Từ đầu năm tới nay, bệnh sởi đã xuất hiện tại 57 phường, xã tại TPHCM, ghi nhận 346 ca xét nghiệm dương tính, trong đó có 3 ca tử vong. Trước hiện trạng trên, TPHCM lo ngại bùng phát dịch sởi.
- Số ca mắc bệnh sởi tăng cao, Bộ Y tế khuyến cáo đi tiêm phòng
- Mối nguy nhiễm liên cầu khuẩn lợn từ thịt lợn bệnh không chế biến kỹ
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), từ ngày 23-5 đến sáng 12-8, TPHCM ghi nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi. Trong đó, có 346 ca dương tính sởi. Các ca bệnh sởi có khoảng 50% bệnh nhân tại các tỉnh chuyển đến. Sởi đã xuất hiện tại 57 phường xã, 16 quận huyện của thành phố. Trong đó, 9 quận huyện có hai ca trở lên, ba quận huyện có số ca sởi cao nhất là huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, quận Bình Tân.
Đáng chú ý, năm 2024, TPHCM đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong do mắc bệnh sởi. Cụ thể, trường hợp đầu tiên là bé gái 3 tuổi, có bệnh nền suy giảm miễn dịch, chậm phát triển tâm vận, suy dinh dưỡng; chưa được tiêm chủng vắc-xin. Trường hợp thứ hai là bé gái 4 tháng tuổi, bị hội chứng Cushing, tăng tuyến thượng thận, chưa đủ tuổi tiêm chủng vắc-xin sởi. Trường hợp cuối cùng là bé trai 7 tuổi, bị bệnh bạch cầu cấp dòng lympho đã ghép tủy, suy tim và suy thận mạn, đã tiêm chủng hai mũi vắc-xin sởi.
Trước tình hình trên, Sở Y tế TPHCM chỉ đạo Trung tâm Y tế quận huyện và TP Thủ Đức, các trạm y tế xã phường, thị trấn rà soát tiền sử tiêm chủng đối với các trường hợp có bệnh lý bẩm sinh, bệnh lý nền. Đồng thời, tổ chức tiêm vắc-xin tại bệnh viện cho những bệnh nhi có đủ điều kiện tiêm chủng và tư vấn tiêm chủng cho người nhà của những bệnh nhi không đủ điều kiện, đẩy mạnh hoạt động tiêm bù, tiêm vét cho trẻ trong độ tiêm chủng.
Ngoài ra, Sở Y tế chỉ đạo HCDC phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai hiệu quả mạng lưới giám sát ca bệnh, hoạt động tiêm chủng và truyền thông phòng chống dịch bệnh. Theo HCDC, bệnh sởi chỉ được kiểm soát khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt 95% với hai liều vắc-xin. Phụ huynh phải cho con em đến cơ sở y tế tiêm đủ hai mũi sởi theo lịch tiêm chủng để tạo miễn dịch cho trẻ.
Theo đó, cần cho trẻ đi tiêm vắc-xin sởi (mũi 1) khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, khi trẻ đủ 18 tháng tuổi cần đưa trẻ đi tiêm vắc-xin sởi – rubella (mũi 2). Trường hợp trẻ chưa được tiêm vắc-xin sởi nói riêng và các loại vắc-xin khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc trễ lịch tiêm theo hẹn, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng đầy đủ.
Bệnh sởi có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy... có thể gây tử vong. Bệnh sởi cũng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể, có thể khiến cho cơ thể “quên” cách tự đề kháng trước các bệnh nhiễm trùng và làm cho trẻ bệnh trở nên yếu ớt. Trẻ nhỏ chưa tiêm chủng, trẻ suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai và người bị suy yếu hệ thống miễn dịch là những người có nguy cơ biến chứng nặng nếu mắc bệnh sởi. Mọi người đều có thể mắc bệnh sởi, tuy nhiên bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Theo Sức khoẻ và Đời sống