Vũ Yến -
Hiện một số hội, nhóm tặng – xin sữa mẹ đang hoạt động sôi nổi trên mạng xã hội cùng với những hoạt động tặng hoặc xin sữa mẹ cho bé. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, các mẹ cần thận trọng khi cho con sử dụng sữa của người mẹ khác.
Xin sữa bằng lòng tin
Sinh con đầu lòng được 20 ngày, nhưng gặp chuyện buồn nên chị P.C.N (quận 2, TPHCM) mất sữa hoàn toàn. Vẫn muốn con được sử dụng sữa mẹ, chị đã rao thông tin xin sữa mẹ trong nhóm Ngân hàng sữa mẹ, một nhóm do các mẹ tự lập ra để trao đổi sữa cho nhau và giao lưu kinh nghiệm nuôi con.
Sau khi rao, chị đã được mẹ L.A, cũng đang nuôi con nhỏ ở quận 2 đồng ý tặng sữa. Sữa được chị L.A bảo quản trong túi zip chuyên dụng và vận chuyển tới nhà bằng cách đựng trong thùng xốp có đá.
“Ngoài chị L.A, bé nhà tôi còn được hai mẹ nữa tặng sữa. Nhờ ba nguồn sữa này mà bé không phải bú sữa công thức. Thực sự, khi đi xin sữa tôi cũng có chút đắn đo, không biết sữa đó có an toàn và tốt cho con hay không, nhưng sau khi trò chuyện với các mẹ tặng sữa, thấy con của các mẹ ấy tròn trĩnh, đáng yêu nên tôi yên tâm. Quan trọng là bé nhà tôi chịu uống sữa này và không bị tiêu chảy hay đau ốm gì”, chị P.C.N nói.
Cũng đăng thông tin xin sữa mẹ cho con trên một nhóm các bà mẹ nuôi con nhỏ, chị Hương Thủy (quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, hiện chị đang cho con bú sữa trữ đông từ hai tháng trước của một mẹ nuôi con tám tháng.
“Qua trò chuyện, tôi biết mẹ cho sữa hoàn toàn khỏe mạnh, em bé nhà mẹ ấy phát triển tốt, tăng cân đều đều. Tuy vậy, tôi cũng vừa cho con bú vừa hồi hộp. Mong rằng con sẽ chịu sữa, phát triển khỏe mạnh”, chị Thủy chia sẻ.
Theo chị Lê Huyền Trang, người sáng lập “Tủ sữa miễn phí” tại quận Tân Bình, việc xác định xem sữa mẹ ấy có an toàn, đảm bảo chất lượng không, trên thực tế chỉ dựa vào lòng tin giữa người với người, qua sự trao đổi giữa các mẹ.
“Khi xin sữa, tôi hỏi rất kỹ thông tin về người cho. Nếu mẹ cho sữa khỏe mạnh, không bị bệnh gì mới dám cho con uống sữa. Mặc dù các mẹ cho sữa có lòng tốt, nhưng mình cũng phải hết sức cẩn trọng”, anh Thái Tuấn (quận 9, TPHCM) bày tỏ e ngại khi phải luân phiên cho con uống sữa của 4-5 mẹ khác.
Hiện khoảng 10 hội nhóm đã được lập ra trên Facebook nhằm chia sẻ nguồn sữa mẹ tại TPHCM. Không chỉ trao đổi sữa tại TPHCM, việc xin – cho sữa còn lan rộng ra các tỉnh, thành lân cận. Ví dụ, qua thông tin rao xin – cho sữa của một mẹ nào đó ở TPHCM, sữa còn được vận chuyển tới Vũng Tàu, Đồng Nai, Biên Hòa… cho các bé có nhu cầu.
Nhiều rủi ro
Theo TS.BS. Trần Thị Minh Hạnh, Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng TPHCM, Trưởng Khoa Dinh dưỡng-Tiết chế bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, sữa mẹ là thức ăn phù hợp nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, không phải bà mẹ nào cũng có thể nuôi con bằng sữa mẹ.
“Trẻ bú sữa mẹ sẽ không an toàn trong các trường hợp sau: mẹ có HIV dương tính, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, bệnh lao tiến triển, mẹ có sang thương vú với virus Herpes simplex, đang điều trị một số thuốc gây nghiện, hóa trị ung thư, một số loại kháng sinh, nghiện rượu...”, bác sĩ Hạnh cảnh báo.
Việc cho bé bú sữa của bà mẹ khác sẽ an toàn nếu biết rõ về tình trạng sức khỏe của các bà mẹ ấy, thuốc các mẹ đang dùng cũng như thói quen sinh hoạt... Hơn nữa, sữa mẹ dù an toàn (theo ý kiến bác sĩ), nhưng lại không thể đảm bảo quá trình vắt, bảo quản và lưu trữ sữa.
Bác sĩ Hạnh khuyên các bà mẹ cần rửa tay và dùng dụng hút sữa thật sạch trước khi vắt sữa. Sữa sau khi hút ra phải được chứa đựng trong chai lọ sạch, đậy kín nắp, dán nhãn ghi thời gian lấy sữa và bảo quản ngay ở ngăn mát tủ lạnh (nếu dùng ngay trong ngày) hoặc ngăn đông (nếu để lâu hơn).
Vấn đề lớn nhất khi xin sữa trên mạng là không ai giám sát quá trình hút sữa, dụng cụ sử dụng và cách bảo quản sữa của các bà mẹ khác
Chất lượng sữa khác nhau
Mỗi bà mẹ có tình trạng sức khỏe và thói quen ăn uống khác nhau dẫn tới chất lượng sữa khác nhau. Chất lượng sữa trong từng cữ bú của cùng một bà mẹ cũng khác nhau. Sữa đầu nhiều nước hơn để cho bé “giải khát”, còn sữa cuối thì giàu chất béo, nhiều năng lượng giúp bé tăng trưởng tốt. Nếu bú nhiều nguồn khác nhau, trẻ không được đảm bảo bú cả sữa đầu và sữa cuối, dễ bị thiếu dưỡng chất.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm, phòng khám sản phụ khoa, bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cũng nhấn mạnh rằng cơ thể trẻ nhỏ rất mong manh, yếu ớt. Việc cho bé sử dụng sữa đông của một hay nhiều mẹ khác, ngoài nguy cơ lây nhiễm các mầm bệnh (như nhiễm HIV, viêm gan siêu vi B, thủy đậu…) còn có thể khiến bé bị rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng đường ruột vì quá trình vắt sữa, bảo quản, vận chuyển không đúng, khiến sữa bị nhiễm khuẩn.
“Cơ chế ra sữa mẹ rất tự nhiên. Nếu ban đầu mất sữa, mẹ tích cực cho bé bú thì ắt hẳn sữa sẽ về. Nếu vì lý do nào đó mẹ mất sữa thì nên tư vấn bác sĩ để tìm sữa công thức phù hợp với bé. Chúng ta cũng không nên cực đoan với suy nghĩ bé phải sử dụng hoàn toàn sữa mẹ”, bác sĩ Thắm chia sẻ.