(SGTT) - Trước các tiềm năng to lớn trong việc phát triển thị trường carbon rừng, câu hỏi đặt ra là nguồn thu từ việc mua bán tín chỉ carbon sẽ được chia sẻ như thế nào?
- Xây dựng thị trường tín chỉ carbon ở TPHCM: tốc độ phải đi cùng tính ‘thực dụng’
- Tiềm năng từ mua bán tín chỉ carbon: ai chi tiền ai thu lợi?
Biến đổi khí hậu và thị trường carbon
Thị trường tín chỉ carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu năm 1997 và được quy định cụ thể tại điều 6 Thỏa thuận Paris năm 2015. Đến nay, các quốc gia trên thế giới đã đạt được những đồng thuận về quy trình và phương thức để xây dựng và vận hành thị trường carbon nhằm tạo nguồn tài chính cho các hành động giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, các tín chỉ carbon thể hiện quyền phát thải khí carbon dioxide (CO2) (một tín chỉ tương ứng với một tấn khí CO2 hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương), có thể kinh doanh và giao dịch trên thị trường.
Việt Nam, một trong mười quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, tại COP26 đã có những cam kết mạnh mẽ về việc đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Bên cạnh đó, Việt Nam còn tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030, Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất và Liên minh hành động thích ứng toàn cầu, đồng thời tích cực chuẩn bị cho quá trình hình thành thị trường carbon trong nước.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” với mục tiêu thí điểm thị trường carbon vào năm 2025 và đến năm 2028 sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Trong bối cảnh vận hành thị trường carbon dường như là tất yếu, việc cân nhắc đến tiềm năng phát triển thị trường carbon rừng của Việt Nam không chỉ là giải pháp đóng góp vào các mục tiêu giảm phát thải mà còn góp phần đem lại lợi ích kinh tế cho những người dân có sinh kế phụ thuộc vào rừng.
Theo thống kê ngành lâm nghiệp năm 2021, Việt Nam có 14,7 triệu héc ta rừng (gồm 2,2 triệu héc ta rừng đặc dụng, 4,7 triệu héc ta rừng phòng hộ, 7,8 triệu héc ta rừng sản xuất), độ che phủ rừng 42%. Trong đó, 60% do Nhà nước quản lý và 40% giao cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức.
Các hoạt động trong dự án tạo tín chỉ carbon rừng có thể bao gồm giảm mất rừng và suy thoái rừng, tăng cường hoạt động trồng rừng mới, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật, phục hồi rừng tự nhiên, hạn chế khai thác gỗ và hoạt động tăng cường quản lý bền vững rừng.
Theo đó, nếu tính theo giá 5 đô la Mỹ/tín chỉ, Việt Nam ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon và thu về hàng trăm triệu đô la mỗi năm. Những con số này hứa hẹn là một nguồn tài chính rất có ý nghĩa đối với hoạt động giảm phát thải từ mất rừng, suy thoái rừng, công tác quản lý, bảo vệ rừng và sinh kế của người dân sống phụ thuộc vào rừng.
Chia sẻ lợi ích: chờ khung pháp lý
Trước các tiềm năng to lớn trong việc phát triển thị trường carbon rừng, câu hỏi đặt ra là làm sao nguồn thu từ việc mua bán tín chỉ carbon có thể đến được với người dân, những đối tượng vừa chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến đổi khí hậu, sinh kế gắn với rừng, vừa trực tiếp tham gia vào các công tác bảo vệ, gìn giữ rừng. Hay nói một cách giản dị, tiền thu được từ việc bán tín chỉ carbon có được chia cho người dân hay không? Nếu có thì chia như thế nào?
Trên thực tế, Việt Nam đã bắt đầu tham gia một số thỏa thuận, dự án thí điểm liên quan đến giảm phát thải và đã có những nguồn thu đầu tiên từ việc chuyển nhượng tín chỉ carbon. Vừa qua, Việt Nam chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng của sáu tỉnh vùng Bắc Trung bộ cho Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) trong khuôn khổ Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (ERPA). Với đơn giá 5 đô la/tấn CO2, số tín chỉ carbon này đã mang đến nguồn thu giá trị 51,5 triệu đô la (khoảng 1.250 tỉ đồng). Đây được xem là cột mốc rất quan trọng, đánh dấu việc Việt Nam đưa carbon rừng tham gia vào thị trường bắt buộc.
Số tiền này cũng đã được tiến hành phân bổ đến các bên liên quan tại sáu tỉnh sau khi khấu trừ tiền phí quản lý và các khoản chi hợp lệ khác. Việc phân phối lợi ích cũng đã bắt đầu được thực hiện. Đơn cử như, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định 3607/QĐ-UBND và ngày 15-12-2023 về việc phê duyệt đối tượng hưởng lợi từ nguồn tạm ứng theo Thỏa thuận ERPA.
Theo đó, Quảng Bình nhận được khoản tiền tạm ứng khoảng 82,4 tỉ đồng và được phân bổ thành hai nguồn: khoảng 2,4 tỉ đồng tạm trích vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh (3%); khoảng 80 tỉ đồng sẽ được chi trả cho các đối tượng hưởng lợi khác. Các đối tượng hưởng lợi bao gồm: 16 chủ rừng là tổ chức; 10.762 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; 71 UBND cấp xã và chín tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng.
Việc chia sẻ lợi ích này được thực hiện dựa trên quy định tại Nghị định 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ. Đây được xem là nghị định đầu tiên giúp tạo ra một quy trình trong việc trao đổi, chuyển nhượng và phân phối lợi ích từ carbon rừng ở Việt Nam.
Theo tinh thần của Nghị định 107 thì nguồn thu từ việc chuyển nhượng tín chỉ carbon sẽ được phân phối cho năm nhóm đối tượng: (i) Chủ rừng được giao quản lý rừng tự nhiên; (ii) UBND cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên; (iii) Cộng đồng dân cư, UBND cấp xã có thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng với chủ rừng là tổ chức; (iv) Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng sáu tỉnh vùng Bắc Trung bộ; (v) Các đối tượng khác có hoạt động liên quan đến giảm phát thải và hấp thụ khí nhà kính từ rừng tại địa bàn sáu tỉnh vùng Bắc Trung bộ.
Việc phân phối lợi ích sẽ hướng đến bốn hoạt động, bao gồm: (i) hoạt động lâm nghiệp để giảm phát thải khí nhà kính; (ii) hoạt động đóng góp trực tiếp cho giảm phát thải khí nhà kính như bảo vệ rừng và các hoạt động lâm sinh (iii) hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế; (iv) hoạt động quản lý.
Có thể thấy, các quy định của Nghị định 107 đã hình thành nguyên tắc chia sẻ lợi ích từ chuyển nhượng tín chỉ carbon. Tuy nhiên, các quy định này chỉ mang tính thí điểm và bị giới hạn đối tượng và không gian áp dụng trong khuôn khổ Thỏa thuận ERPA, gắn với các hoạt động liên quan đến giảm phát thải và hấp thụ khí nhà kính từ rừng tự nhiên thuộc sáu tỉnh vùng Bắc Trung bộ. Hay nói cách khác, cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa có khung pháp lý mang tính phổ quát cho việc chia sẻ lợi ích từ tín chỉ carbon.
Hiện tại, Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Nghị định 06/2022/NĐ-CP và Thông tư 01/2022/TT-BTNMT là những văn bản pháp lý điều chỉnh trực tiếp hoạt động tổ chức và phát triển thị trường carbon. Theo điều 8, Nghị định 06/2022/NĐ-CP, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư là chủ rừng và thực hiện các biện pháp quản lý rừng bền vững, bảo vệ và nâng cao tỷ lệ che phủ, sinh khối và chất lượng rừng để tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính thì được tham gia các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế. Mặt khác, theo điều 61, Luật Lâm nghiệp, việc hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh được quy định là một loại dịch vụ môi trường rừng và được chi trả theo quy định của Luật Lâm nghiệp (và Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp).
Như vậy, các chính sách về carbon rừng còn đang thiếu những quy định chung nhằm hài hòa giữa giao dịch tín chỉ carbon theo thị trường và theo cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Bên cạnh đó, khoảng trống trong khuôn khổ pháp lý đối với việc xác định bản chất tài sản của tín chỉ carbon rừng hay mối quan hệ giữa sở hữu tín chỉ carbon rừng với quyền sở hữu rừng, quyền sử dụng rừng cũng sẽ dẫn đến những bất cập trong việc chuyển nhượng và chia sẻ lợi ích từ nó.
Trong bối cảnh thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam còn chưa hình thành chính thức thì việc thực hiện cơ chế thí điểm là phù hợp. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu tổ chức và và phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam thì việc xây dựng khung pháp lý mang tính phổ quát vẫn là một trong những nhiệm vụ tiên quyết.
Phạm Lộc Hà - Lưu Minh Sang
Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM