Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

13 loại thuế “kỳ quái” nhưng có thật khách du lịch cần biết

(SGTTO) - Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng ở Nga có thuế râu, Anh có thuế cửa sổ, Áo có thuế đánh vào những ai bó thạch cao do bị thương trên thân thể...

Lịch sử của các nền văn minh đã chứng kiến ​​rất nhiều luật thuế kỳ lạ và bất thường. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta cũng có thể tìm thấy một số sắc thuế khá lạ, vẫn tồn tại ở các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Dưới đây là 13 loại thuế kỳ quái từ khắp nơi trên thế giới mà bạn có thể chưa bao giờ nghe thấy trước đây, do Brightside đăng tải. Và, có khi bạn chính là người đóng các loại thuế ấy khi đi du lịch, ở một nơi xa lạ mà kinh nghiệm hiểu biết thật sự của bạn có khi bằng không.

  1. Thuế hình xăm và xỏ khuyên (bang Arkansas, Mỹ)
Xăm hình cũng có thể bị đánh thuế

Nghệ thuật xăm mình ngày càng trở nên phổ biến đối với người Mỹ. Ước tính có 36% công dân nước Mỹ trong độ tuổi từ 18 - 29 có ít nhất một hình xăm. Vì vậy, không có gì lạ khi chính phủ đang cố gắng bảo vệ cư dân của họ khỏi những nghệ sĩ xăm hình không chuyên nghiệp và nhận những hậu quả không mong muốn như nhiễm trùng da hoặc thậm chí lây truyền HIV.

Ví dụ hàng đầu của chính sách này được thể hiện bởi tiểu bang Arkansas. Kể từ năm 2005, những người xăm mình sẽ bị tính thêm 6% thuế đối với các dịch vụ xỏ khuyên và xăm trên cơ thể.

  1. Thuế bò... xì hơi (Estonia)

Thoạt nghe có vẻ hài hước nhưng đây thực sự là một loại thuế có thật và nó xứng đáng được liệt vào danh sách những thứ thuế kỳ quặc nhất mọi thời đại.

Theo nghiên cứu của các nhà chức trách, khí thải từ đường ruột hay nói theo kiểu dân gian là đánh rắm sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến bầu khí quyển và sẽ gây ô nhiễm không khí nếu không có biện pháp kiểm soát.

Khi một con bò tiêu hóa cỏ, nó tạo ra trung bình 350 lít khí metan và 1.500 lít khí carbon dioxide mỗi ngày. Theo các ước tính khác nhau, điều này chiếm khoảng  15 - 25% lượng khí thải tổng thể vào không khí.

  1. Thuế bóng râm (Conegliano, Ý)

Chủ nhà hàng và cửa hàng ở Conegliano, một thị trấn ở vùng Veneto, Ý, nơi nổi tiếng với prosecco khô, phải trả khoảng 100 đô la Mỹ/năm nếu các thiết bị hoặc biển hiệu của họ đổ bóng trên đường phố công cộng .

Thuế bóng râm được tạo ra vào năm 1993 và được cho là sẽ được thi hành trên toàn bộ nước Ý, nhưng chỉ có chính quyền thị trấn Conegliano chấp nhận nó. Sau khi thực hiện, hầu hết các chủ sở hữu địa phương chỉ đơn giản quyết định lấy đi mái che hoặc dù của họ vào... cất đi.

  1. Thuế Mặt trời (quần đảo Balearic)

Quần đảo Balearic có khoảng 11 triệu khách du lịch mỗi năm và điều này gây áp lực lớn đối với tài nguyên địa phương. Đó là lý do tại sao một loại thuế du lịch mới, hay thuế Mặt trời, được áp dụng từ năm 2016.

Khoản phí này có hiệu lực với tất cả du khách của Majorca, Menorca, Ibiza và Formentera. Mức thuế dao động từ 2 - 4 đô la Mỹ/người/ngày. Tiền thu được thông qua thuế được sử dụng để cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch như làm sạch các bãi biển và khu vực ven biển, bảo tồn các di sản và đặc biệt là phục hồi cân bằng sinh thái địa phương.

  1. Tắm nắng, tẩy trắng da cũng đóng thuế (Mỹ)

Kể từ năm 2010, mỗi người Mỹ muốn có một phòng tắm nắng đã phải trả thêm 10% phí cho thủ tục. Các thuế thuộc về làn da được áp dụng cho tất cả các dịch vụ trong nhà trừ khi chúng được thực hiện bởi một chuyên gia y tế được cấp phép. Mục đích chính của nó là chống ung thư da trên người.

  1. Thuế đồ ăn vặt, Hungary

Một thuế đánh trên nhiều thực phẩm đóng gói có nhiều muối và đường như khoai tây chiên, bánh quy, bánh ngọt và thậm chí cả đồ uống tăng lực và nước ngọt.

Thuế được áp dụng ở Hungary từ năm 2011. Cụ thể, nó được gọi là thuế sản phẩm sức khỏe cộng đồng. Nó bổ sung thêm khoảng 20 cent lên giá của các mặt hàng này.

Bằng cách áp thuế này, Chính phủ Hungary muốn tăng cường chế độ ăn uống lành mạnh và buộc công dân của mình phải lựa chọn thực phẩm tốt hơn. Đáng ngạc nhiên, nó dường như đang có tác dụng khi khoảng  59 - 73% người tiêu dùng giảm tiêu thụ lượng sản phẩm bị đánh thuế. 

