Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Ám ảnh hình vẽ trên mặt đường

CHƯƠNG ANH -

Cứ cách vài ngày, buổi sáng chạy xe đi làm là tôi lại thấy những hình vẽ mới trên mặt đường Nguyễn Bình, con đường song song với đường Huỳnh Tấn Phát, nối xã Nhơn Đức với xã Phú Xuân, dẫn đi phà Bình Khánh của huyện Nhà Bè (TPHCM).

Đó là những hình vẽ bằng sơn trắng mô phỏng hình chiếc xe đạp, xe máy đổ chỏng chơ, những mảnh vỡ tan tác văng xa hay dáng người nằm xuống. Lẫn vào đó còn có một mảng màu đậm còn ướt, đậm mùi bởi được pha trộn giữa máu, xăng, dầu động cơ đổ xuống…

Đây là hiện trường của những vụ tai nạn giao thông diễn ra trước đó, thường rơi vào buổi tối. Những hình ảnh trực quan đó khiến những người chạy xe qua, như tôi, thấy rợn người và ám ảnh suốt quãng đường dài đến chỗ làm!

Tai nạn giao thông diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên khắp đất nước. Điều này ai cũng biết. Vậy nhưng, tôi có cảm tưởng con đường Nguyễn Bình dẫn về nhà mình có tai nạn nhiều hơn hẳn. Bởi lẽ, cứ vài bữa tôi lại thấy một hình vẽ mới xuất hiện. Con đường dài chừng 4 cây số nhưng cứ chừng vài trăm mét lại có hình vẽ, thậm chí có đoạn chỉ là vài chục mét. Hình vẽ màu trắng này chưa kịp cũ đã có hình vẽ khác xuất hiện, ám ảnh những người đi đường.

Tôi đã thử quan sát và tự lý giải vì sao tai nạn lại xảy ra thường xuyên đến vậy. Theo tôi, có lẽ đó là vì những người chạy xe máy, xe ô tô và xe tải chạy với tốc độ quá nhanh do con đường khá rộng và thông thoáng. Trong khi đó, dọc đường này có nhiều chợ (chính thức và tự phát), nhà cửa lại san sát hai bên đường nên người dân, trong đó có rất nhiều người già, người đi xe đạp và học sinh sang đường “ngẫu hứng”, không theo vạch và thiếu quan sát.

Đặc biệt, vào buổi tối, đường khá vắng, xe tải chạy nhiều, đèn đường dù được trang bị nhưng cột mở, cột không. Đó là chưa kể hai bên có rất nhiều ngã rẽ, chẳng hạn như đoạn trước Huyện ủy Nhà Bè, Kho bạc, Chi cục Thuế hay Trung tâm Y tế dự phòng…

Vì vậy, tôi rất mong các cơ quan chức năng có những giải pháp để hạn chế tình trạng này. Việc đầu tiên có thể làm là cần xóa ngay những hình vẽ mô phỏng sau khi đã được chụp hình, đo vẽ ghi nhận để làm bằng chứng. Làm như vậy giúp giảm những ám ảnh cho người đi đường cũng như không kích thích trí tò mò của một số người khi thích quan sát hình vẽ mà quên quan sát đường.

Thay vào đó, với những đoạn đường hay xảy ra tai nạn, cần cắm những biển cảnh báo như lâu nay đã lắp đặt. Bên cạnh đó, cần có nhiều biển báo hạn chế tốc độ, nhiều vạch trắng phân định điểm qua đường cho người đi bộ tuân thủ; bật đầy đủ các đèn đường đã lắp đặt vào buổi tối. Đặc biệt, cần có chương trình hướng dẫn tuân thủ để giao thông an toàn cho người dân hai bên đường và cần lưu ý đặc điểm dân cư là người bản xứ, sống ở các làng, xã đã có tập tục, thói quen khó bỏ…

Rất mong các cơ quan chức năng triển khai ngay các giải pháp để giúp chúng tôi phòng trừ rủi ro. Trong lúc này, những cư dân ở khu nhà tôi chỉ biết nhắc nhau cẩn thận khi đi trên đường này hoặc đã phải chọn di chuyển bằng đường Huỳnh Tấn Phát, chấp nhận đông xe, tắc đường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối