Phương Thảo-
Là một quốc gia hàng đầu về nông nghiệp công nghệ cao, Ba Lan đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản như thịt, trái cây, mật ong, rau củ và các chế phẩm từ sữa sang nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài các thị trường lân cận như Hungary, Đức, Anh, Cộng hòa Séc..., quốc gia Đông Âu này đang tìm cách vươn đến những thị trường xa hơn như Trung Đông và châu Á.
Ba Lan được biết đến như đất nước của táo và là quốc gia xuất khẩu táo lớn nhất thế giới, vượt qua Trung Quốc và Mỹ trong hai năm gần đây. Theo số liệu do Trung tâm Hỗ trợ Nông nghiệp quốc gia Ba Lan (KOWR), Ba Lan có khoảng 40 giống táo khác nhau và có mùi vị thơm ngon. Quốc gia này đứng đầu trong khối Liên minh châu Âu (EU) về sản lượng táo với mức thị phần 30%. Ngoài ra, các loại trái cây khác cũng có ưu thế khá lớn, như cherry với 33%, việt quất với 73%, quả mâm xôi với 61% và dâu tây với 16%. Về rau củ, Ba Lan cũng có nhiều mặt hàng chiếm mức thị phần khá cao trong khối EU như cà rốt, nấm, bắp cải, hành củ...
Bên cạnh trồng trọt, ngành chăn nuôi Ba Lan cũng phát triển mạnh mẽ. Trong năm 2016, Ba Lan sản xuất 2,8 triệu tấn thịt gia cầm, trong đó 38% được dùng cho xuất khẩu. Nhiều thị trường EU đánh giá cao sản phẩm gia cầm của Ba Lan nhờ vào giá cả cạnh tranh, mùi vị đặc trưng, hàm lượng dinh dưỡng cao và an toàn cho sức khỏe. Ngoài ra, nhà nhập khẩu còn có thể lựa chọn nhiều sản phẩm đa dạng như gà, vịt, ngỗng, gà tây…
Các loại nước ép trái cây được kiểm định tại Viện nghiên cứu công nghệ sinh học cho lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm ở Warsaw.
Tiềm năng nông nghiệp to lớn
Tiếp xúc với phóng viên tại hội chợ thực phẩm quốc tế Polagra Food 2017 diễn ra ở Poznan từ ngày 25 đến 29-9 vừa qua, nhiều doanh nghiệp bày tỏ niềm tự hào với sản phẩm nông sản được sản xuất tại quê hương mình. Không chỉ tươi ngon, đẹp mắt và có giá cả dễ chịu, tất cả rau quả và các loại thịt ở Ba Lan được kiểm soát rất nghiêm ngặt do nhà sản xuất luôn chú trọng đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.
Theo Hiệp hội Sinh thái Ba Lan, tất cả doanh nghiệp thành viên phải tuân theo quy tắc sản xuất an toàn theo quy trình khép kín từ trồng trọt, chăn nuôi cho đến chế biến. Ngoài ra, doanh nghiệp phải có ý thức phát triển xanh và bền vững để bảo vệ môi trường sinh thái. Không chỉ những nông sản tươi, Ba Lan còn kiểm soát chặt chẽ chất lượng của sản phẩm chế biến như bánh kẹo, trái cây sấy khô, nước ép trái cây nguyên chất, thực phẩm chức năng… Điển hình, công ty Elena cho biết họ sản xuất nhiều dòng sản phẩm khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, trong đó có sản phẩm có thành phần chuyên biệt dành cho trẻ em, thường được bày bán tại căn tin trường học.
Trước đó, trong một cuộc hội nghị ở Viện nghiên cứu công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm tại Warsaw, Phó giáo sư Marek Roszko – người làm việc ở Phòng phân tích thực phẩm – đã giới thiệu những thiết bị máy móc và thiết bị dùng để kiểm định chất lượng sản phẩm trên thị trường. Ông Marek Roszko cho biết, cơ quan này chuyên thực hiện các cuộc nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm, công nghệ lên men và các chất phụ gia nhằm phục vụ sản xuất thực phẩm trong nước và đẩy mạnh việc xuất khẩu. Mục tiêu của viện là đảm bảo chất lượng thực phẩm, nông sản luôn ở chất lượng cao nhất.
Một dây chuyền đóng gói táo sạch tại một công ty ở Poznan, Ba Lan.
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam
Ở hội chợ Polagra Food, nhiều doanh nghiệp Ba Lan cho biết đang có kế hoạch xuất khẩu sang thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam. Một vị đại diện của công ty Celiko – có trụ sở tại Poznan chuyên sản xuất trái cây sấy khô – cho biết đã gửi hàng mẫu đến các nhà nhập khẩu Hàn Quốc và Việt Nam cách đây vài tháng. Cho đến nay, ông vẫn đang chờ đợi sự phản hồi từ các doanh nghiệp Việt Nam, song rất lạc quan vì trước đó sản phẩm này đã nhận được khá nhiều lời khen ngợi từ người tiêu dùng Hàn Quốc. Mặt khác, người đại diện về bán hàng của công ty Koh Libre cho biết họ đang nhập khẩu dừa từ Việt Nam để chế biến các sản phẩm như nước dừa đóng chai nguyên chất, sữa dừa và một số loại nước giải khát có cơm dừa non. Koh Libre đã xuất khẩu các loại giải khát từ dừa này sang nhiều thị trường châu Âu như Hungary, Pháp, Ý...
Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã được KOWR mời đến tham dự hội chợ lần này và cho biết kết quả làm việc ban đầu khá khả quan. Công ty TNHH V.I.P Việt Nam (Đà Nẵng) cho biết đã đạt được bản thỏa thuận cho việc nhập khẩu nước ép táo và một số mặt hàng từ sữa ngay trong những ngày đầu tiên tham dự hội chợ. Ngoài những hợp đồng được ký chính thức, một số doanh nghiệp cho hay đã đạt được những thỏa thuận ban đầu với nhà sản xuất Ba Lan và sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch giao thương trong thời gian tới.
Vào năm 2015, các nhà lãnh đạo ngành nông nghiệp của Việt Nam và Ba Lan đã ký một bản hiệp định khung, theo đó cho phép Ba Lan xuất khẩu táo vào Việt Nam. Bản thỏa thuận này được đưa ra sau khi các cơ quan chức năng của Ba Lan đã xem xét, tiếp cận một số thị trường để tìm điểm đến tiêu thụ mới cho táo và nhận thấy rằng Việt Nam là một thị trường mới nổi nhiều tiềm năng, nhất là khi hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU sẽ chính thức có hiệu lực trong thời gian tới. Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp sản xuất thịt heo, bò đông lạnh của Ba Lan cũng đã tăng cường việc quảng bá, xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu vào Việt Nam.