Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Alibaba – nhà giàu cũng gặp khó

(SGTT) - Mảng bán lẻ quốc tế chỉ mang lại cho Alibaba 2,9 tỉ đô la Mỹ, tương đương 5% doanh thu, trong năm tài chính vừa qua.

Một kho hàng của Lazada ở thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters

Đang thống trị thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới tại Trung Quốc, tập đoàn Alibaba Group Holding Ltd. được cho là sẽ chinh phục dễ dàng các thị trường khác. Dù vậy, thực tế là Alibaba, cũng như nhiều đại gia công nghệ khác của Trung Quốc, đang gặp khó trong tham vọng mở rộng ra bên ngoài thị trường nội địa.

Doanh thu của Alibaba trong năm tài chính vừa qua là 56,2 tỉ đô la, trong đó có 36,9 tỉ đô la đến từ mảng bán lẻ ở Trung Quốc. Công ty này ưu tiên mục tiêu toàn cầu hóa vào năm 2014, với hơn 5 tỉ đô la đầu tư vào những thị trường như Singapore và Ấn Độ. Dù vậy, mảng bán lẻ quốc tế chỉ mang lại cho Alibaba 2,9 tỉ đô la, tương đương 5% doanh thu, trong năm tài chính vừa qua.

Đây chắc chắn là mối bận tâm không nhỏ của ông Daniel Zhang, người vừa lên thay nhà sáng lập Jack Ma làm Chủ tịch điều hành Alibaba. Vào năm 2016, ông Jack Ma từng nói với các nhà đầu tư rằng nếu công ty này muốn đạt được mục tiêu có 2 tỉ khách hàng, họ sẽ phải nỗ lực thu hút ít nhất 1,2 tỉ khách hàng bên ngoài Trung Quốc. Một số nỗ lực như thế bước đầu cho thấy kết quả đầy hứa hẹn, như hoạt động của trang mua sắm toàn cầu AliExpress tại Nga và Brazil. Dù vậy, những canh bạc lớn hơn của Alibaba, như tại Đông Nam Á, vẫn chưa mang lại kết quả như sự kỳ vọng khi bị các đối thủ bỏ xa về quy mô lẫn mức độ tăng trưởng.

Tỉ phú Jack Ma. Ảnh: Reuters

Theo một số chuyên gia, công ty này gặp khó trong việc khai thác nguồn nhân lực tại những thị trường bên ngoài. Những yếu tố giúp công ty này thành công trong nước, như văn hóa làm việc cống hiến, phong cách quản trị từ trên xuống… lại không phát huy tác dụng tốt tại những thị trường khác. Chưa hết, những công ty công nghệ như Alibaba khi hoạt động trong nước còn được hưởng lợi từ những chính sách hạn chế cạnh tranh từ nước ngoài. Khi ra nước ngoài, họ không thể hưởng lợi thế này khi cạnh tranh với các đối thủ phương Tây, như Amazon, Google…

Đông Nam Á dường như là bước đi hợp lý trong tham vọng mở rộng của Alibaba. Thương mại điện tử tại Đông Nam Á, khu vực có 650 triệu dân, đang phát triển mạnh mẽ và có quy mô tăng gấp đôi lên 23 tỉ đô la vào năm 2018. Năm 2016, tập đoàn Trung Quốc này chi 1 tỉ đô la mua cổ phần công ty Lazada (Singapore), lúc đó là nền tảng thương mại điện tử hàng đầu khu vực. Một năm sau, Alibaba tiếp tục rót 1 tỉ đô la vào Lazada và con số này tăng thêm 2 tỉ đô la năm 2018.

Sau khi củng cố quyền kiểm soát Lazada, Alibaba cũng có những bước đi “tái thiết” công ty này. Lazada không còn tập trung nhiều vào việc bán sản phẩm của riêng mình sang vận hành như một chợ khổng lồ, tương tự như những trang của Alibaba ở Trung Quốc hoặc eBay ở Mỹ. Alibaba còn khuyến khích thương nhân Trung Quốc bán hàng nhiều hơn trên Lazada trong khi nỗ lực cắt giảm chi tiêu dành cho những chương trình giảm giá hoặc quảng cáo tốn kém để thu hút khách hàng. Đến cuối năm 2018, gần như mọi nhà quản lý cao cấp của Lazada thời kỳ tiền Alibaba đã ra đi và thay thế họ là người của Alibaba.

Dù vậy, sau 3,5 năm, công ty này dần đánh mất thị phần ở những thị trường chính tại Đông Nam Á. Ngôi vị hàng đầu khu vực đang đối mặt thách thức lớn từ Shopee - một nền tảng của công ty Sea Group (Singapore). Riêng ở Indonesia, Lazada chỉ đứng hạng 4 vào năm ngoái, thua cả những cái tên vẫn chưa được biết đến nhiều trên thế giới là Shopee, Tokopedia và Bukalapak. Dù vậy, kết quả này dường như không khiến Alibaba nản lòng. “Đông Nam Á là thị trường giàu tiềm năng. Trong khi các đối thủ tập trung vào các kết quả trong ngắn hạn, chúng tôi chơi trò chơi lâu dài”, phát ngôn viên của Alibaba cho biết.

Minh Huy

The Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối