Chánh Tài -
Trong một nỗ lực dấn sâu vào mảng kinh doanh offline (cửa hàng, siêu thị, khu mua sắm), tập đoàn thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) vừa ra thông báo hợp tác chiến lược với tập đoàn nhà nước Bailian – chủ sở hữu chuỗi cửa hàng, siêu thị lớn nhất Trung Quốc.
Sự kết hợp giữa hai “người khổng lồ”
Một khu mua sắm của tập đoàn Bailian tại thành phố Thượng Hải. Ảnh: panoramio.com
Trang tin Business Wire cho biết, lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Alibaba và Bailian đã diễn ra ở Thượng Hải (Trung Quốc) trước sự chứng kiến của phó thị trưởng thành phố Thượng Hải Zhou Bo và Chủ tịch Alibaba Jack Ma. Alibaba sẽ không nắm giữ cổ phần của Bailian nhưng hai bên sẽ tích hợp dữ liệu thành viên của nhau. Hai bên sẽ cùng thiết kế các cửa hàng, hợp nhất các dịch vụ và hoạt động mua sắm online và offline để cải thiện trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng. Hệ thống thanh toán trực tuyến thông qua ví điện tử Alipay của Alibaba sẽ được chấp nhận tại các cửa hàng của Bailian.
Hai người khổng lồ này cũng sẽ hợp tác về công nghệ chuỗi cung cấp bằng cách sử dụng dữ liệu lớn của Alibaba. Dữ liệu lớn (big data) là một thuật ngữ ám chỉ đến việc xử lý một tập hợp dữ liệu rất lớn để đưa ra các lời phân tích dự báo xu hướng tiêu dùng và hành vi người dùng.
Có trụ sở đặt tại thành phố Thượng Hải, Balian là chuỗi cửa hàng siêu thị lớn nhất Trung Quốc với mạng lưới hơn 4.500 cửa hàng, siêu thị, khu mua sắm khắp 25 tỉnh, 200 thành phố và vùng tự trị ở Trung Quốc.
Daniel Zhang, Giám đốc điều hành của Alibaba nói: “Mối quan hệ hợp tác chiến lược này sẽ cho phép Alibaba ứng dụng khái niệm ‘bán lẻ mới’, làm thay đổi trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng và hiệu quả của hậu cần và dịch vụ... Cuộc hợp tác giữa chúng tôi với Balian là một cột mốc quan trong trong sự phát triển của ngành bán lẻ, nơi sự phân biệt giữa thương mại ảo và hữu hình trở nên lỗi thời”.
Còn Ye Yongming, Chủ tịch Tập đoàn Bailian nhấn mạnh rằng, hoạt động bán lẻ truyền thống rất cần công nghệ để cung cấp cho khách hàng các trải nghiệm mua sắm mới ở bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.
Tại buổi ký kết, ông Jack Ma cho biết sự hợp tác chiến lược này sẽ dẫn đến sự cải cách trong ngành bán lẻ, cho phép tích hợp mảng kinh doanh online với offline để kết hợp giữa tính truyền thống và yếu tố sáng tạo.
Tham vọng lấn sân lĩnh vực bán lẻ truyền thống
Đây là nỗ lực mới nhất trong tham vọng dấn sâu vào lĩnh vực kinh doanh truyền thống (thông qua các cửa hàng, siêu thị) của Alibaba. Trước đó, vào năm 2015, Alibaba đã bỏ ra gần 4,6 tỉ đô la Mỹ để mua 20% cổ phần của Suning Commerce Group, hãng bán lẻ đồ điện tử hàng đầu Trung Quốc đang sở hữu hơn 1.600 cửa hàng ở Trung Quốc, Hồng Kông và Nhật Bản. Sự hợp tác này cho phép các khách hàng trực tuyến của Alibaba đi đến các cửa hàng của Suning để trực tiếp xem xét sản phẩm trước khi mua hàng trên trang web của Alibaba thông qua điện thoại di động thông minh.
Alibaba cũng đang ra giá 2,6 tỉ đô la để trở thành cổ đông kiểm soát của tập đoàn bán lẻ Intime Retail Group đang quản lý 29 cửa hàng và 17 khu mua sắm ở Trung Quốc.
Giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang nói: “Sự kết hợp với Intime sẽ giúp chúng tôi khai thác tiềm năng tăng trưởng dài hạn của hình thức kinh doanh mới dựa vào công nghệ Internet và dữ liệu”.
Ông nhận định rằng ngày nay, không thể tách rời giữa kinh doanh online và offline vì ngay cả khi khách hàng đi mua sắm trong siêu thị, họ vẫn cầm theo điện thoại di động và có thể truy cập vào các trang mua sắm.
Tháng 11-2016, Alibaba tuyên bố sẽ đầu tư 305 triệu đô la vào chuỗi siêu thị Sanjiang Shopping Club có trụ sở tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang để mở rộng sự hiện diện trong lĩnh vực bán lẻ.
Tuy nhiên, giới phân tích hiện cho rằng phải mất nhiều năm trước khi các lợi ích của việc sử dụng dữ liệu lớn mang lại lợi nhuận rõ rệt cho cả hai bên. “Hiện nay, nhiều thương hiệu đang nỗ lực thử tìm cách kết hợp mua sắm online và offline nhưng các lợi ích đạt được cho đến nay vẫn còn hạn chế”, nhà phân tích Ben Cavender ở công ty nghiên cứu thị trường China Market Research Group tại Thượng Hải nói.