2 độ C là lượng nhiệt độ trong ngưỡng nóng mà trái đất còn có thể chịu được. Các nhà lãnh đạo của tám quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất thế giới đều nhất trí với giới hạn tối đa này.
Trong một cuộc phỏng vấn mà loạt phim tài liệu về khí hậu Years of Living Dangerously mà hãng truyền hình Mỹ Showtime phát sóng vào ngày 9-6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề cập đến mục tiêu quốc tế trong việc giới hạn mức tăng nhiệt độ 20C kể từ thời điểm bắt đầu của kỷ nguyên công nghiệp. Theo người phỏng vấn, nhà báo Thomas Friedman, nếu vượt mức 2 độ này, hành tinh của chúng ta sẽ phải hứng chịu hiện tượng thật sự nguy hiểm như băng miền Bắc cực tan, mực nước biển dâng và bão tàn phá. Friedman cũng cho biết Cơ quan Năng lượng quốc tế (International Energy Agency – IEA) đã kết luận rằng để đáp ứng mục tiêu hạn chế mức tăng 20C, con người sẽ không được khai thác và đốt 2/3 trữ lượng dầu, khí và than ở dưới lòng đất.
Yêu cầu khoa học cấp bách mới được đưa ra này là phải để nguyên khối nhiên liệu hóa thạch của trái đất lại trong lòng đất, nhưng hiện vẫn chưa được chính phủ các nước hay các cơ quan khoa học thảo luận nhiều, giới truyền thông cũng chưa đưa tin gì nhiều và công chúng cũng rất ít biết đến. Tuy nhiên, hệ quả về mặt chính trị và kinh tế của yêu cầu này là rất to lớn.
Trước hết, cần phải hiểu rõ là IEA không phải là nơi của những người có quan điểm cấp tiến thuộc tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace). Mỹ cùng các nước tiên tiến khác đã thành lập tổ chức này vào thời kỳ đầu của lệnh cấm vận dầu OPEC vào năm 1973. Kết quả phân tích của IEA về khuynh hướng và công nghệ năng lượng toàn cầu đã được các chính phủ nhiều nước, những chuyên gia thuộc các viện hàn lâm trên khắp thế giới tham khảo hàng thập niên qua. Yêu cầu ngưng sử dụng 2/3 các loại chất đốt này được đề ra trong niên giám “World Energy Outlook” ấn bản năm 2012 của IEA: “Không quá 1/3 trữ lượng nhiên liệu hóa thạch đã thăm dò có thể được tiêu thụ trước năm 2050 nếu thế giới phải đạt được mục tiêu 20C, trừ phi công nghệ thu nạp và lưu trữ carbon CCS (carbon capture and storage) được sử dụng rộng rãi. Kết luận này dựa trên ước định “trữ lượng carbon” toàn cầu, đo theo lượng khí thải CO2 từ trữ lượng nhiên liệu hóa thạch đã được thăm dò”.
Giữ lại 2/3 trữ lượng nhiên liệu hóa thạch của trái đất dưới lòng đất sẽ làm thay đổi tập quán sử dụng năng lượng trên toàn cầu. Có nghĩa là trong vòng 30 năm tới, các quốc gia trên thế giới, nhất là Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Âu, phải gần như loại carbon ra khỏi nền kinh tế của họ. Đến năm 2050, các nước này sẽ phải sản xuất điện năng, chạy xe, giữ ấm và làm mát nhà cửa… không phải chủ yếu bằng dầu, khí hay than, mà bằng năng lượng mặt trời, gió và các phương pháp không thải ra nhiều loại khí gây hiệu ứng nhà kính.
Việc cắt giảm 2/3 trữ lượng dầu, khí và than cũng sẽ loại bỏ được các kế hoạch kinh doanh của vài doanh nghiệp giàu nhất, mạnh nhất, đó là các công ty dầu khí quốc tế. Người ta cũng phải ngưng dò tìm thêm dầu khí. Tại sao phải chi hàng chục tỉ đô la mỗi năm để tìm nhiên liệu mà sẽ không dùng đến? Phương pháp tạo vết nứt bằng thủy lực cũng sẽ bị loại bỏ. Đây là phương pháp tiếp cận quặng mỏ, thay thế cho phương pháp khoan truyền thống khi không thực hiện được.
Nếu thế giới hợp tác với mức trần 20C, tương lai các doanh nghiệp một số ngành sẽ mất một lượng lớn lợi nhuận. Trữ lượng nhiên liệu hóa thạch hiện tại trị giá hàng ngàn tỉ đô la Mỹ trên bảng quyết toán của các công ty như ExxonMobil và cả trong bảng đánh giá tích sản cho các nhà đầu tư trên thế giới. Nếu không bán được số trữ lượng này thì tài sản của vài doanh nghiệp sẽ bị giảm giá trị rất lớn (ước tính 28.000 tỉ đô la). Các công ty nắm giữ tài sản này chắc chắn sẽ phản đối kịch liệt. Hồi tháng 4, ExxonMobil đã tuyên bố có kế hoạch tìm kiếm và tiếp thị càng nhiều xăng dầu càng tốt, bất kể giới hạn 20C.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà những lời phát biểu của ông Obama lại có ít bình luận đến thế? Phải chăng, hầu hết mọi người đều không nhận thức được quan điểm từ bỏ nhiên liệu hóa thạch mà trong 200 năm qua từng là nhân tố quyết định đến quá trình phát triển của nền kinh tế toàn cầu?
Minh Thắng