(SGTT) - Tôi đến Bà Nà hôm đó trời lại mưa. Mọi người bảo với tôi rằng Bà Nà nắng quá không đẹp, còn mưa thì thấy cái gì mà đi.
- Cầu Vàng Ba Na Hills vào nhóm 10 kỳ quan mới của thế giới
- Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills mở cửa trở lại
- Một triệu bông hoa tulip tại Bà Nà ghi tên vào Kỷ lục Việt Nam
Lỡ đặt vé đi, cuộc hành trình buổi sáng từ Đà Nẵng tới Bà Nà nói chung là trời chỉ âm u, thế là mừng. Mừng vì lên trên độ cao hơn 1.400 mét ấy sẽ có sương mù. Có sương mù thì cảnh vật sẽ ảo diệu, sẽ đẹp. Nhưng sau khi chụp ảnh không gian bên ngoài, bắt đầu xếp hàng ở ga Suối Mơ để lên đỉnh, trời mưa. Cả khu vực lên cáp treo đông như bất cứ các điểm du lịch nào. Nhiều đoàn khác nhau, mỗi hướng dẫn viên cầm một cây sào, gắn lên trên đó có khi là lá cờ vàng, cờ đỏ, vài mảnh vải hoặc là một con gấu bông nhỏ. Ai đi đoàn này cứ nhìn lên thấy “ám hiệu” là đi theo.
Cuối cùng cũng lên được cabin với sức chứa 8 người để đi cáp treo. Trời mưa, dẫu có muốn nhìn phong cảnh cũng chỉ thấy những giọt mưa, chụp ảnh cũng chỉ mờ mờ. Đã lỡ đi, ai cũng trông trời giảm mưa, nhưng chắc chắn đó là điều không thể. Cáp đưa lên trên đỉnh, thoát ra thì thấy nhân viên tại đây phát áo mưa tiện lợi miền phí cho khách, như thế cũng tạm an ủi trong cơn mưa như trút trên đỉnh núi này.
Bà Nà được đại úy bộ binh Pháp Marin Debay phát hiện vào tháng 4-1900, khi được Paul Doumer – Toàn quyền Đông Dương giao nhiệm vụ tìm kiếm nơi có khí hậu mát mẻ để xây dựng khu nghỉ dưỡng cho người Pháp, vì họ không chịu được sức nóng.
Bà Nà thuộc huyện Hòa Vang là nơi nghỉ dưỡng vào thời kỳ Pháp thuộc. Khi đó, vùng đất này trồng rất nhiều cây chuối, do đó gọi là núi Banane, sau đó gọi gọn thành Bà Nà. Đó là lịch sử, và chính tuyến cáp treo Bà Nà xây dựng lên vào năm 1999, liên tục mở rộng cho đến nay có ba tuyến cáp treo, đã khiến cho lượng khách đến Đà Nẵng ngày càng đông và ai tới Đà Nẵng cũng muốn đi Bà Nà.
Sau khi khoác chiếc áo mưa mỏng, chúng tôi cứ thế mà đi trong mưa. Ẩn hiện trước mắt là khung cảnh mờ ảo như đang ở một thành phố nào đó ở Châu Âu. Ôi, cái thành phố với những gam màu xám, những bụi hoa và mưa. Bao quanh có chỗ có những chiếc dù che, có chỗ giống như là một góc phố có vòm che và những hiên nhà. Ngay trước mắt là nhà thờ, khách mặc áo mưa chen vào, ở trong không gian mưa đó, ban nhạc cứ chơi át cả mưa. Nhìn trên những con đường mưa ở Bà Nà là những con người “vì yêu mà đến” cứ lầm lũi đi dưới mưa. Và cảm nhận là mù sa mưa nhưng đầy thích thú.
Mưa, chúng tôi lên xe điện xuống vườn hoa. Cứ thế mà “chạy” qua hoa. Nào là qua những phần thân thể tượng hình, qua cái vòm có hoa đào giả, tới vườn hoa, qua cầu tình yêu, vào hầm rượu và đến chùa Linh Ứng. Sau đó quay về để đi cáp xuống núi.
Khuê Việt Trường