Ngọc Trung -
Hầu hết mọi người chỉ biết sử dụng thiết bị công nghệ chứ ít ai đào sâu tìm hiểu chi tiết xem nó được vận hành như thế nào. Và một số giải pháp mà chúng ta tin tưởng lại không đúng. Dưới đây là một vài quan niệm sai lầm về công nghệ, theo The New York Times.
Thông số kỹ thuật cao, thiết bị tốt hơn
Khi mua chiếc máy tính xách tay hay điện thoại thông minh, bạn thường bị “dụ dỗ” chi thêm tiền cho những thiết bị đời mới hơn, với những thông số kỹ thuật cao cấp hơn. Bình thường thôi: Ai cũng hy vọng việc tốn thêm chút tiền cho điện thoại đời mới nhất sẽ bền hơn, hay máy tính xách tay có bộ nhớ “khủng” sẽ chạy nhanh hơn.
Thực tế là các thông số kỹ thuật cao cấp nhất không bảo đảm rằng, chiếc điện thoại hoặc máy tính đó hoạt động tốt hơn so với các đời thiết bị có các tính năng khiêm tốn. Chẳng hạn, việc chi tiêu nhiều tiền hơn để mua máy tính xách tay với bộ vi xử lý nhanh nhất sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu bạn chỉ dùng máy để… soạn thảo văn bản thay vì biên tập video hay âm nhạc. Tương tự, không cần quá bận tâm xem điện thoại thông minh của mình có tích hợp công nghệ mới nhất, dung lượng lưu trữ có cao hay không, nếu chủ yếu chỉ dùng để nghe gọi, nhắn tin.
Lời khuyên ở đây: Đừng để bị cuốn vào cuộc đua công nghệ “mới nhất và hiện đại nhất”. Hãy chú ý đến những tính năng phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình. Nếu muốn có một chiếc điện thoại dùng được cả ngày, hãy tập trung vào pin. Nếu muốn có một chiếc máy tính để mang theo đi làm, hãy chú trọng tuổi thọ pin và trọng lượng của máy. Đừng mua những thiết bị không phù hợp với nhu cầu.
Để pin về mức 0% mới sạc
Mọi người thường cho rằng phải dùng cho hết sạch pin rồi mới sạc, nhưng điều này không đúng với công nghệ pin hiện tại nữa. Những năm trước đây, các thiết bị công nghệ thường sử dụng pin nickel–metal hydride (NiMH) và nickel-cadmium (NiCad). Những loại pin này có số lần sạc giới hạn. Khi vượt quá giới hạn này, pin không thể sạc được nữa. Vì vậy trước đây chúng ta thường được khuyên nên để cạn pin rồi mới sạc nhằm kéo dài tuổi thọ pin.
Các thiết bị bây giờ thường sử dụng pin lithium-ion (Li-ion). Đối với loại pin này, sẽ hại nhiều hơn lợi nếu để thiết bị cạn pin rồi mới sạc vì nó giới hạn số chu kỳ sạc, tức là số lần bạn có thể dùng hoàn toàn cạn pin và sạc đầy lại. Tuổi thọ của pin sẽ kéo dài nếu bạn sạc thường xuyên hơn và tránh thải cạn năng lượng.
Trên thực tế, kẻ thù lớn nhất của pin là nhiệt độ. Giữ cho pin được mát trong khi sạc và cả khi sử dụng sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của pin.
Càng nhiều megapixel, ảnh chụp càng đẹp
Nếu muốn nhỏ gọn, hãy chọn máy ảnh point-and-shoot. Chụp chuyên nghiệp hơn thì sử dụng máy ảnh DSLR mà hiện giá cả cũng đã rất hợp lý. Các nhà sản xuất máy ảnh liên tục cho ra đời các dòng máy với số megapixel (đơn vị đo độ phân giải của thiết bị quang hay số điểm ảnh trong mỗi bức ảnh) của máy đời sau luôn cao hơn đời trước. Vì vậy nhiều người cho rằng độ phân giải càng cao, máy sẽ chụp càng đẹp.
Các nhà tiếp thị luôn đề cập trước tiên đến độ phân giải khi quảng cáo máy ảnh kỹ thuật số; giờ là máy ảnh trong điện thoại thông minh. Sự hiểu lầm về độ phân giải của máy ảnh đã kéo dài gần một thập kỷ. Trong khi hầu hết các nhà nhiếp ảnh mới vào nghề đều hiểu rằng quan niệm này là sai, người tiêu dùng vẫn đi tìm kiếm chiếc điện thoại thông minh mà camera có càng nhiều megapixel càng tốt.
Megapixel đo lường sức mạnh của bộ cảm biến máy ảnh. Nó cho bạn biết bức ảnh in ra có thể lớn đến mức nào mà không bị “vỡ” chứ không nói lên chất lượng bức ảnh. Vì vậy đừng chỉ nhìn vào thông số kỹ thuật để đánh giá một chiếc máy ảnh. Tốt nhất là bạn nên xem những bức ảnh được chụp bằng máy ảnh hay điện thoại bạn cần rồi so sánh chúng với một số dòng máy phổ biến hoặc máy bạn đang có.
Cũng nên tìm đọc các bài đánh giá về khả năng chụp trong điều kiện thiếu sáng của máy ảnh. Và điều quan trọng nhất là làm quen với các bước tùy chỉnh trên máy ảnh. Người biết cách tinh chỉnh các thiết lập của máy ảnh sẽ tạo ra được những bức ảnh hoàn hảo nhất.
Âm mưu của các hãng công nghệ
Chuyện này vẫn xảy ra hàng năm: Ngay trước khi chiếc điện thoại mới nhất, được cho là hay nhất ra mắt, điện thoại của bạn bỗng trở nên ì ạch hơn bao giờ hết. Máy có thể bị treo hay ứng dụng trở nên chậm chạp. Mọi người sẽ cho rằng đây chính là một trong những “âm mưu” của nhà sản xuất điện thoại. Họ làm cho điện thoại bạn trở nên lỗi thời so với những chiếc đời mới, và thúc giục bạn nâng cấp thiết bị.
Thực tế thì chẳng có âm mưu nào cả. Đây chỉ là tác dụng phụ của một ngành công nghiệp luôn phát triển và không ngừng cải tiến. Khi những mẫu điện thoại mới được phát hành, bộ nhớ của chúng sẽ lớn hơn, màn hình tốt hơn, bộ vi xử lý nhanh hơn và các thông số kỹ thuật khác cũng cao hơn. Nhà sản xuất phần mềm sẽ tối ưu hóa ứng dụng của họ cho các thiết bị mới hơn, và “bỏ rơi” những thiết bị cũ.
Vì vậy, khi ứng dụng được cập nhật để phù hợp với các tính năng trên thiết bị mới, chúng dường như làm chiếc điện thoại cũ của bạn trở nên ì ạch. Và nếu các nhà phát triển ứng dụng không hỗ trợ cho điện thoại đời cũ nữa, chiếc điện thoại tội nghiệp của bạn sẽ ngày càng chậm chạp. Dù sao thì ít nhất bạn cũng có thể thấy thoải mái trong lòng vì thực ra chẳng có âm mưu nào cố ép bạn phải chi tiền để mua điện thoại mới cả!
Trả thêm tiền cho gói bảo hành mở rộng
Giờ đây cho dù mua bất kỳ thứ gì, bạn cũng bị dụ dỗ trả thêm tiền để mua thêm gói bảo hành mở rộng. Các nhà bán lẻ thường quảng cáo về các chương trình bảo hành mở rộng, rằng chỉ cần trả thêm chút tiền họ sẽ bảo hành thêm cho bạn trong vài năm tới. Vấn đề là những chương trình bảo hành kiểu này hầu như không cần thiết.
Trong nhiều trường hợp, bảo hành mở rộng của cửa hàng thường chạy song song với chương trình bảo hành của nhà sản xuất. Có nghĩa là bạn có thể phải trả tiền thêm lần nữa trong khi thiết bị của bạn đã được nhà sản xuất bảo hành rồi. Hãy nghiên cứu chế độ bảo hành cho thật kỹ.
Cuối cùng, hãy xem chi phí bảo hành mở rộng có xứng đáng với số tiền mình bỏ ra để mua hàng không. Hãy giữ lại số tiền định chi cho gói bảo hành, bỏ nó vào “quỹ sửa chữa” riêng của mình phòng khi thiết bị hư hỏng.