Annie Tran
Hành trình chinh phục cực Tây của Tổ quốc – A Pa Chải là một chặng đường mà bạn có thể khám phá và khẳng định sức mạnh của ý chí. Những trải nghiệm mà chúng tôi, những người luôn ngồi 8 giờ một ngày ở văn phòng, có được trong chuyến đi này là một minh chứng cho điều đó.
Gian nan đường lên đỉnh
Sau hai ngày khám phá Sơn La và những cảnh đẹp của vùng núi Tây Bắc, chúng tôi đến điểm dừng đầu tiên của hành trình chinh phục này lúc 11 giờ 30 phút tối – đồn biên phòng A Pa Chải. Bình minh A Pa Chải đón chúng tôi bằng một trận mưa lớn lúc 5 giờ sáng, mưa rả rích kèm theo đợt không khí lạnh của đợt gió rét đầu tiên ùa về cũng không làm giảm đi sự háo hức của cả đoàn.
Khởi hành từ đồn biên phòng lúc 7 giờ 30 để bắt đầu chặng đường chinh phục cực Tây, chúng tôi định đi ô tô khoảng 9 km đầu tiên đến điểm leo dốc. Thế nhưng, với thời tiết không thuận lợi, ô tô bị kẹt vũng lầy khi chỉ mới đi được hơn 1 km. Không còn chọn lựa nào khác là để ô tô và bác tài lại đó để tiếp tục cuộc hành trình trên đôi chân của mình.
Hình ảnh một đoàn người đi bộ dưới trời mưa, trong cái lạnh cắt da của mùa đông Tây Bắc có thể làm chùn bước bất cứ ai khi bắt đầu khởi hành. Chúng tôi hội ý chớp nhoáng và câu nói của một thành viên trong đoàn như một liều thuốc tăng lực cho sự quyết tâm: “Điện Biên thì có thể quay lại được chứ A Pa Chải thì không, chúng ta đã đến đây nghĩa là cũng sẽ lên được đỉnh cột mốc”. Đoạn đường tiếp theo dường như là một bước đệm để chúng tôi an lòng mà dấn bước. Sau hơn khoảng 90 phút đi bộ trên đoạn đường bằng phẳng vừa được trải những tấm đan như sân phơi, chúng tôi gặp một lán trại của công nhân làm đường và hai chiếc xe máy. Cả nhóm mừng rỡ khi các công nhân làm đường đồng ý đèo chúng tôi đi tiếp với giá 50.000 đồng một người. Mưa bắt đầu nặng hạt hơn, chúng tôi hai người một leo lên chiếc xe máy. Đoạn đường tiếp theo trong giai đoạn đang thi công trở nên trơn trợt dưới trời mưa, chưa kể có những đoạn triền núi sát với bờ vực. Nếu như chiếc xe máy chở ba người chỉ cần lạc tay lái do đường quá trơn là... Thật không dám nghĩ tiếp!
Lo sợ thì có nhưng cả đoàn chưa ai có ý định bỏ cuộc. Chúng tôi bắt đầu chặng leo núi đầu tiên với tất cả sự nhiệt tình và hăm hở. Cùng đi theo đoàn có hai anh bộ đội người dân tộc Hà Nhì dẫn đường. Các anh thông báo chặng đường tiếp theo sẽ là 4 km băng rừng, trèo đèo với năm con dốc dài và ba con dốc ngắn (sau này mới hiểu đó là những con dốc thẳng đứng). Có hề chi, chúng tôi đến đây là để chinh phục mà!
Sau hơn ba giờ đồng hồ, chúng tôi vẫn... chưa tới. Sự mệt mỏi về thể chất sau một chặng đường dài thì đã rõ. Nhưng sự quyết tâm trong tinh thần thì vẫn còn vẹn nguyên, bởi lẽ, hoàn cảnh của chúng tôi bây giờ có thể diễn tả bằng bốn chữ “không thể lùi bước” như phát biểu của Phụng, thành viên nhỏ tuổi nhất trong đoàn.
Chúng tôi lên được đỉnh vào lúc 14 giờ chiều. Cột mốc số 0, A Pa Chải, nơi tiếp giáp giữa ba nước Việt Nam, Lào và Trung Quốc. Cả đoàn không ai bảo ai, việc đầu tiên khi chạm mốc là đưa tay sờ vào phiến đá, nơi có gắn bảng quốc huy Việt Nam khẳng định chủ quyền lãnh thổ.
Xuống dốc nhớ... “niệm Phật”!
Bao nhiêu sức lực và nhiệt tình đã tập trung hết cho đường lên núi, đến lúc xuống núi chúng tôi mới thật sự thấm đòn của cái mệt rã rời. Sức mạnh của ý chí bắt đầu từ đây, khi mà chúng tôi cùng nhau vượt qua tám con dốc như khi leo lên, nhưng bây giờ là đi xuống. Nếu ai từng có suy nghĩ như tôi là đi lên mệt hơn đi xuống thì quả là một sai lầm. Với mỗi con dốc cao khoảng một ngôi nhà hai tầng, độ dốc khoảng 60 độ, mặt dốc toàn đất sình và bùn, chỉ cần trượt chân một cái, bạn sẽ tuột không phanh. Nguy hiểm hơn, ở một số nơi, cuối con dốc là vực thẳng đứng.
Với vô số lần trượt chân, té người đập thẳng xuống đất trong những đoạn dốc và “chụp ếch”, cả thân người tôi như một trái chuối dập. Chúng tôi xuống núi bằng mông, bằng tay, bằng chân, bằng tất cả những bộ phận nào có chức năng bấu víu và giảm tốc. Chưa kể, hai đầu gối bắt đầu đau vì mũi chân cứ phải đi chúi xuống. Ở chặng cuối, cứ mỗi bước chân của tôi đi kèm theo là sự đau đớn đến tột cùng mà tôi đoán là do chất nhờn của đầu gối không tiết ra kịp cho những hoạt động quá nặng vừa qua.
Tôi là người cuối cùng ra khỏi rừng, thế nhưng, hãy còn một chặng đường đi bộ dài hơn 9 km trước mặt. Mặt trời đã bắt đầu lặn, hai chân tôi hầu như nhấc không lên, tôi không thể nào co hai đầu gồi lại được và bước đi một cách không kiểm soát. Sự lựa chọn duy nhất của tôi là xe gắn máy, tôi còn phải vượt qua những đoạn dốc đầy sình lầy trơn trợt, khi mà ánh nắng mặt trời đã tắt hẳn và con đường thì phủ đầy mù sương. Xe gắn máy không thể mở đèn, người lái chạy theo quán tính và tôi đã phải dùng chế độ đèn pin từ điện thoại để soi đường. Trong một phút giây nào đó, tôi đã phó mặt số phận mình cho may rủi, cho trời phật, cho tay lái của người công nhân làm đường ở vùng cao này.
Tôi đi bằng ý chí. Tôi đi bằng ý chí. Tôi nhắm mắt lại và tưởng tượng ra hình ảnh đoàn tụ trong một bữa cơm ấm cúng với gia đình.
Cuối cùng, tôi đến được nơi đậu xe ô tô vào lúc 7 giờ tối. Tôi đã thực sự trở về.
Có thể nói rằng, chúng tôi đã chinh phục A Pa Chải không phải bằng sức trẻ, mà chính bằng ý chí và tinh thần. Riêng tôi đã khẳng định được rằng, dù ở tuổi 40, mình vẫn có thể vượt qua được mọi thách thức như trên, vượt qua mọi giới hạn của bản thân mình. Chính là nhờ vào sức mạnh của ý chí.