Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Ba điểm mới tại diễn đàn Mekong Connect 2022

(SGTT) - Diễn đàn Mekong Connect năm nay diễn ra tại Cần Thơ trong hai ngày 23 và 24-11, có ba điểm mới so với các diễn đàn trước.
Tại một phiên thảo luận của Mekong Connect sáng ngày 24-11-2022. Ảnh: Ngọc Bích.

Diễn đàn năm nay vẫn do các tỉnh, thành trong Mạng lưới liên kết ABCD Mekong (An Giang – Bến Tre – TP Cần Thơ – Đồng Tháp), TPHCM và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (Hội DN HVNCLC) tổ chức. Tuy vậy, theo ban tổ chức, có ba điểm mới.

Một là, diễn đàn diễn ra khi đã có những nghị quyết, quyết định về phương hướng phát triển mới, quy hoạch tích hợp cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là nền tảng để Mekong Connect 2022 đưa ra những chương trình liên kết, tích hợp cụ thể.

Thứ hai, với sự phát triển khá mạnh của hoạt động khởi nghiệp nông nghiệp trong nước, Mekong Connect 2022 dành hai ngày cho "Ngày hội khởi nghiệp" và "Phiên chợ khởi nghiệp xanh". Đây là không gian giúp doanh nghiệp khởi nghiệp giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường, nhất là về tiếp thị, phân phối sản phẩm.

Điểm mới thứ ba, diễn đàn quan tâm hơn tới “phát triển bền vững”, trong đó chuyển đổi số là yếu tố hết sức quan trọng để thúc đẩy đổi mới nông nghiệp.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trước gian hàng TPHCM tại Mekong Connect 2022. Ảnh: Ngọc Bích

Hiện giữa các tỉnh, thành trong mạng lưới ABCD Mekong và TPHCM đã có nhiều liên kết về kinh tế, y tế, giáo dục, du lịch; đã có đường giao thông kết nối các cửa khẩu, các cảng dọc sông Hậu; có những công trình hợp tác giữa TPHCM với các tỉnh ĐBSCL trong việc chọn vùng nguyên liệu xây dựng chuỗi giá trị. TPHCM và ĐBSCL cũng đã hợp tác về thương mại điện tử, chế biến.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC, để việc liên kết không nằm trên chủ trương, trên giấy mà là bằng hành động, Mekong Connect năm nay bàn về một loạt nội dung như nâng chất liên kết – tích hợp, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo từ cuộc chuyển đổi số, viện trường và nguồn nhân lực cho kinh tế nông nghiệp, kinh tế biên mậu, Kinh tế tuần hoàn, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và chú trọng chế biến nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản.

Những nội dung này nhằm giúp đưa kinh tế của địa phương và cả vùng bứt phá trong giai đoạn mới sau đại dịch Covid-19, theo tinh thần các nghị quyết của Đảng và Nhà nước mà trọng tâm là quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.

Riêng với thành phố Cần Thơ, theo bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ (CPA), đơn vị đồng tổ chức, thì CPA mong muốn Mekong Connect 2022 kết nối thêm được nhiều hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp ở thành phố Cần Thơ cũng như doanh nghiệp vùng ĐBSCL.

Cụ thể hơn, CPA tiếp thu, ghi nhận những ý kiến đóng góp, tư vấn, khuyến nghị của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong việc giúp Cần Thơ thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL theo Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội dành cho cơ chế đặc thù của thành phố Cần Thơ. Sau Mekong Connect 2022, hy vọng trung tâm này sẽ sớm hình thành.

Huỳnh Kim

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối