Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Amazon thách thức đế chế nội y Victoria’s Secret

Chánh Tài - 

Người khổng lồ thương mại điện tử Amazon đang bước vào cuộc ganh đua với hãng kinh doanh đồ lót số một ở Mỹ Victoria’s Secret bằng kế hoạch cho ra mắt thương hiệu nội y riêng với mức giá chưa tới 10 đô la Mỹ một chiếc áo ngực.

Anh-1 Các sản phẩm đồ lót mang thương hiệu Iris & Lilly đang được bán trên trang web của Amazon tại Anh. Ảnh: amazon.co.uk

 

Ngày 10-2, tờ Wall Street Journal dẫn lời các nguồn tin cho biết trong vài tuần tới, Amazon sẽ cho ra mắt thương hiệu nội y riêng dành cho nữ giới của hãng này trên trang web của hãng ở Mỹ. Gần đây, Amazon đã bán áo ngực giá dưới 10 đô la ở châu Âu với thương hiệu Iris & Lilly.

Việc Amazon nhảy vào lĩnh vực kinh doanh nội y tạo ra mối thách thức đáng gờm cho những tên tuổi lớn trên thị trường như Victoria’s Secret hay Calvin Klein, những thương hiệu đã xây dựng đế chế kinh doanh của mình dựa vào những chiếc áo ngực có giá tầm 40 đô la.

“Tân binh” đáng gờm trên thị trường

Mặc dù mới thâm nhập vào thị trường đồ lót có mức doanh thu trên toàn cầu hơn 80 tỉ đô la mỗi năm nhưng Amazon có những lợi thế nhất định. Amazon có kinh nghiệm bán đồ lót cho nhiều thương hiệu bên ngoài. Tập đoàn này cũng có kinh nghiệm tận dụng lợi thế về dữ liệu khách hàng cũng như bán hàng với giá giảm để thâu tóm thị phần.

Đồ lót là một trong những mặt hàng ít được mua nhất thông qua các trang web thương mại điện tử vì kích cỡ cũng như tính tiện dụng của nó rất khó thẩm định nếu chỉ nhìn lướt qua trên mạng. Tuy nhiên, sự thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng hướng đến đồ lót với kích cỡ đơn giản hơn, chẳng hạn áo ngực thể thao, áo ngực không mút không gọng, đã khiến những công ty bán đồ lót trên mạng dễ dàng thu hút các khách hàng hơn. Nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực đồ lót dựa vào thương mại điện tử đã sử dụng câu hỏi khảo sát để giúp khách hàng chọn được trang phục lót vừa vặn với cơ thể mình. Hơn nữa, các công ty này cũng cho phép khách trả hàng miễn phí để giúp khách hàng mạnh dạn mua sản phẩm họ ưng mắt nhưng không chắc vừa cỡ hay không.

Giới phân tích nhận định, với giá bán áo ngực dưới 10 đô la mỗi chiếc, Amazon có khả năng chấp nhận “hy sinh” biên lợi nhuận để tìm cách lấn sân mạnh vào lĩnh vực nội y. Chỉ riêng chi phí sản xuất và vận chuyển từ các nhà máy ở châu Á cũng đủ khiến các thương hiệu lớn như Victoria’s Secret tốn khoảng 10 đô la cho mỗi chiếc áo ngực có gọng.

Victoria’s Secret không bán các sản phẩm của mình trên Amazon.com nhưng vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua nhờ việc bán những chiếc áo ngực có đệm mút thông qua trang mạng riêng và hệ thống hơn 1.000 cửa hàng của mình. Những chiến dịch quảng cáo đầy khêu gợi với những siêu người mẫu sở hữu khuôn ngực nở nang đã giúp Victoria’s Secret duy trì thế thượng phong trên thị trường đồ lót dành cho nữ giới.

Gần đây, công việc kinh doanh của Victoria’s Secret gặp khó khi nhiều khách hàng trẻ thích tính tiện dụng và cách thức tiếp thị xác thực hơn. Victoria’s Secret phản ứng quá chậm trước sự yêu chuộng của thị trường đối với các mẫu áo ngực không gọng không mút. Doanh số của các cửa hàng Victoria’s Secret mới khai trương trong vòng một năm giảm trong năm 2016. Đây là lần đầu tiên, các cửa hàng mới khai trương của Victoria’s Secret chứng kiến sự sụt giảm như vậy trong bảy năm qua. Doanh số áo ngực chiếm khoảng 1/3 tổng doanh thu của L Brands’, công ty mẹ của Victoria’s Secret.

Thị trường khó tính

Amazon, đang đặt mục tiêu mở rộng thị phần trong ngành thời trang Mỹ, đã giao trọng trách lớn cho đội ngũ nhà thiết kế các thương hiệu thời trang riêng của tập đoàn này. Amazon đang bán các sản phẩm thời trang của tập đoàn này thông qua các thương hiệu như Lark & Ro và North Eleven.

Tuy nhiên, thị trường đồ lót cực kỳ khó tính. “Vì đồ lót là trang phục mặc khít với cơ thể và làn da nên phụ nữ muốn chạm vào sản phẩm để xem liệu chất liệu của sản phẩm có mang lại cảm giác dễ chịu hay không”, chuyên gia tư vấn đồ lót  Kimmay Caldwell nói. “Khách hàng thân quen có thể tìm đến Amazon để chọn mua đồ lót nhưng những khách hàng đi mua đồ lót lần đầu thì không”, cô giải thích thêm.

Hình ảnh thị trường giá rẻ của Amazon có thể là một bất lợi đối với tập đoàn này. Trong khi giá cả và chức năng sử dụng là mối quan tâm hàng đầu của khách hàng đối với các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng và đồ điện tử, các lãnh đạo doanh nghiệp thời trang cho rằng phụ nữ muốn điều hơn từ các sản phẩm đồ lót mà họ sẽ mua.

“Khách hàng muốn hiểu tại sao bạn thiết kế sản phẩm này, nó tốt hơn các sản phẩm khác ra sao... và Amazon không trả lời tốt những câu hỏi đó”, Heidi Zak, người đồng sáng lập công ty khởi nghiệp đồ lót ThirdLove (Mỹ) phân tích.

Tuy nhiên, trong khi xu hướng mua sắm đang chuyển sang trực tuyến, giới phân tích cho rằng việc Amazon thâm nhập vào lĩnh vực thời trang đang gây thiệt hại cho các các cửa hàng thời trang và các nhà bán lẻ thời trang khác. Amazon được đánh giá là nhà bán lẻ hàng thời trang được khách mua sắm thường xuyên nhất trong cuộc khảo sát 2.000 người do Ngân hàng Morgan Stanley thực hiện vào tháng 9-2016. 58% người tham gia cuộc khảo sát cho biết họ có mua áo quần từ trang web của Amazon trong vòng sáu tháng qua.

Kelsey Jane Page, 25 tuổi, ở thành phố Benton, bang Illinois (Mỹ) cho biết cô từng mua đồ lót của Victoria’s Secret nhưng đã thôi sử dụng thương hiệu này sau khi mua một chiếc áo ngực giá 15 đô la tại một cửa hàng thuộc chuỗi bán lẻ Target (Mỹ) cách đây hai năm. “Tôi không ngại thử sản phẩm mới nếu nó rẻ”, cô nói. Những khách hàng như Page hứa hẹn giúp Amazon đe dọa lật đổ vị thế thống trị của Victoria’s Secret trên thị trường đồ lót.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối