Theo Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, mảng du lịch quốc tế chưa thể phục hồi vì dù Việt Nam có muốn kéo khách đến, có mở cửa mà thế giới vẫn có dịch như lúc này thì cũng không ai đi du lịch.
- Đà Nẵng đẩy mạnh quảng bá du lịch an toàn, xóa bỏ tâm lý e dè nơi du khách
- Vận hành du lịch an toàn: Đã đến lúc hành động!
- Việt Nam chấp nhận mất doanh thu du lịch 60 tỉ đô la Mỹ để giữ an toàn
Thêm vào đó, ở thời điểm này, khách quốc tế muốn đến Việt Nam và các điểm đến an toàn khác đều phải trải qua quy trình kiểm soát nghiêm ngặt, không dễ để bên đón nhận và bên đi đều sẵn sàng.
Du lịch muốn tồn tại thì phải an toàn
Phó thủ tướng đã dẫn ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch thứ hai tại Đà Nẵng đến ngành du lịch để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của an toàn trong phát triển du lịch.
Ở thời điểm trước ngày 23-7, nhiều doanh nghiệp rất phấn khởi, cho rằng nếu không có mảng quốc tế mà khách trong nước như thế này thì đã là rất may mắn lắm. Nhiều doanh nghiệp chuẩn bị đưa ra dịch vụ, sản phẩm mới thì vụ việc Đà Nẵng xảy ra.
"Tất cả các tour trong một đêm phải hủy", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói vào hôm nay (12-11), trong Hội nghị liên kết phát triển du lịch TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2020 ở tỉnh Phú Thọ.
Vì thế, Chính phủ đã phải chỉ đạo phải an toàn. Đầu tiên là ngành y tế tuyệt đối an toàn, sau đó là trường học và du lịch. Doanh nghiệp phải an toàn bằng cách tự mình phải nhắc hàng ngày, tự kiểm điểm, tự thực hiện theo tiêu chí phòng dịch của Bộ Y tế để tự đánh giá.
Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã đưa ra bản đồ chống dịch (www.antoancovid.vn), các doanh nghiệp phải tự xem có đủ điều kiện an toàn hay không và cung cấp thông tin. Nếu đạt tích xanh thì mới được hoạt động tiếp. "Nếu chúng ta không làm, chỉ cần một ca bị thôi thì tất cả tan tành", ông nói.
Tuy tình hình dịch trong nước đã được kiểm soát tốt, hơn 2 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Nhiều sự kiện đã bắt đầu trở lại như sự kiện hội nghị đông người tại Phú Thọ lần này nhưng Phó thủ tướng cho rằng "Chúng ta phải nói thẳng thắn là du lịch quốc tế chưa thể phục hồi được".
Theo ông, dù Việt Nam có muốn đón khách trở lại và mở cửa trong lúc này thì cũng không ai đi du lịch vì thế giới vẫn đang có dịch. Thêm vào đó, quy trình kiểm soát dịch ngặt nghèo cũng là rảo cản. Hiện tại, du khách quốc tế muốn đến Việt Nam và các điểm đên an toàn khác đều phải trải qua quy trình kiểm soát nghiêm ngặt, không dễ để bên đón nhận và bên đi đều sẳn sàng.
"Ngành du lịch và liên quan đến du lịch, đặc biệt là ngành hàng không phải mất nhiều năm để khôi phục", Phó thủ tướng nói.
Rút kinh nghiệm từ sự tăng trưởng nóng
Hiện nay, dù du lịch đang vắng khách nhưng Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần phải rút kinh nghiệm từ những giai đoạn tăng trưởng nóng của du lịch trước đây để sau này không phải dùng nhiều nguồn lực để khắc phục những khiếm khuyết vì tăng tăng trưởng nóng trước đó.
"Có rất nhiều ngọn núi đã bị phá, có những con sông thành dòng sông chết đã chết bởi nhiều lý do, trong đó có phát triển du lịch", ông nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cao giá trị của du lịch và du lịch cộng đồng trong phát triển kinh tế chung cũng như gia tăng đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Theo đó, làm du lịch thì doanh thu ít hơn sản xuất điện thoại, ti vi, ngân sách thu được ít hơn nhưng người dân xuang quanh lại được thụ hưởng nhiều hơn.
Đặc biệt, du lịch cộng đồng sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân nhưng đây là loại hình không dễ để vừa phát triển mạnh mẽ mà vẫn giữ được tự nhiên và bản sắc văn hóa.
Như câu chuyện ở phát triển du lịch ở vùng Tây Bắc, những ngày đầu, có một số nơi cấp tập phát triển hạ tầng, đề nghị người dân nâng cấp hạ tầng nông thôn và ngay trong nhà mình để phát triển du lịch và kết quả là chỉ trong một thời gian ngắn có những giậu cây tự nhiên biến thành xi măng.
Có nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách phương Tây đến nhà dân để trải nghiệm văn hóa truyền thống nhưng sau một thời gian thì những căn nhà này lại có rất nhiều tôn và các tấm vách bằng nhựa.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gọi đây là nỗi lo về du lịch: "Nỗi lo này từ lâu đã đặt ra, làm sao phải phát triển nhanh nhưng phải có những bước chắc chắn", ông nói.
Theo đó, ông kỳ vọng các tỉnh cùng hiệp hội du lịch bàn cách phát triển mô hình du lịch cộng đồng nhằm giúp xóa đói giảm nghèo, giúp người dân mang giá trị văn hóa của dân tộc lan tỏa ra bên ngoài đồng thời tiếp cận những văn hóa thế giới. Nếu chú trọng ngay từ đầu thì việc người dân phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm, hạ tầng của doanh nghiệp lớn đầu tư sẽ tạo nên sự phát triển bền vững.
Đào Loan
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online