Chủ Nhật, Tháng Chín 8, 2024

Nâng cao nhận thức về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước

(SGTT) – Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam là một trong những nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Ngày 13-5, Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Vườn quốc gia Cát Tiên tổ chức Hội nghị “Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam”.

Các vùng đất ngập nước Việt Nam rất phong phú, đa dạng, có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống trên hành tinh của chúng ta. Đất ngập nước cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng cho sự phát triển thịnh vượng của mỗi quốc gia, bao gồm cung cấp nguồn lợi phục vụ cho phát triển nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là thủy sản, nông nghiệp, du lịch.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia Cát Tiên, chia sẻ, do biến đổi khí hậu và tác động xã hội, cùng với việc quản lý, kiểm tra, giám sát việc quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước chưa hiệu quả, làm cho các vùng đất ngập nước liên tục bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng, đã và đang là những thách thức to lớn đến công tác bảo tồn các vùng đất ngập nước và có tác động đến đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Vườn Quốc gia Cát Tiên mong muốn các cơ quan quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp và đại diện cộng đồng địa phương cùng tham gia, chia sẻ, thảo luận sôi nổi, tìm ra những giải pháp khả thi, hữu hiệu, xây dựng kế hoạch phù hợp với năng lực, điều kiện thực tế của địa phương, nâng cao hiệu quả truyền thông để quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của địa phương, trong đó có khu Ramsar Bầu Sấu, là vùng đất ngập nước quan trọng của thế giới.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia Cát Tiên (phải) và PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khoá XV, Uỷ viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tại Hội nghị. Ảnh: Nam Sơn

Tại Hội nghị, các chuyên gia hàng đầu về môi trường đã trình bày những chuyên đề chuyên sâu liên quan đến công tác bảo tồn, đa dạng sinh học, bảo vệ các vùng đất ngập nước Ramsar…

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khoá XV, Uỷ viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, trình bày chuyên đề về vai trò của các bên liên quan trong việc quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam, nâng cao năng lực thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu cho cộng đồng.

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khoá XV, Uỷ viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, trình bày chuyên đề tại Hội nghị. Ảnh: Nam Sơn

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh “Việt Nam là một trong những quốc gia có diện tích đất ngập nước khá lớn so với diện tích lãnh thổ. Chính vì vậy đất ngập nước chiếm vị trí quan trọng trong cấu trúc và sự phân hóa lãnh thổ quốc gia. Các vùng đất ngập nước có chức năng và vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia và là nguồn sinh kế của các cộng đồng người dân địa phương. Đất ngập nước cũng là đối tượng phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế, các địa phương, trong khi chúng có tiềm năng bảo tồn cao”.

Các đại biểu cũng đã nghe TS. Phạm Hữu Khánh, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Vườn Quốc gia Cát Tiên, trình bày chuyên đề “Công tác quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước khu Ramsar Vườn Quốc gia Cát Tiên” và TS. Hoàng Quốc Lâm, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày chuyên đề “Vai trò của cộng đồng, kinh nghiệm bảo tồn và sử dụng các vùng đất ngập nước trên thế giới”.

TS Phạm Hữu Khánh, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Vườn Quốc gia Cát Tiên, trình bày chuyên đề tại Hội nghị. Ảnh: Nam Sơn

Nhân dịp này, Ban Tổ chức mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận, chia sẻ của các chuyên gia về môi trường có nhiều kinh nghiệm, các tổ chức, cá nhân để qua đó góp phần tìm kiếm các giải pháp truyền thông làm thay đổi nhận thức và thực hành của cộng đồng về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

Ông Tuấn cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm truyền thông TN&MT và Vườn quốc gia Cát Tiên sẽ tiếp tục phối hợp, tổ chức các chuyên đề chuyên sâu, chương trình tập huấn hằng năm.

“Vườn quốc gia Cát Tiên là nơi đảm bảo nhiều yếu tố môi trường trong sạch, đảm bảo hệ sinh thái để phục vụ công tác bảo vệ môi trường, giáo dục môi trường, bảo tồn thiên nhiên, nâng cao hoạt động truyền thông, giáo dục thế hệ học sinh, sinh viên. Chúng tôi mong muốn mọi người, nhất là các bạn trẻ nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước thông qua những chuyến công tác, học tập thực tế tại Vườn quốc gia Cát Tiên”, ông Tuấn chia sẻ.

Đinh Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Làm gì để thực hành ESG trong du lịch?

0
(SGTT) – Song song với mục tiêu Net Zero, xu hướng áp dụng các tiêu chí ESG trong ngành du lịch đang ngày càng...

Bàn chuyện xây dựng cơ sở dữ liệu và tiêu chí...

0
(SGTT) – “Xây dựng cơ sở dữ liệu và tiêu chí thực hành du lịch Net Zero” là chủ đề của hội thảo chiều...

Phác thảo lộ trình hướng tới du lịch bền vững của...

0
(SGTT) - Việc một số nước trên thế giới đang có quan điểm “phản đối phát triển du lịch quá mức” là cơ hội...

Khu du lịch ven rừng ở Khánh Hoà thực hiện du...

0
(SGTT) – Làng Nhỏ - Hồ Láng Nhớt ở thôn Đá Mài, xã Diên Tân, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa là một khu...

Quảng Nam có 25 doanh nghiệp đạt chứng nhận du lịch...

0
(SGTT) - Tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành và triển khai áp dụng bộ tiêu chí du...

Những chú én nhỏ góp phần làm nên mùa xuân của...

0
(SGTT) - Việt Nam hiện đã có một số “Net Zero tours” được nhiều người hưởng ứng, mang lại tín hiệu tích cực. Tuy...

Kết nối