Quả bơ luôn được xem là thực phẩm lành mạnh hàng đầu trong thực đơn sống khỏe hàng ngày với những công dụng của nó.
Quả bơ có thể dùng để chế biến thành nhiều món ngon, bổ sung cho các bữa ăn hàng ngày của bạn thêm đa dạng và phong phú như: sinh tố bơ, bơ dầm, salát bơ với rau củ hay bơ cuốn sushi… Trong loại quả thơm ngon được gọi là “mỏ vàng” cho sức khỏe này có chứa gần 20 loại khoáng chất và vitamin. Một số vi chất trong đó rất cần thiết cho sức khỏe như sắt, kali, canxi, kẽm, vitamin E, vitamin B6, vitamin C.
Những tác dụng tốt cho sức khỏe
Nhờ có kali và magiê, thậm chí nhiều hơn cả trong chuối và trái kiwi, nên bơ giúp ổn định huyết áp. Việc tăng lượng kali có thể hạ huyết áp ở những người cao huyết áp và có thể giảm nguy cơ đột quỵ đến 24%. Ngoài ra chất xơ chứa trong quả bơ cũng giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
Trái bơ còn chứa lutein carotene-dưỡng chất thiết yếu giúp bảo vệ thị lực. Loại chất này giúp chống sự thoái hóa thành các vết đen, bệnh đục nhân mắt và một số bệnh về mắt liên quan đến tuổi tác. Ăn bơ hàng ngày là cách tốt để bổ sung lượng lutein một cách tự nhiên mà không cần phải uống thuốc.
Trong quả bơ chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn, một dạng chất béo giống như trong dầu ô liu, rất tốt cho sức khỏe. Thưởng thức bơ thường xuyên có thể làm tăng cholesterol tốt, đồng thời giảm cholesterol xấu. Trong bơ còn chứa axit amin với tên gọi tyrosine-giúp cơ thể sản xuất “hormone hạnh phúc” dopamine.
Nếu bị viêm xương khớp, bạn nên ăn bơ bởi các axit béo không bão hòa carotenoid lutein và vitamin E-những chất có thể giúp làm giảm các triệu chứng viêm khớp, làm giảm sự thoái hóa của các tế bào nối các khớp của bạn, thậm chí còn có thể tái tạo các mô liên kết bình thường.
Bơ chứa chất phytochemical và các chất chống oxy hóa như Vitamin E, lutein, beta carotene, alpha caratone và zeaxanthin, những chất có thể giúp ức chế sự phát triển của các tế bào tiền ưng thư và tế bào ung thư. Chỉ cần hàng ngày ăn một nửa trái bơ thì sẽ giúp chị em giảm thấp nguy cơ bị ung thư vú. Bơ còn tốt cho cả cánh mày râu trong việc giảm nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến.
Đặc biệt, trong một nghiên cứu gần đây, người ta đã phát hiện ra công dụng đáng kinh ngạc của phần màng vỏ bọc quanh hạt bị vứt bỏ. Ngoài việc có tác dụng ức chế các tế bào ung thư bởi chứa hoạt chất mang tên heptacosane, phần màng vỏ bọc quanh hạt trái bơ cũng chứa các thành phần giúp ngăn ngừa sự tích tụ chất béo trong lòng động mạch. Thành phần này giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và một lượng rượu behenyl-thành phần quan trọng trong thuốc kháng virus, hạ sốt, điều trị viêm loét. Nhưng nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng phát hiện này không đồng nghĩa với việc khuyên mọi người ăn cả vỏ màng bọc của hạt khi thưởng thức quả bơ. Để thực sự thu được chất dược phẩm có lợi, cần phải nghiên cứu và bào chế đúng cách.
Chú ý tác dụng phụ
Bên cạnh những lợi ích cho sức khoẻ như đã nêu ở trên, quả bơ cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nếu bạn ăn quá nhiều, bao gồm:
Những người bị dị ứng với cao su thường có nguy cơ dị ứng với quả bơ khá cao. Nếu thấy các dấu hiệu như: chóng mặt, mẩn ngứa, bồn nôn... khi ăn quả bơ thì bạn cần chú ý bỏ loại quả này khỏi thực đơn.
Trong quả bơ chứa nhiều collagen, là một chất có tác dụng tái tạo da, giúp đẩy lùi sự lão hóa rất tốt. Tuy nhiên, nếu ăn nhiều quả bơ, collagen có thể không được tiêu hóa hết, tích tụ trong gan và gây tổn hại cho gan.
Bơ có tác dụng làm giảm lượng cholesterol trong cơ thể, tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều, hàm lượng beta-sitosterol trong bơ sẽ hấp thụ các cholesterol có lợi, gây hại cho sức khỏe.
Quả bơ có tác dụng kháng viêm nhưng nó đồng thời cũng ảnh hưởng đến hiệu quả khi uống một số loại thuốc. Nếu bạn đang uống thuốc làm loãng máu, hãy hỏi ý kiến bác sĩ khi muốn ăn bơ vì quả bơ có thể làm cho loại thuốc này mất tác dụng.
Vì vậy, bạn chỉ nên ăn quả bơ với lượng vừa phải. Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì nếu ăn đều, 1 ngày bạn chỉ cần 1/6 quả bơ, tương đương khoảng hai thìa cafe. Mỗi thìa cafe bơ sẽ cung cấp 5g chất béo và 55 đơn vị calo. Phần nhiều dinh dưỡng nhất trong quả bơ là phần thịt màu xanh sát với lớp vỏ ngoài. Khi ăn bơ, bạn nên khía và lột vỏ bơ như lột vỏ chuối thay vì dùng muỗng múc như bình thường.
Một số mẹo giúp cất giữ bơ được lâu:Muốn cất đi một nửa quả bơ đã cắt ra, bạn hãy quết lên bề mặt lát cắt của quả bơ một lớp dầu ô liu. Lớp dầu này có tác dụng như một chiếc màng mỏng ngăn cách sự tiếp xúc trực tiếp của phần thịt bơ với không khí, giúp bơ không bị thâm và giữ được nguyên vẹn mùi vị. Hoặc bạn cũng có thể cho miếng bơ thừa vào chiếc túi ziplog có khóa, sau đó loại bỏ phần không khí có trong túi, rồi cất vào tủ lạnh để bảo quản. Nếu cất vào trong hộp nhựa có nắp đậy thì bạn nhớ cho thêm một miếng hành tây hoặc hành khô.
Tâm Anh