THÁI HÀ -
Ngày càng có nhiều sinh viên đến trường với các thiết bị điện tử thay vì sách vở, họ không còn cần những chiếc ba lô to nữa. Điều này khiến những người sản xuất trong ngành ba lô có trị giá 2,7 tỉ đô la Mỹ phải suy nghĩ để đưa ra những mẫu mã mới hơn.
Bên trong ba lô của Alejandro Sarete và Cho Young Uk là những thứ như laptop, smartphone, các đầu đọc USB, mỹ phẩm và vài thứ lặt vặt. Nhưng thứ tưởng chừng cần thiết nhất với hai sinh viên trường Đại học New York này là sách giáo khoa và vở ghi thì không có. Đối với sinh viên năm hai như Cho thì anh học online hết, ngoại trừ môn tiếng Tây Ban Nha và môn kế toán. “Tôi nghĩ rất ít người có sách giáo khoa”, Sarate nói.
Nhu cầu của người mang ba lô thay đổi khiến Eric Rothenhaus và các cộng sự của ông ở VF Corp phải liên tục tìm kiếm lời khuyên từ những người dùng ba lô nhiều nhất, như các nhà leo núi mà sự sống của họ phụ thuộc vào đồ dùng để trong ba lô của họ. Nay mọi sự đã khác khi họ đến các sân trường đại học quan sát thói quen của sinh viên nhiều hơn, chẳng gì thì sinh viên hàng năm vẫn tiêu thụ 8 triệu chiếc ba lô JanSport. Hiện VF Corp thống trị ngành sản xuất ba lô và họ sở hữu những nhãn hiệu nổi tiếng như JanSport Eastpak, Timberland, NorthFace. VF Corp chiếm 55% thị trường Mỹ.
Theo Hiệp hội Hàng du lịch (Mỹ), năm ngoái người Mỹ mua nhiều ba lô hơn bao giờ hết với 174 triệu chiếc được mua. Nhà phân tích Ayako Homma của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor nói rằng thị trường ba lô gần đạt đỉnh, người tiêu dùng đang tìm kiếm những thứ mới và khác biệt. Sự quan ngại càng lớn khi mùa mua sắm cuối hè năm nay không lạc quan lắm. Hiệp hội Các nhà bán lẻ Mỹ cho biết sức mua mùa mua sắm cuối hè năm nay thấp hơn 6% so năm ngoái.
Buộc phải thay đổi
Các chuyên gia nhận xét ngành sản xuất ba lô đang gặp bế tắc trong khâu đổi mới sáng tạo. Những chiếc ba lô trên lưng các sinh viên Mỹ khi họ trở lại trường học tuần này không khác nhiều so với ba lô mà cha mẹ họ mang trước đây.
“Nhưng tôi nghĩ thị trường chắc chắn còn chỗ cho đổi mới sáng tạo”, Lindsey Shirley, chuyên gia dệt may ở trường Utah State University nhận xét. Những sáng tạo đến từ các doanh nghiệp mới, nhắm đến những nhóm khách hàng chuyên biệt. Hãng Tylt tung ra loại Energi, bên trong có bộ sạc và dây cáp để có thể sạc ba thiết bị điện tử cùng lúc và được bán với giá 170 đô la Mỹ. JanSport đang kết hợp với hãng thiết kế Ideo nổi danh ở Thung lũng Silicon để “tư duy” lại chiếc ba lô cho sinh viên. Họ giữ lại những yếu tố cơ bản của họ là nhẹ, chống thấm nước, có những ngăn mở rất nhanh để lấy những thứ cần thiết nhất. Họ thiết kế ngăn chữ V đủ to để chứa phone, tablet và những thứ có giá trị nhất. Ngoài ra, họ thiết kế một bộ túi để các loại dây nhợ trong đó gọi là “digital burrito”, tức là bánh cuộn kỹ thuật số (burrito là tên một loại bánh cuộn kiểu Mexico). Các ngăn đều được chống thấm để có thể cho đồ ăn, sô đa, bia vào ba lô, lỡ có đổ ra thì cũng không thấm sang ngăn đựng điện thoại, máy tính bảng.
Hãng Black Diamond Equipment tung ra loại Jet Force Pack giá 1.450 đô la Mỹ có túi thở khí để giúp bạn tăng cơ hội sống sót trong cơn tuyết lở. Herschel Supply ra loại “tân cổ giao duyên”: quai leo núi truyền thống, bên trong có các ngăn phù hợp với đời sống công nghệ.
John Sears, Phó chủ tịch Công ty Gregory Mountain Products, nói đời sống công nghệ ngày nay là một cơ hội chứ không phải mối đe dọa. Sắp tới, Gregory sẽ cho ra loại ba lô có tấm pin năng lượng mặt trời có thể tháo ra lắp vào được. Đây là sản phẩm phục vụ chuyến đi nhiều ngày ở nước lạc hậu.