(SGTT) - Đối với một số quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á cùng đón Tết Âm lịch như Việt Nam, mọi người thường nấu hay tìm để thưởng thức các món ăn có ý nghĩa mang lại may mắn trong dịp này.
- Những món bánh Tết hương vị miền Trung ở Sài Gòn
- Nấu mâm cơm ngày Tết theo phong cách nhanh, gọn
- Đổi vị ngày Tết với ba món ăn từ sâm Việt Nam
Tết Nguyên đán (Lễ hội mùa xuân) là kỳ nghỉ lễ được tổ chức ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á như Việt Nam, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc… Có một điểm khá thú vị là các quốc gia này đều có những món ăn truyền thống không chỉ ngon miệng mà còn mang lại may mắn cho người thưởng thức.
Ví dụ, muốn sống lâu thì hãy ăn những sợi mì dài chưa cắt. Để may mắn, giàu có, hãy ăn những cây chả giò vàng ruộm (khá giống với thỏi vàng) hay bông cải xanh và súp lơ trắng để mong một năm rực rỡ. Để gia đình sum họp, hãy bày nguyên cả con gà còn nguyên đầu, chân kèm theo cả bộ lòng khi thưởng thức. Mong muốn sự sung túc, có thể chế biến món cá nguyên cả con. Một số quốc gia còn có truyền thống để lại một ít thức ăn vào bữa ăn lúc đêm giao thừa với ý nghĩa là kết thúc năm cũ với một khoản tiền dư thừa. Giờ hãy cùng điểm qua một số món ăn được cho là mang lại may mắn trong những ngày Tết.
Mì sợi dài trường thọ (Đài Loan, Trung Quốc)
Ở Đài Loan, mọi người hay thưởng thức mì trường thọ vào dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, sợi mì dài tượng trưng cho cuộc sống lâu dài và khi ăn sợi mì sẽ không được phép cắt nhỏ mà phải để nguyên sợi, càng dài càng may mắn.
Trong món ăn đẹp mắt này thì sợi mì màu trắng nhạt tương phản với nước sốt mè và tỏi, điểm xuyết là lớp trên cùng với hành tím chiên vàng. Nước dùng gà đậm đà và một ít rượu sake sẽ làm tăng hương vị cho món ăn giúp mọi người khởi đầu một năm mới đầy suôn sẻ.
Chả giò thỏi vàng (Trung Quốc)
Ở Trung Quốc, món chả giò truyền thống thường gồm thịt heo, bắp cải, cà rốt, nước tương… Tuy nhiên, điểm độc đáo của món ăn này là nằm ở quy tắc chế biến từ chính các bà nội trợ Trung Quốc chia sẻ - Mama Ruthie. Theo đó, chả giò phải được cuốn đúng cách (khi cuốn chặt tay, dứt khoát), chiên trong chảo dầu khoảng 10 giây để đạt độ vàng đẹp như thỏi vàng.
Sủi cảo "thỏi bạc" (Trung Quốc)
Sủi cảo là món ăn phổ biến ở một số quốc gia châu Á có người Trung Quốc sinh sống. Nếu như người Trung Quốc gọi sủi cảo là jiaozi, người Nepal gọi là momos, hay người Nhật Bản gọi là gyoza thì người Mông Cổ gọi chúng là buuz.
Trong văn hóa Trung Quốc, jiaozi có nghĩa là mang lại sự giàu có, đặc biệt là do chúng giống với những thỏi bạc cổ. Theo đó, sủi cảo truyền thống thường có nhân thịt heo nhưng một số nơi có thể thay đổi nhân để phù hợp với khẩu vị nhiều người. Đó có thể là tôm, thịt bò băm, bắp cải hay nấm.
Bánh gạo xào cung đình (Hàn Quốc)
Tteokbokki là một loại bánh gạo xào cay của Hàn Quốc có thể được chế biến theo nhiều cách khác nhau. Bản thân bánh gạo (bánh tteok) thường được mua làm sẵn và xào với gochujang (tương ớt truyền thống). Một biến thể của món ăn này thường được phục vụ vào năm mới đó chính là tteokguk – canh bánh gạo. Phiên bản này của tteokbokki nhẹ nhàng hơn, sử dụng nước tương thay vì sốt ớt cay và bao gồm nhiều rau tươi cho một khởi đầu năm mới khỏe mạnh.
Bánh phồng nhỏ đậu phộng (Malaysia)
Những món ăn Quảng Đông (Trung Quốc) chiên giòn thường được tìm thấy ở Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore vào dịp năm mới. Giống như jiaozi, chiếc bánh phồng chiên vàng này gắn liền với ước muốn giàu có. Nhưng món ăn vặt ngọt ngào này giống bánh quy hơn bánh bao bởi nhân đậu phộng tán nhuyễn vị ngọt của chúng.
Mứt dừa (Việt Nam)
Ở Việt Nam, mứt thường được dùng để ăn vào dịp Tết Nguyên đán. Có rất nhiều loại trái cây và rau củ có thể chế biến thành mứt như dừa, cà rốt, gừng, quất... Cách làm mứt dừa khá đơn giản. Nạo dừa thành sợi dài mỏng, ướp với đường rồi sên với lửa nhỏ, xong để dừa khô và săn lại.
Thanh Thảo
Theo yummly.com