Minh Duy -
Bắt đầu từ ngày mai (3-3), Lễ hội áo dài sẽ diễn ra tại TPHCM. Sự kiện du lịch thường niên này không chỉ dừng lại ở những hoạt động được tổ chức trong lễ hội mà còn lan tỏa ra đời sống thường nhật của người dân. Trong suốt tháng này, nhiều công sở, trụ sở doanh nghiệp sẽ khác lạ hơn với những nhân viên mặc áo dài đi làm.
Giới thiệu nhiều mẫu áo dài
Theo thông tin từ Sở Du lịch TPHCM, đơn vị tổ chức sự kiện, lễ hội diễn ra từ ngày 3-3 đến 25-3 gồm những hoạt động biểu diễn nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp nhằm tôn vinh giá trị của chiếc áo dài và không gian dành cho các hoạt động hưởng ứng lễ hội tại cộng đồng.
Khoảng 16 hoạt động sẽ lần lượt diễn ra trong gần một tháng. Lễ khai mạc sẽ bắt đầu vào 7 giờ tối 3-3 trên phố đi bộ Nguyễn Huệ với sự tham gia của 150 diễn viên, người mẫu và ca sĩ. Họ sẽ trình diễn 13 bộ sưu tập áo dài với khoảng 800 mẫu thiết kế. Một chương trình thể dục đồng diễn sẽ diễn ra vào 7 giờ sáng Chủ Nhật hôm sau với 3.000 người tham gia.
Trong khuôn khổ lễ hội còn có cuộc thi “Duyên dáng Áo dài TPHCM lần V năm 2018”, diễn đàn “Nét đẹp Áo dài Việt” dành cho nữ tổng lãnh sự, phu nhân tổng lãnh sự và cán bộ đang tác tại cơ quan ngoại giao, buổi nói chuyện (talk show) truyền cảm hứng về áo dài trong giới trẻ…
Ban tổ chức ước tính sẽ có 22 nhà thiết kế áo dài hàng đầu của TPHCM và cả nước, trong đó có các tên tuổi như Lan Hương, Sĩ Hoàng, Liên Hương, Thủy Nguyễn, Adrian Anh Tuấn, Tùng Vũ, Thuận Việt, Đỗ Trịnh Hoài Nam, Việt Hùng, Thu Thủy... sẽ giới thiệu khoảng 1.200 mẫu thời trang áo dài trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.
Trong chương trình đồng diễn áo dài trên phố đi bộ, ban tổ chức sẽ phát động chương trình “Áo dài tặng bạn” dành tặng áo dài cho hội viên hội phụ nữ, nữ công nhân, giáo viên, học sinh vùng ngoại thành và trao tặng học bổng, tặng vải áo dài cho học sinh giỏi vượt khó của các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch TPHCM, cho biết cuộc triễn lãm “Duyên dáng Áo dài TPHCM” sẽ diễn ra tại các địa điểm như Nhà văn hóa Thanh niên, Áo dài Exhibition 77 Nguyễn Huệ và Nhà Văn hóa Phụ nữ. Thêm vào đó, để có sự tương tác giữa du khách và người dân thành phố, tại Nhà văn hóa Thanh niên sẽ có hội chợ áo dài với các hoạt động chụp hình lưu niệm, đặt may áo dài và lựa chọn các phụ kiện đi cùng áo dài tại chỗ. Tại đây cũng có các hoạt động biểu diễn nhạc cụ dân tộc, múa áo dài truyền thống.
“Chúng tôi mở rộng quy mô lễ hội ra khỏi khuôn khổ của những chương trình biểu diễn để lễ hội không chỉ là sự kiện du lịch, dành cho du khách mà còn là sự kiện văn hóa, thu hút người dân thành phố tham gia”, ông Hòa nói và cho biết trong lần đầu tổ chức vào năm 2014, lễ hội thu hút 40.000 người, nhưng đến năm ngoái đã có 70.000 người tham gia sự kiện.
Công sở, đường phố sẽ tràn ngập áo dài
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, đại diện ban tổ chức và các đại sứ hình ảnh của lễ hội cho biết, điểm nổi bật của lễ hội áo dài năm nay là sự lan tỏa ra cộng đồng với quy mô lớn. Những năm gần đây, nhiều người đã thích mặc áo dài hơn, nay thêm cú hích từ lễ hội, từ chính quyền thành phố cộng với ảnh hưởng của phim ảnh và sự quảng bá mạnh mẽ của những người nổi tiếng, chiếc áo dài sẽ thành trang phục có mặt ở nhiều nơi.
Nghệ sĩ Thành Lộc cho biết, ông đã nhận lời ngay khi được mời làm đại sứ hình ảnh cho lễ hội và sẽ cùng nhiều nghệ sĩ khác như Kim Xuân, MC Quỳnh Hoa, Hứa Vĩ Văn, Kyo York, Nguyễn Phi Hùng... mặc và quảng bá mạnh mẽ cho chiếc áo dài. Nội dung mà nghệ sĩ muốn truyền tải nhất là chiếc áo dài không chỉ mặc được ở những dịp lễ trọng mà nó thích hợp cho cả đời thường.
“Tôi đã từng ngại mặc áo dài vì cho rằng nam giới không hợp với thiết kế mềm mại, có hai tà dài kiểu này nhưng nay thì thấy tính ứng dụng của áo dài rất cao và dễ mặc”, nghệ sĩ Thành Lộc cho biết.
Ông kể, năm 13 tuổi, ông ra Huế và thấy nhiều người mặc áo dài bán chè, gồng gánh... mà không hề có chút bất tiện nào. Sau này, khi diện trang phục này nhiều hơn mới thấy, chỉ cần chọn chất liệu và thiết kế phù hợp thì nam giới mặc áo dài cũng đẹp và tiện lợi. Chẳng hạn, khi đi làm, đi chơi thì có thể mặc áo dài với thiết kế với hai vạt áo được may gọn gàng hơn, chất vải co giãn, hút mồ hôi. Thậm chí, có thể mặc áo dài xắn tay áo với quần jeans, còn khi đi những sự kiện quan trọng thì chọn những chiếc áo có chất liệu và thiết kế trang trọng hơn.
“Tôi sẽ đến một số trường học với chiếc áo dài tiện dụng để khuyến khích các bạn trẻ mặc trang phục dân tộc. Chiếc áo dài là một phần văn hóa của người Việt Nam. Chúng tôi muốn thể hiện tính công dân của nghệ sĩ bằng cách mặc và kêu gọi nhiều người cùng mặc áo dài để gìn giữ nét văn hóa đó”, Nghệ sĩ Thành Lộc cho biết.
Nhà thiết kế áo dài Sĩ Hoàng cũng có ý kiến tương tự, cho rằng cần có những hoạt động như lễ hội áo dài để người dân yêu quý và mặc chiếc áo dài nhiều hơn. Sau một thời gian áo dài ít có người mặc cũng như xuất hiện những thiết kế cải biên làm xấu chiếc áo dài truyền thống, ngày càng nhiều người, trong đó có những người trẻ tuổi thích diện áo dài nhiều hơn và quay về với những thiết kế truyền thống. Trang phục áo dài luôn có sự vận động nhưng phần biến tấu, thay đổi nên theo tỷ lệ nhỏ để hiện đại và hợp với cuộc sống mới hơn thì mới được chấp nhận.
“Xu hướng của áo dài không đi theo kiểu cải biên đến mức nhìn không ra chiếc áo dài Việt Nam mà đang quay trở lại với thiết kế truyền thống. Dịp tết vừa rồi, tôi ra đường hoa Nguyễn Huệ thấy nhiều người mặc áo dài truyền thống đi chơi. Đây là điều đáng mừng”, ông Sĩ Hoàng nói.
Theo thông tin từ ban tổ chức, UBND TPHCM đã có văn bản đề nghị công chức, viên chức mặc áo dài đến công sở trong suốt tháng 3-2018. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng kêu gọi nhân viên mặc áo dài đi làm trong suốt thời gian này.