Thứ năm, Tháng tư 3, 2025

Anh chính thức tiêm chủng vắc-xin Covid-19 đại trà

Môt cụ bà 90 tuổi ở Anh trở thành người đầu tiên trên thế giới nhận được liều tiêm vaccine Covid-19 đã được thử nghiệm lâm sàng đầy đủ khi nước Anh bắt đầu triển khai tiêm chủng đồng loạt cho người dân trong nỗ lực đẩy lùi một đại dịch toàn cầu tàn khốc nhất trong 100 năm qua.

Cụ bà Margaret Keenan được nhân viên y tế tiêm một mũi vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech vào sáng 8-12. Ảnh: Bloomberg

Vào lúc 6:31 phút sáng 8-12, theo giờ địa phương, 334 ngày sau khi cả tử vong đầu tiên trong dịch Covid-19 được ghi nhận ở Trung Quốc, cụ bà Margaret Keenan, người sẽ đón sinh nhật thứ 91 trong tuần này, đã nhận được mũi tiêm vắc-xin Covid-19, có tên gọi BNT162b2, của hãng dược Pfizer (Mỹ) và hãng công nghệ sinh học BioNTech (Đức) tại một Bệnh viện Đại học Coventry & Warwickshire ở TP. Coventry, miền Trung nước Anh.

Bà Margaret Keenan là người đầu tiên trên thế giới được tiêm chủng một vắc-xin Covid-19 đã hoàn tất giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng khi Cơ quan Dịch vụ sức khỏe Anh (NHS) phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nước Anh để tiêm vắc-xin Covid-19 cho những người dễ bị tổn thương nhất trên khắp đất nước.

Anh cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine BNT162b2 cách đây một tuần. Việc triển khai tiêm chủng vaccine BNT162b2, một trong ba vắc-xin Covid-19 trên toàn cầu hiện nay đã được chứng minh hiệu quả thông qua các cuộc thử nghiệm lâm sàng với quy mô lớn, sẽ thắp lên hy vọng rằng thế giới có thể vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc chiến chống một đại dịch đã giết chết hơn 1,5 triệu người.

Anh, nước bị đại dịch Covid-19 tấn công nặng nề nhất ở châu Âu, với hơn 61.000 ca tử vong, là nước phương Tây đầu tiên triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 đại trà và cũng là nước đầu tiên trên toàn cầu tiêm chủng vắc-xin BNT162b2 của Pfizer/BioNTech.

Vì cần hai mũi tiêm vắc-xin BNT162b2 cho một người nên sau khi nhận được mũi tiêm đầu tiên, người dân ở Anh cần phải đợi thêm ba tuần để tiêm tiếp mũi thứ hai. Tuy vậy, phải mất thời gian để chiến dịch tiêm chủng phát huy hiệu quả ngăn chặn dịch bệnh vì số lượng người được tiêm phải đủ lớn để tạo ra mức miễn dịch cao trong cộng đồng.

Thủ tướng Anh, Boris Johnson, ghi nhận điều này khi nói rằng: “Sự khác biệt lớn sẽ được tạo ra từ từ... Chúng ta chưa đánh bại được virus này”.

Giáo sư Stephen Powis, Giám đốc y tế quốc gia ở Cơ quan Dịch vụ sức khỏe Anh (NHS), nói: “Điều này giống như mở ra sự khởi đầu cho sự chấm dứt của đại dịch. Nhưng dĩ nhiên, đây là một cuộc chạy Marathon, chứ không phải là cuộc chạy nước rút và sẽ mất nhiều tháng trước để tiêm vắc-xin cho tất cả những người cần tiêm”.

Các nhân viên y tế ở Bệnh viện Đại học Coventry & Warwickshire ở TP. Coventry, Anh vỗ tay hoan nghênh cụ bà Margaret Keenan sau khi bà trở thành người đầu tiên trên thế giới nhận được liều tiêm vắc-xin Covid-19 đã được thử nghiệm lâm sàng đầy đủ. Ảnh: Reuters/Yonhap

Bộ trưởng Y tế Anh, Matt Hancock cho biết đến cuối năm nay, hàng triệu người dân Anh sẽ được tiêm chủng vaccine Covid-19. Song ông lưu ý rằng người dân cần phải tuân thủ các quy định giãn cách xã hội ít nhất cho đến mùa xuân 2021, thời điểm mà ông kỳ vọng tất cả người dễ tổn thương nhất ở Anh được tiêm vắc-xin Covid-19.

Anh đã đặt mua 40 triệu liều vắc-xin BNT162b2 của Pfizer/BioNTech, đủ để tiêm cho 20 triệu người, gần 1/3 dân số Anh. Hồi đầu tháng 11, Pfizer/BioNTech cho hay vắc-xin này đạt hiệu quả ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 ở mức 95% trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng. Tính tổng cộng, Anh đã đặt mua 357 triệu liều của bảy loại vắc-xin Covid-19 khác nhau.

Nga và Trung Quốc đều đã tiêm chủng các vắc-xin Covid-19, do các công ty trong nước sản xuất, cho người dân theo chương trình khẩn cấp dù chúng chưa hoàn tất giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng để chứng minh tính hiệu quả và an toàn.

Tại Anh, lô vaccine BNT162b2 đầu tiên, gồm 800.000 liều, sẽ được triển khai tiêm trong tuần đầu tiên, ưu tiên tiêm trước cho người già ở các cơ sở dưỡng lão và các điều dưỡng tại đây, đặc biệt là những người trên 80 tuổi và đang được chăm sóc ở bệnh viện. Ông Hancock tin rằng Anh sẽ nhận được lô vaccine BNT162b2 tiếp theo trong tuần sau.

Vaccine này chỉ có thể bảo quản tối đa năm ngày trong tủ lạnh thông thường trước khi sử dụng và cần bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C trong quá trình vận chuyển. Diện tích của Anh tương đối nhỏ và hạ tầng chuỗi cung ứng của nước này khá tốt.

Tuy nhiên, các thách thức về vận chuyển và lưu trữ vaccine BNT162b2 có nghĩa là vaccine này sẽ được đưa đến khoảng 50 bệnh viện ở Anh trước vì những nơi này có thiết bị trữ lạnh chuyên dụng, chứ chưa thể đưa đến các cơ sở dưỡng lão ở Anh ngay lập tức.

Việc phân phối các vắc-xin Covid-19 đòi hỏi bảo quản ở nhiệt độ siêu lạnh như BNT162b2 có thể gặp khó khăn hơn ở các nước có khí hậu nóng và những nước có diện tích lớn như Mỹ và Ấn Độ.

Hàn Quốc cho biết sẽ không vội vã triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19, một phần là vì muốn chờ quan sát xem những tác dụng phụ có thể xảy ra ở những người được tiêm vắc-xin tại các nước khác. Bộ Y tế Hàn Quốc cho hay có thể bắt đầu tiêm chủng cho người dân vào nửa đầu năm 2021.

Vắc-xinCovid-19 của hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford được xem là một trong những niềm hy vọng lớn nhất cho các nước đang phát triển vì có giá bán rẻ và có thể vận chuyển ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường. Các cuộc thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn cuối cùng cho thấy vắc-xin này đạt hiệu quả 70%. Anh dự kiến cấp phép cho vaccine của Oxford/AstraZeneca trong hai tuần tới.

Lê Linh

Theo TBKTSGO, Reuters, NBC News

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối