(SGTT) - “Hồi đó nghèo, tiền đâu mà lo cho con đi ăn học, một bữa cho được 500 đồng bạc là quý lắm. Quần áo toàn vá lại để mặc, do đó giờ thấy người ta bỏ quần áo còn mặc được, nhìn tiếc lắm”, bà Đầm làm nghề nhặt ve chai tâm sự.
Đó là tâm sự của bà Đoàn Thị Đầm (87 tuổi) khi nói về thuở còn nghèo đói của mình. Đến nay, dù đã ở tuổi xế chiều, tóc đã ngả màu trắng xóa, bà vẫn rong ruổi đi nhặt ve chai kiếm sống.
Bám nghề để mưu sinh
Buổi sáng, khi mọi hoạt động dần “thức giấc”, tôi bắt gặp chiếc xe ve chai lạch cạch của bà Đầm, ngụ tại ấp Phước Yên A, xã Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Bà đội chiếc nón lá đã nhuộm màu năm tháng, mặc đồ bộ kiểu bà ngoại quen thuộc, rách ở khuỷu tay và đầu gối, ống quần bó lại bằng dân chun. Thấy tôi ngồi chờ sẵn, bà liền nở một nụ cười hiền khiến tôi cảm thấy thân thương đến lạ.
Trong dáng người nhỏ nhắn với cái lưng hơi khòm, bà đẩy chiếc xe có kích thước độ chừng 1 mét bề dọc, 1 mét rưỡi bề ngang đi đến hết thùng rác này đến thùng rác khác. Chốc lát, những chiếc thùng rác chợt giống như những “trạm dừng xe buýt” với hành khách là những cái chai nhựa, tấm bìa carton (bìa cứng)... mà người tài xế không ai khác chính là bà Đầm luôn mong ngóng.
Đến thùng rác đầu tiên, bà Đầm lấy bộ đồ nghề gồm đôi bao tay, cây móc rác, cùng những chiếc bao, túi ni-lông ra bắt đầu hành nghề. Vì sợ dịch bệnh Covid-19, bà còn cẩn thận đem theo chai xịt khuẩn để xịt lên tất cả các thùng rác trước khi chạm vào. Cứ thế, hết lớp rác này đến lớp rác khác, bà lục tung mớ đồ ve chai có thể bán kiếm tiền.
Dưới lớp khẩu trang cùng tấm kính chắn giọt bắn, tôi vẫn ngửi thấy rõ mồn một mùi phân hủy của rác hữu cơ. Thùng rác nào bị đặt vào thế khó, bà Đầm phải kéo ra chỗ trống để dễ tìm ve chai rồi lại đẩy vào chỗ cũ, thùng nào cũng đầy ăm ắp rác, rất nặng. Vậy mà gần 14 năm qua, bà vẫn kiên trì gắn bó với công việc không cần vốn nhưng tiềm ẩn đầy rủi ro đe dọa đến sức khỏe của bản thân.
Bà tâm sự: “Làm nghề này cực dữ lắm con ơi! Nước ăn giò cẳng tay chân, lở lói thấy ghê, thấy gớm. Có khi đau lưng mà không dám nằm tại vì mần không kịp. Suy nghĩ, giờ mình còn mần được thì ráng lặn lội mà mần. Tuy có con nhưng con nó nghèo, bệnh tối ngày. Chẳng lẽ mình ngồi không không làm ăn gì, ai đâu cho tiền xài”.
Đều đặn mỗi thứ ba, thứ năm, thứ bảy, bà Đầm sẽ đẩy xe đi nhặt nhạnh ve chai để mưu sinh. Những ngày còn lại, bà dành ra để phân loại ve chai. Mặc dù trong lúc nhặt, bà đã để riêng các loại theo từng bao, túi ni-lông khác nhau nhưng về nhà, bà vẫn phải lựa lại lần nữa trước khi bán. Có loại bán được 5 nghìn đồng/kg, có loại 3 nghìn đồng/kg và cũng có loại chỉ tính 1 nghìn đồng/kg. Cứ gom được nhiều, bà sẽ gọi vựa xuống cân.
Với món nào bán được tiền, dù ít ỏi bà Đầm cũng sẽ không từ chối. “Hồi đó nghèo quá phải đi lượm từng cái bọc rồi xuống sông giặt lại, sau nhà trọ mọc lên nhiều mới đi nhặt ve chai. Nghèo mà, hổng có gạo ăn, thiếu nợ còn bị người ta xiết đồ nữa”, bà Đầm nhớ lại những ngày cơ cực thuở trước.
Thấy có người lạ lẽo đẽo theo bà cụ ve chai, một người gần đó bình luận: “Mấy người này coi vậy chứ giàu dữ lắm”. Nhưng giàu đâu chưa thấy, tôi chỉ thấy cuộc đời có thâm niên gần một thế kỷ của bà, phải sống cực quá!
Nếm đủ vị đời
Trong đôi mắt kèm nhèm bị chảy nước mắt sống, như thấu tỏ sự đời, bà cười nói: “Giờ già rồi, lo vái trời vái Phật cho mạnh khỏe để đi mần chứ không có suy nghĩ gì tới ai hết, ai làm gì thì cũng kệ họ, không quan tâm tới”.
Thấy người ta vứt đi đồ còn sử dụng được, bà tiếc hùi hụi vì nhớ lại cảnh hồi trước bản thân toàn mặc đồ chắp vá. Bên cạnh mớ chai nhựa, bìa giấy, bà còn nhặt cả cơm thừa về để cho vịt, cho heo ăn.
Ngoài ra, bà còn nhặt màn ngủ, quần áo, dép giày... sau đó đem về giặt sạch, phơi khô rồi mang đi làm từ thiện. Thông thường, bà sẽ đi từ thiện theo cùng đoàn của chùa nơi bà quy y. Từ những nơi trong nước như mũi Cà Mau, Sóc Trăng, Hà Nội... đến một số nơi ở Trung Quốc, bà đều đã ghé qua.
Khi thấy bà vất vả nhặt ve chai, nhiều người đã giang rộng đôi tay nhân ái, san sẻ phần nào nỗi lo “cơm áo gạo tiền” với bà. Bởi thế nên lúc kiếm được đồng ra đồng vô, dẫu không nhiều nhưng bà luôn muốn giúp đỡ những người khó khăn hơn mình.
Theo bà, mỗi chuyến đi từ thiện, được ăn cơm chay, nghe giảng về Phật pháp đều mang lại cho bà niềm vui sau những năm tháng thăng trầm. Với bà, niềm tin vào tín ngưỡng là một chỗ dựa tinh thần vững chãi trước những bộn bề cuộc sống.
Không biết chữ, cũng không có khả năng lo cho 4 đứa con đi học đến nơi đến chốn, hơn tám chục năm trôi qua của bà Đầm là một thước phim cuộc đời có lúc vui, có lúc buồn. Bởi đã nếm đủ vị của cuộc đời nên hiện tại, bà luôn chắc nịch rằng cuộc sống của mình tuy không giàu có nhưng đủ sống, như thế đã là ổn lắm rồi.
Mấy tháng dịch bệnh bùng phát dữ dội, bà Đầm phải ở nhà, sống lay lắt nhờ vào số tiền trợ cấp cho người già. Theo đó, gần một tháng nay, bà mới đi nhặt ve chai trở lại. Ngày nào “trúng mánh”, bà sẽ kiếm được khoảng 40 đến 50 nghìn đồng, lai rai sẽ kiếm được khoảng 20 đến 30 nghìn đồng.
Đề cập đến sự hoành hành của cơn đại dịch trong mấy tháng qua, bà ngao ngán kể, cháu bà trên TPHCM bị dương tính với Covid-19, con gái của bà lên thăm, tưởng đâu không qua khỏi rồi nhưng may sao trời thương, hết bệnh, được về nhà ở quê.
Bà rầu rĩ cho biết, một đứa con gái nữa cũng đang trong khu phong tỏa. “Phải chi bệnh mà nó không lây cũng đỡ, bệnh gì mà ác nghiệt!”, bà cảm thán. Giờ đây, bản thân bà và các con đều đã tiêm đủ hai mũi vắc xin nên cũng bớt lo phần nào.
Trước thềm năm mới, bà Đầm nhìn xa xăm nói: “Giờ cũng không có tâm trạng gì đặc biệt. Cuộc đời 87 tuổi rồi, chỉ cầu cho mình mạnh khỏe, ráng mần được ngày nào hay ngày nấy. Mọi năm qua ăn Tết cũng bình thường, không có tiền nên không lì xì ai, con cháu đứa nào cũng nghèo nên có đứa lì xì cho ba bốn chục ngàn đồng là xong”.
Một đời làm lụng nuôi con khôn lớn, nay đã tuổi già sức yếu, bà Đầm vẫn đi làm kiếm tiền tự nuôi thân, không muốn trở thành gánh nặng của con cháu.
Theo chân bà, cảm nhận được sự vất vả của công việc nhặt ve chai đã đọng lại trong tôi nhiều suy nghĩ, giá mà rác thải được phân loại đúng cách thì có lẽ, những phận đời như bà Điềm sẽ bớt khó nhọc hơn…
Bài và ảnh: Bùi Nhi
Bài viết trên là một trong số 30 bài thi xuất sắc lọt vào vòng Bán kết Cuộc thi Báo chí DEEP ZOOM do CLB Phóng Viên Trẻ, Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. Theo đó, thông điệp của cuộc thi là sự thật phản ánh trên báo chí không chỉ là những gì diễn ra trên bề mặt vấn đề mà người làm báo phải thâm nhập, tìm hiểu để từ đó mang đến những thông tin trung thực nhất cho công chúng.