Thứ Sáu, Tháng Mười 18, 2024

5 trải nghiệm leo núi được đề cử ‘Top 7 Ấn tượng Việt Nam’

(SGTT) - Leo núi là một trong những trải nghiệm được nhiều du khách yêu thích trong thời gian gần đây. Theo đó, hành trình chinh phục đỉnh Sa Mu ở Sơn La, đỉnh Ngọc Linh ở Kon Tum hay đỉnh Nam Kang Ho Tao ở Lai Châu... là những trải nghiệm du lịch thú vị, được độc giả Sài Gòn Tiếp Thị đề cử vào "Top 7 Ấn tượng Việt Nam".

Đỉnh Sa Mu, Sơn La

Đỉnh Sa Mu – U Bò, thường gọi là đỉnh Sa Mu có độ cao 2.756 mét so với mực nước biển. Đỉnh núi này trong rừng đặc dụng Tà Xùa, thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.

"Biển mây" trên đỉnh Sa Mu. Ảnh: Ảnh: Đỗ Văn Tuyên

Ngọn núi này còn khá xa lạ với du khách. Tuy nhiên, nơi đây cuốn hút du khách bởi thiên nhiên hoang sơ, kỳ thú với thảm thực vật độc đáo. Cung đường trekking đỉnh Sa Mu sẽ đi xuyên qua một khu rừng nguyên sinh mang nét đặc trưng của rừng mưa nhiệt đới, với đa dạng thực vật như rêu, đỗ quyên, lá phong, rừng trúc và nhiều suối, thác.

Ảnh: Đỗ Văn Tuyên

Từ khoảng tháng 9 đến tháng 11, lá phong đổi màu vàng, đỏ tạo nên khung cảnh thơ mộng. Tháng 3 và 4 là mùa hoa đỗ quyên. Trong rừng còn có nhiều cây cổ thụ to, hình dáng kỳ lạ, rêu phủ quanh năm và rừng trúc xanh bốn mùa.

Đỉnh Ngọc Linh, Kon Tum

Ngọc Linh Liên Sơn là khối núi bao trùm trên bốn tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Gia Lai, bắt đầu từ ngọn Ngọc Lum Heo ở tây bắc cho đến ngọn Ngọc Rơ phía Đông Nam.

Ảnh: Huyền Nguyễn

Trong hành trình leo núi Ngọc Linh du khách sẽ có dịp ngắm bạt ngàn ruộng bậc thang đang, những ngôi làng của người dân tộc Xơ – đăng trên những ngọn đồi trông thật thanh bình. Càng lên cao, cảnh vật có sự thay đổi, không còn có ruộng bậc thang, mà thay vào đó là cảnh vật của rừng già cổ thụ với cây cối rậm rạp và ẩm ướt hơn. Sau khoảng năm giờ leo, du khách sẽ đến mốc 2100m để cắm trại.

Ảnh: Huyền Nguyễn

Đường từ chỗ cắm trại lên tới đỉnh mới thật sự thử thách, khi phải vượt qua những đoạn suối dốc với những tảng đá đầy rêu, trơn trượt hay những len lỏi trong những khu rừng rậm, cây cối mọc chắn hết cả lối đi đến những con đường nhỏ hẹp hiểm trở; một bên là rừng, một bên là vực sâu hun hút…

Đỉnh Nam Kang Ho Tao, Lai Châu

Ảnh: Lồ A Phổng

Nam Kang Ho Tao thuộc địa phận bản Thào A, xã Hố Mít, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Có độ cao khoảng 2.880m, đây là ngọn núi hoang sơ, hùng vĩ bậc nhất Việt Nam. Chinh phục Nam Kang Ho Tao là cả một hành trình gian nan vất vả mà du khách phải vượt qua.

Ảnh: Lồ A Phổng

Nam Kang Ho Tao là vùng núi hoang sơ với địa hình phức tạp, hành trình chinh phục đỉnh núi này đòi hỏi thể lực, sự kiên trì và sức chịu đựng bền bỉ. Những người tìm đến chinh phục Nam Kang Ho Tao phần vì cảnh đẹp, phần vì muốn vượt qua giới hạn của bản thân. Du khách phải vượt qua bao dốc núi trùng điệp, ghềnh đá, vách đá dựng đứng, băng qua các khu rừng nguyên sinh, khu rừng già…

Ảnh: Lồ A Phổng

Nam Kang Ho Tao còn được nhiều du khách ví von là “cung đường hành xác”. Bởi lẽ, trên đường khám phá Nam Kang Ho Tao nhiều chỗ nếu không có dây bảo hiểm, du khách phải trườn cả người, bám bằng cả chân và tay để vượt qua.

Đỉnh Ngũ Chỉ Sơn, Lào Cai

Ảnh: Thu Hương

Ngũ Chỉ Sơn thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, nằm giáp ranh giữa xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai và xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Ngũ Chỉ Sơn nổi tiếng với 5 đỉnh núi nằm san sát nhau, như bàn tay 5 ngón xòe thẳng lên trời.

Ngũ Chỉ Sơn được đánh giá là ngọn núi hùng vĩ bậc nhất vùng Tây Bắc, gần đây, ngọn núi này là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách ưa mạo hiểm. Ngọn núi này có độ cao khoảng 2.858m so với mực nước biển.

Ảnh: Thu Hương

So với các đỉnh núi khác, đỉnh Ngũ Chỉ Sơn có độ thử thách cao nhưng sở hữu cảnh đẹp ấn tượng. Quang cảnh núi rừng Ngũ Chỉ Sơn còn hoang sơ, ít bị tác động bởi con người, đường đi có nhiều rừng trúc, hoa mua, hoa đỗ quyên, rừng cổ thụ đẹp mắt…

Ảnh: Thu Hương

Trên đường khám phá Ngũ Chỉ Sơn, du khách phải vượt qua đoạn đường khó khăn với các cầu thang được bắt tạm, lách mình qua những khe đá hay bám vào cây rừng để men theo những con dốc trơn trượt.

Núi Cấm, An Giang

Ảnh: Dương Việt Anh

Trekking núi Cấm, tỉnh An Giang không đơn thuần là một hoạt động thể thao mà còn là cơ hội để du khách khám phá vẻ đẹp ấn tượng của vùng Bảy Núi. Khi bắt đầu hành trình trekking, du khách sẽ được đắm mình trong không gian của cánh đồng thốt nốt.

Những cây trúc xanh mướt và đồng cỏ tạo nên một hình ảnh thanh bình, yên tĩnh. Tiếp theo là đồi mãng cầu sai quả, tạo nên một khung cảnh sống động và bắt mắt.

Ảnh: Dương Việt Anh

Chinh phục núi Cấm cũng đồng nghĩa với việc du khách sẽ băng qua suối Thanh Long. Dòng nước trong veo chảy qua những viên đá nhỏ, tạo nên khung cảnh ấn tượng, không gian mát lành.

Ảnh: Dương Việt Anh

Khi leo lên đỉnh núi, tầm nhìn của du khách sẽ được mở rộng, nhìn ra bức tranh đồng bằng xanh mướt và sông nước êm đềm của miền Tây Nam bộ. Cảnh quan hùng vĩ và bao la này sẽ làm say đắm lòng người, đánh thức niềm tự hào về vẻ đẹp thiên nhiên của quê hương.

Đăng Huy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề