Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Ăn chay kiểu buffet với giá “tùy hỷ” giữa lòng Sài Gòn

(SGTT) - Không gian thanh tịnh, món ăn đa dạng, trình bày đẹp mắt và đặc biệt thực khách ăn xong thì trả tiền theo kiểu tùy tâm là những điều thú vị ở quán chay Mãn Tự nằm tại địa chỉ 14/2 Tôn Thất Đạm, P.Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM.

Anh Benta Francois và chị Dương Thu Phương cùng cô con gái nhỏ cùng bước vào quán, chọn cho mình một chiếc bàn nhỏ, đủ cho gia đình ba người. Hỏi ra mới biết, Benta rất thích Mãn Tự và chính anh đã rủ vợ mình tới ăn trưa ở đây.

“Tôi thực sự ấn tượng với những món ăn ở đây. Đồ ăn đa dạng, rất ngon. Không gian ấm cúng, con người cũng rất dễ thương. Đây là lần thứ ba tôi tới đây và tôi sẽ đến đây lần thứ bốn và rất nhiều lần nữa trong tương lai”, anh nói.

Vợ anh Benta, chị Phương, cũng rất ấn tượng với mọi thứ thuộc về Mãn Tự. Chị được giới thiệu qua một người bạn học yoga và rất thích đến đây ăn chay.

1001 lý do để đến Mãn Tự

Gia đình Benta Francois không phải là những người duy nhất thích Mãn Tự. Chị Nga, nhân viên văn phòng đang làm ở quận 3, cho biết một lần chị đi cùng bạn tới Mãn Tự và sau đó, chị đã kéo khoảng 10 người bạn nữa tới quán này. “Đồ ăn ngon, bày rất hấp dẫn. Đặc biệt, món chè tráng miệng rất ngon. Trả tiền thì tùy hỷ nhưng tôi nghĩ nên thấp nhất là 50.000 đồng thì quán mới duy trì được”, chị Nga chia sẻ.

Khách đến ăn tại quán Mãn Tự. Ảnh: Trần Linh

Còn với chị Huỳnh Kim ở quận 3 thì quán chay Mãn Tự là nơi chị rất thích vì có nhiều món chế biến từ nấm rất ngon.

Và như thế, sau gần hai năm hoạt động, Mãn Tự có ba địa điểm ở quận 1, quận 3 và huyện Bình Chánh của TPHCM. Theo ghi nhận, cả ba địa điểm này đều đông khách, có ngày tiếp đến vài trăm người tới ăn trưa.

Chủ quán Mãn Tự là chị Phượng, một phụ nữ sinh năm 1983. Ít ai có thể đoán được rằng chị Phượng từng làm chủ thầu xây dựng, từng “lòe loẹt” váy áo, chứ không như hiện tại với bộ đồ nâu gọn gàng, tóc vấn cao.

Theo chị, ở Sài Gòn, quán chay 0 đồng, 10.000 đồng đã có rồi nhưng chủ yếu để phục vụ người lao động chân tay. Nhưng với chị Phương, giới trí thức, doanh nhân… chính là những tầng lớp người mang đến sự thay đổi to lớn cho xã hội. “Tôi muốn mang đến niềm hạnh phúc trong bữa ăn cho giới trí thức. Công việc căng thẳng, đến Mãn Tự, họ sẽ thấy thật nhiều niềm vui, hạnh phúc, ăn tùy bụng và trả tùy tâm”, chị Phượng nói.

Cơm chay hạnh phúc cho... nhiều người

Chính vì niềm tin, cho đi là hạnh phúc, chị Phượng đã dùng nguồn tài chính của bản thân và gia đình để xây dựng Mãn Tự với ba địa điểm như hiện nay. Nhưng đến nay, chị cần huy động nguồn vốn để có thể tiếp tục phát triển Mãn Tự.

Chị Phượng, chủ quán chay Mãn Tự. Ảnh: Trần Linh

Niềm vui của chị, đó là rất nhiều thực khách đến đây thích thú với các món ăn của Mãn Tự. Có nhiều người nước ngoài đến TPHCM, tìm đến Mãn Tự và trầm trồ với mô hình quán của chị. Nhưng có cả những lúc chị tủi thân, buồn bã vì có khách ăn xong, tiền “tùy hỷ” là vài trăm đồng. “Nếu chỉ vì một vài vị khách như thế làm cho ý tưởng, niềm tin lung lay thì con đường phía trước sẽ thay đổi. Vậy nên tôi lại cố”, chủ quán Mãn Tự nói.

Nói chuyện với người viết, chị Phượng thể hiện khát khao được nhân rộng mô hình, mang tới bữa ăn chay, sức khỏe cho mọi người. Mong muốn của người phụ nữ này là sắp tới, Mãn Tự sẽ có mặt ở từng quận tại TPHCM.

Chị cũng mong muốn liên kết với một hộ gia đình ở quận Thủ Đức để trồng rau, tự cung tự cấp cho chuỗi quán. Hiện giờ, nguồn rau củ, Mãn Tự đã mua được ở nhiều nơi uy tín nhưng cũng còn một số loại đang trên con đường tìm kiếm nguồn.

Sau khi ăn, thực khách tùy hỷ trả tiền cho bữa ăn của mình. Ảnh: Trần Linh

Cũng theo chị Phượng, Mãn Tự sẽ bán tinh dầu, trái cây, đồ khô… để tăng nguồn thu. “Bên cạnh đó, thực khách có thể trở thành nhà đầu tư cho quán. Chẳng hạn như có thể ứng trước một số tiền sau đó mua hàng, trừ dần để quán có thêm nguồn vốn. Hoặc có thể cho quán vay theo lãi suất ngân hàng để quán có thêm kinh phí hoạt động”, chị nói.

Đỗ Lan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối