Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

60% người sống sót sau đột quỵ phải chịu cảnh tàn phế

(SGTT) - Theo bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, đột quỵ giết chết nhiều phụ nữ hơn cả ung thư vú và giết chết nhiều nam giới hơn ung thư tiền liệt tuyến. Tại các quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam, có đến 60% bệnh nhân sống sót sau đột quỵ phải chịu cảnh tàn phế.

Ngày 15-10, tại chương trình “Cấp cứu đột quỵ - Cuộc chạy đua với thời gian. Hãy xử trí đúng để cứu người thân của bạn” do Bệnh viện Quân y 175 (TPHCM) tổ chức, ThS. BS. Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, cho biết đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cung cấp máu của não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể, khiến cho não thiếu oxy và không đủ dinh dưỡng để nuôi tế bào.

Trong vòng vài phút, “nếu như không cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ bị chết dần đi. Trung bình, mỗi phút sẽ có hai triệu tế bào não chết đi và không thể phục hồi. Cứ 30 phút trôi qua lại có một người tử vong do đột quỵ não”, BS. Nghĩa cho biết.

Theo Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, đột quỵ giết chết nhiều phụ nữ hơn cả ung thư vú, giết chết nhiều nam giới hơn ung thư tiền liệt tuyến và để lại hơn 80 triệu bệnh nhân sống sót trong tình trạng tàn phế. Trên thực tế, tại các quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam, có tới 60% người sống sót sau đột quỵ phải chịu cảnh tàn phế.

Theo bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, cứ 30 phút trôi qua lại có một người tử vong do đột quỵ não. Ảnh: M.T

Bác sĩ Trịnh Mỹ Hoà, Phó Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh cho hay, dù là bệnh nguy hiểm và rất phổ biến nhưng tỷ lệ người dân thực sự biết và hiểu rõ về bệnh lại rất thấp. Theo một số nghiên cứu ở nước ngoài, khi bệnh nhân bị đột quỵ được bác sĩ hỏi về bệnh thì có tới 60-70% người không biết bản thân có các yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Vì vậy, mọi người nên chủ động tìm hiểu các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa, vì phòng đột quỵ hơn là chữa đột quỵ. Cụ thể có hai cách phòng ngừa là phòng ngừa nguyên phát và thứ phát.

Phòng ngừa đột quỵ nguyên phát đối với những người chưa bị đột quỵ nhưng có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu (mỡ trong máu), thừa cân béo phì, các bệnh lý về tim, hút thuốc lá, uống rượu, ít vận động... Đối với những đối tượng này, bác sĩ khuyên nên điều chỉnh các yếu tố nguy cơ trên cơ thể để phòng ngừa như kiểm soát cân nặng, tuân thủ điều trị các bệnh lý về tim mạch, không tự ý ngưng thuốc, bỏ thuốc, đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp...

Đối với phòng ngừa đột quỵ thứ phát là phương pháp phòng ngừa đối với các bệnh nhân đã từng bị đột quỵ, phòng ngừa để tránh tình trạng tái phát đột quỵ. Theo đó, bệnh nhân cần dùng thuốc để điều chỉnh các yếu tố nguy cơ nhằm phòng ngừa các cơn đột quỵ tái phát trong tương lai. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong ba tháng sau khi đột quỵ, tỷ lệ tái phát của bệnh nhân khoảng 17%, trong 5 năm đầu tỷ lệ tái phát là 25%.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ mắc đột quỵ trên thế giới hiện đang rất cao. Mỗi năm có khoảng 14 triệu người mắc, trong đó có 6 triệu người tử do đột quỵ. Tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam và Trung Quốc, số ca đột quỵ đã vượt qua tim mạch và chỉ đứng sau ung thư.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối