt của tao xấu xí quá. Có những con người tật nguyền ở đấy, với gương mặt biến dạng, với nụ cười một nửa, với chân tay cụt què, với quần áo bết bát hôi mùi. Mày sẽ chọn chăm sóc những con người ấy, hay đến bế những đứa trẻ con kháu khỉnh? Đã có suy nghĩ như thế thì việc tao làm cũng chẳng còn tốt đẹp nữa. Tao thà về nhà nấu cơm ngon cho cha, giặt đồ thơm cho mẹ, chứ không làm tình nguyện nữa!”.

Làm tình nguyện nhưng tim mình chẳng đủ rộng, làm việc thiện nhưng lại mang tâm thế của kẻ đi ban phát. Lòng thương người vốn chẳng có chỗ cho những đắn đo suy tính méo mó như vậy. Tú đã nói thế.

Phương vốn nghĩ, dù làm từ thiện vì hư danh nhưng thứ mình cho đi cũng giúp được nhiều người khó khăn, há chẳng phải đã quá tốt rồi sao. Hồi nộp đơn xin vào đội công tác xã hội của trường, anh Hà đã chia sẻ với Phương rằng, công việc tình nguyện chẳng dễ dàng. Công việc ấy có thể là nạo vét kênh mương nồng nặc mùi rác thải, chăm nom các cụ già cáu bẳn khó tính, dọn dẹp nhà vệ sinh công cộng… Anh đã thấy bao nhiêu thanh niên trẻ, hăm hở đi tình nguyện nhưng đụng phải việc chẳng mấy cao sang thì tinh thần cũng chỉ còn khò khè như tiếng hen vậy. Làm việc thiện không phải để xoa dịu những sân si của chính mình trong cuộc sống thường ngày, càng không phải để mình tự thấy mình đang “tốt đẹp thật đấy!”

Phương đã theo đội công tác xã hội đi phát quà ở nhiều vùng sâu vùng xa. Hình ảnh Phương nhớ nhất có lẽ là đôi mắt sáng rỡ của những em bé dân tộc ít người lần đầu tiên được tiếp xúc với máy vi tính, là dáng vẻ mừng mừng tủi tủi của thầy cô trong ngôi trường nhỏ nhắn nép mình bên cánh rừng cao su bất tận. Ở vùng quê nghèo này, tưởng chừng không có chuyện chạy trường, chạy lớp, nhưng “vấn nạn” ấy lại càng rõ ràng hơn bao giờ hết khi các em phải “chạy” vào trường huyện, để được học tiếng Anh và tin học.

Mười chiếc máy tính cũ quyên góp được của đội Phương là cả một gia tài đối với thầy trò trường bản. Nhưng sau này có ai chịu về nơi đi mãi không hết con đường đất đỏ này để dạy tiếng Anh, tin học cho các em, máy vi tính liệu có đủ dùng, những cặp mắt có thôi ngơ ngác hay không.

Cuộc sống quanh Phương có hai thế giới thật khác nhau đang tồn tại song hành và tách biệt. Một thế giới xa hoa yêu kiều, ăn sung mặc sướng, nhà cao cửa rộng, đi toa hạng sang ngủ phòng hạng nhất, thi thoảng mua giúp những người bán rong chai nước hay vỉ kẹo cao su cho họ thôi lèo nhèo nữa. Còn một thế giới khổ hạnh, nghèo đói, mù chữ, bệnh tật, thiên tai, nhận “cứu trợ” hoài nhưng vẫn chẳng rút chân ra khỏi thế giới ấy được là bao.

Liệu những “chiến sĩ” tụi Phương có ở một thế giới trông sang bên kia, còn mùa hè xanh có chỉ là một phong trào “sống là cho không chỉ nhận riêng mình”? Dù thế nào, cũng chỉ những ai đứng ngay trên làn ranh giữa hai thế giới kia mới bất hạnh, bởi đau đớn và bất lực.

Mai về thành phố, Phương sẽ rất nhớ những em nhỏ lấm lem, học lớp 5, lớp 6 mà trông như các bé mẫu giáo, tờ mờ sáng cắp quyển sách lon ton tới lớp học của tụi Phương, miệng ê a tới tối. Phương sẽ ước 12 tháng hãy là mùa hè để tụi Phương được về với mấy đứa nhỏ, chơi cướp cờ, trầy trật tay chân, đất cát len vào cả trong tai trong tóc. Phương sẽ ước quanh năm chỉ mặc mỗi áo mùa hè xanh với quần thể dục, không sợ mưa, không sợ nắng, đen nhẻm, ốm o gầy gò, chạy ngang dọc khắp các con đường đất đỏ.

Phương lấy mảnh giấy ra xem, mảnh giấy mà cu Tin đã giúi vào tay Phương lúc chia tay. Cái thằng bé lầm lì, chỉ hay ngồi ở góc lớp và có cạy miệng cũng không chịu nói với Phương một câu. Thế mà..., nó viết: “Sang năm cô lại về dạy tiếng Anh cho tụi con nhé. Con lúc nào cũng nhớ cô”.

Phương gấp mảnh giấy, cho vào túi áo, nâng niu. Mùa hè tới, nhất định Phương sẽ về.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối