Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Ăn uống chiếm 40% chi tiêu của khách quốc tế tại Việt Nam

(SGTT) - Phân tích cơ cấu chi tiêu của du khách quốc tế tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2024, nền tảng thanh toán Payoo ghi nhận tỷ trọng chi tiêu cho dịch vụ ăn uống chiếm đến 40%.
Khách quốc tế tại Hội An. Ảnh: Minh Hải

Cụ thể, tỷ trọng chi tiêu của thẻ quốc tế phát hành tại nước ngoài cho dịch vụ ăn uống là 40%; cho thời trang, mỹ phẩm khoảng 14%; cho nữ trang và đồng hồ xấp xỉ 12% và cho nhóm siêu thị, cửa hàng tiện lợi là hơn 10%. Điều này phần nào phản ánh sức hấp dẫn của ẩm thực Việt Nam đối với du khách quốc tế.

Payoo là một trong những trung gian thanh toán hàng đầu Việt Nam. Đến nay, dịch vụ Payoo đã phủ sóng trên 99% tổng số quận, huyện và thị trấn trên toàn quốc. Payoo kết nối với hơn 100 ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm và hơn 2.000 đối tác doanh nghiệp.

Theo ước tính của Hiệp hội Du lịch ẩm thực thế giới (World Food Tourism Association - WFTA), có tới 81% số du khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu ẩm thực địa phương. Họ sẵn sàng dành trung bình 25 - 35% ngân sách cho các khoản chi tiêu liên quan đến thực phẩm và đồ uống trong hành trình du lịch.

 

Thống kê này cho thấy, ẩm thực không còn chỉ đóng vai trò là yếu tố phục vụ nhu cầu ăn uống đơn thuần của du khách mà đã dần trở thành một trong những mục đích chính của các chuyến du lịch, chi phối mạnh tới quyết định lựa chọn điểm đến và kích thích khả năng chi tiêu của du khách.

Việc chi tiêu của khách quốc tế tăng cao một phần cũng đến từ việc mảng du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ với số lượng khách du lịch quốc tế liên tục tăng cao. Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 7,6 triệu lượt, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước và tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19. Việc Việt Nam áp dụng chính sách visa mới theo đánh giá của các chuyên gia phần nào đã tạo nên sức hút, gia tăng sức cạnh tranh đáng kể cho ngành du lịch Việt Nam.

Ảnh: TL

Với sự phát triển của ngành du lịch ẩm thực sau dịch Covid-19, Michelin Guide cũng đã quyết định đặt chân đến Việt Nam vào tháng 12 năm 2023. Tổ chức này đã tiến hành “gắn sao” cho các nhà hàng, quán ăn tại Hà Nội, TPHCM và gần đây nhất là Đà Nẵng. Tối qua, 27-6, cẩm nang Michelin - Michelin Guide cũng đã công bố danh sách của năm 2024 ở Việt Nam.

Theo đó, có 164 nhà hàng, cở sở được vinh danh, có 58 cơ sở ăn uống đạt giải Bib Gourmand (28 cơ sở mới và 1 nhà hàng được chuyển từ Michelin Selected) và 99 cơ sở ăn uống đạt giải Michelin Selected với 40 cơ sở mới; 7 nhà hàng đạt giải Michelin Star (sao Mechelin).

Việc Michelin Guide mở rộng đến Việt Nam tạo ra sự chú ý và quan tâm đáng kể từ khách du lịch quốc tế. Khi một nhà hàng, khách sạn hoặc địa điểm du lịch Việt Nam được đánh giá và giới thiệu trong Michelin Guide, nó sẽ thu hút sự quan tâm của khách du lịch quốc tế, đặc biệt là những người yêu thích trải nghiệm ẩm thực độc đáo, văn hóa địa phương.

Thời gian qua, ẩm thực Việt Nam đã ghi nhiều dấu ấn trên bản đồ du lịch thế giới. Theo đó, Taste Atlas - chuyên trang về ẩm thực nổi tiếng thế giới đã công bố Việt Nam xếp thứ 22 trong danh sách 100 nền ẩm thực hàng đầu thế giới năm 2023. Chuyên trang du lịch nổi tiếng Travel + Leisure của Mỹ đã gọi tên Việt Nam là điểm đến có nền ẩm thực hấp dẫn khu vực châu Á năm 2023. Độc giả của nền tảng du lịch lớn nhất thế giới Tripadvisor đã bình chọn Hà Nội là một trong 20 điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới năm 2023 và gần đây nhất, tạp chí Time Out của Anh cũng đã xếp TPHCM vào top 20 điểm đến có ẩm thực ngon nhất thế giới…Trong Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng xác định du lịch ẩm thực là một dòng sản phẩm quan trọng, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh và thương hiệu cho du lịch Việt Nam.

Đăng Huy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối