Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

70-80% du học sinh đi học tự túc không về nước sau tốt nghiệp

(SGTT) - Theo Tổ chức di cư quốc tế (IOM), ước tính có đến 70-80% du học sinh đi học tự túc không về nước sau khi học xong. Du học sinh ở lại nước ngoài để làm việc với thu nhập cao và chế độ đãi ngộ tốt hơn.
Nhiều du học sinh lựa chọn ở lại nước ngoài sau khi tốt nghiệp. Ảnh minh họa

Tại hội thảo công bố Hồ sơ di cư Việt Nam 2023 do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với IOM tổ chức vào ngày 29-10 ở Hà Nội, ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, di cư diễn ra với quy mô và tốc độ ngày càng tăng, tác động sâu sắc đến tất cả các quốc gia, TTXVN đưa tin.

Theo số liệu của Hồ sơ di cư Việt Nam 2023, trong giai đoạn 2017-2023, di cư lao động tiếp tục là loại hình di cư chủ yếu của Việt Nam với gần 860.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tương đương với hơn 100.000 người được đưa đi hàng năm, tập trung nhiều nhất tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc.

Di cư du học cũng có mức tăng tương tự. Dù đến nay chưa có số liệu chính xác nhưng con số ước tính hiện đạt trên 250.000 người chủ yếu tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Canada, Trung Quốc, Anh, Đức. Tỷ lệ người Việt Nam di cư là nữ giới có chiều hướng tăng.

Tình trạng “chảy máu chất xám” và các thách thức mới đặt ra do sự phát triển của trí tuệ nhân tạo bắt đầu thay thế nguồn nhân lực tay nghề thấp cũng là những vấn đề cần tiếp tục quan tâm. Ước tính, có đến 70-80% du học sinh đi học tự túc không về nước sau khi học xong mà ở lại nước ngoài để làm việc với thu nhập cao hơn, chế độ đãi ngộ tốt hơn.

Báo cáo khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ để giảm thiểu tình trạng này. Cùng với đó là biến thách thức thành cơ hội khi hiện nay đã hình thành quan niệm mới về “tính di động chất xám”, giúp người di cư vẫn có thể đóng góp bằng các hình thức khác nhau mà không nhất thiết phải trở về đất nước.

Ngoài ra, các số liệu của hồ sơ di cư Việt Nam 2023 cũng chỉ ra một số thách thức như việc bảo đảm di cư an toàn, ngăn chặn tình trạng đưa người di cư trái phép, mua bán người qua biên giới, lừa đảo trực tuyến “việc nhẹ lương cao”, mua bán người nhằm ép buộc thực hiện hành vi phạm tội tại các cơ sở sòng bạc, kinh doanh trò chơi trực tuyến trong khu vực.

Hoài Hương

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối