(SGTT) - Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên khu vực phía đông Philippines, dự báo mạnh lên thành bão trong 24 giờ tới. Đến ngày 25-10, bão có khả năng vào Biển Đông.
- Bão Krathon đi vào Biển Đông, trở thành bão số 5
- Siêu bão vào vịnh Bắc bộ, nhiều địa phương cấm biển, đóng cửa sân bay
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ở khu vực phía đông Philippines đang có một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động, TTXVN đưa tin.
Hồi 16 giờ ngày 21-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 1.300 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, tương đương 50-61 km/giờ, giật cấp 9.
Trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng tây Tây Bắc và có khả năng mạnh lên thành bão. Dự báo đến 16 giờ chiều nay (22-10), vị trí tâm bão nằm trên vùng biển phía đông Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, tương đương 62-75 km/giờ, giật cấp 11; sóng biển cao từ 3-4 m. Đến ngày 25-10, bão có khả năng vào Biển Đông.
Từ chiều 24-10, vùng biển phía đông của khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Sóng biển cao từ 3-5 m.
Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện về việc ứng phó với mưa lớn, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông. Văn bản này gửi đến UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định; các bộ như Bộ Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường…
Cụ thể, các bộ, ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo; thông báo cho chủ các phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu du lịch) đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Trên đất liền, các bộ, ngành, địa phương bố trí llực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; chủ động di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Bên cạnh đó là bố trí lực lượng, vật tư để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều 22-10, một bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến vùng núi phía đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở bắc Trung bộ, một số nơi ở phía tây Bắc bộ và trung Trung bộ.Từ đêm 23-10, đêm và sáng trời lạnh, riêng vùng núi Bắc bộ sẽ có rét. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc bộ phổ biến từ 19-21 độ C, vùng núi 17-19 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 16 độ C. Ở Thanh Hóa, Nghệ An, nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 20-23 độ C.Trên biển, từ đêm 22-10, vịnh Bắc bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; sóng biển cao từ 1,5-2,5 m. Cảnh báo ngày và đêm 23-10, khu vực bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 3-5 m. Ở vịnh Bắc bộ, gió Đông Bắc mạnh cấp 6, sóng biển cao từ 1,5-2,5 m. Vùng biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực giữa Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-3,5 m.