  1. Thuế bài (Alabama, Mỹ)

Đây không phải là thuế từ dịch vụ “cờ bạc”, nó là một loại thế đánh vào... lá bài Tây. Theo đó, Alabama là tiểu bang duy nhất ở Mỹ đánh thuế một bộ bài.

Mua một bộ bài, người mua trả thêm 10 xu. Người bán cũng phải trả 1 đô la Mỹ trên mỗi bộ bài bán ra và giấy phép để kinh doanh là 3 đô la/năm/cửa hàng.

  1. Đi xem phim là phải nộp thuế (Ấn Độ)

Một đêm chiếu phim ở Ấn Độ thực sự có thể khiến bạn tốn khá nhiều tiền. Tại đây, bạn phải trả một khoản thuế đặc biệt cho vé xem phim. Bên cạnh đó, nếu bạn đi xem một hoạt động nghệ thuật có bán vé ở những chương trình thương mại quy mô lớn, triển lãm, công viên giải trí... thì đều phải trả thêm tiền thuế.

Các thuế khác nhau từ các tiểu bang và dao động từ 5 - 28%, tùy thuộc vào hình thức giải trí.

  1. Thuế hạt bóc vỏ (Anh)

Ở Anh, mua các loại hạt còn vỏ có thể giúp bạn tiết kiệm tiền. Nguyên nhân là do có thuế giá trị gia tăng áp 20% ​ đối với các loại hạt đã bóc vỏ, rang và muối.

Vì vậy, sẽ tốt hơn nhiều nếu túi tiền của bạn không bị mất oan vào những mảnh vỏ bỏ đi. Trong khi đó bạn hoàn toàn có thể vừa cắn hạt và thư thả thưởng thức mùi vị thơm ngon của các loại hạt với mức giá rẻ hơn.

Tuy nhiên, loại thuế này không áp dụng với đậu phộng (lạc). Chúng không bị đánh thuế nếu được bóc vỏ và không được nêm muối hoặc rang.

  1. Béo quá cũng bị đánh thuế (Nhật Bản)

Luật Metabo nổi tiếng ở Nhật Bản yêu cầu đàn ông và phụ nữ trong độ tuổi từ 40 - 75 phải đo vòng eo mỗi năm. Nếu vòng eo của họ vượt quá một kích thước nhất định (85 cm đối với nam và 90 cm đối với nữ), họ phải trả tiền phạt.

“Thuế béo” ở Nhật Bản được ban hành là một nỗ lực để  khắc phục tỷ lệ béo phì ngày càng tăng và kiểm soát sự lây lan của các bệnh như tiểu đường và đột quỵ.

  1. Thuế vì… ăn bánhcó hình vòng (New York, Mỹ)

New York có thuế đặc biệt áp dụng riêng cho bánh mì có hình vòng tròn được chế biến. Điều này có nghĩa là nếu bánh mì của bạn được cắt lát hoặc ăn kèm với thực phẩm khác phía trên nó, bạn phải trả thêm 8 xu/bánh.

Cụ thể, những lát bánh mì đã được cắt ra phải chịu thuế kép: đầu tiên là thuế cho một loại thực phẩm và sau đó là thuế trên một món đồ ăn đã được làm sẵn.

Theo thủ thuật từ Brightside để tránh phải trả thuế này, bạn có thể mua một chiếc bánh mì tròn và mang về nhà để ăn, muốn cắt hay xé ra là tùy ý bạn.

  1. Thuế đũa (Trung Quốc)

Mỗi năm, Trung Quốc sản xuất khoảng 45 tỉ đôi đũa chỉ sử dụng một lần. Để sản xuất một lượng lớn như vậy, người ta phải phá hủy khoảng 25 triệu cây trồng nguyên liệu.

Không có gì ngạc nhiên khi chính phủ Trung Quốc cuối cùng đã bắt đầu gióng lên hồi chuông cảnh báo đe dọa thiên nhiên một cách nghiêm trọng.

Năm 2006, Trung Quốc đã ban hành mức thuế suất 5% đối với đũa gỗ dùng một lần. Mục đích của việc này nhằm để bảo vệ và bảo tồn các khu rừng có nguy cơ ngày càng bị thu hẹp. Chính phủ tin rằng biện pháp này sẽ khuyến khích mọi người ăn bằng đũa nhựa, đũa có thể tái sử dụng thay vì dùng loại truyền thống.

  1. Thuế thạch cao, Áo
Thuế thạch cao là loại thuế có thật tại nước Áo.

Được xem là một trong những “thánh địa” của những người yêu thích bộ môn trượt tuyết, nước Áo mỗi năm đón tiếp rất nhiều du khách ghé tới tham quan và trải nghiệm.

Thế nhưng, nhiều quá đôi khi không hẳn là điều tốt khi mà tại đây theo ghi nhận mỗi năm có không dưới 150.000 trường hợp du khách bị tai nạn và chấn thương khác liên quan đến va chạm mạnh dẫn đến gãy xương.

Vì vậy, để giảm thiểu số người bị thương cũng như hạn chế lượng du khách trượt tuyết “quá khích”, các nhà chức tránh Áo đã ban hành một đạo luật thuế du lịch về thạch cao, là thứ người ta dùng để “bó bột” cho người bị gãy xương.

Điều đáng nói là những đối tượng bị buộc phải đóng khoản tiền này không ai khác chính chủ nhân của các khách sạn và khu nghỉ dưỡng trong khu vực.

Dung Trần

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối