Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024

Ba tôi, “ông hậu đậu”

Y NGUYÊN -

Trong nhà, ai cũng bảo ba tôi hậu đậu. Mà không riêng nhà, cả xóm cũng bảo. Lâu lâu khách lạ vô xóm, hỏi thăm nhà ông Tư Hậu còn kẻ biết người không; chớ hỏi nhà “ông hậu đậu” thì đến con nít cũng rành luôn. Mà ba tôi hậu đậu thật. Nhà mình ở mấy mươi năm cứ lớ ngớ lớ nga như người… ở trọ, hỏi cái gì, để ở đâu, làm gì ba cũng chỉ vỏn vẹn một câu trả lời “3 không” (không thấy, không biết, không nghe). Chưa hết, ba còn có tật làm đâu bỏ đó, ăn đâu xả đó. Đi đứng thì vô cùng bất cẩn (mẹ gọi là “con mắt trên chóp”, tức trên… đỉnh đầu!), gặp gì cũng mang, đụng gì cũng giậm: từ lưng ghế, cạnh bàn tới đuôi chó, chân mèo, thậm chí cả… phân gà vịt!

19

Ba bị cận thị nặng, mẹ bóp bụng nhịn ăn dắt ba ra phố đo, mua cho đôi kính, ba mang đi thăm đồng một buổi về 4 mắt chỉ còn… 2 mắt. Hỏi rớt lúc nào, rớt ở đâu ba cứ một mực ngó lên trời như muốn cầu cứu trời xanh. Chưa hết, việc cửa việc nhà từ cơm nước chợ búa giặt giũ đến chăm sóc con cái kiến thức của ba đều gần như… bằng không – đến mức nếu tới bữa không có mẹ nấu cơm cho ăn, tôi tin ba chỉ có đường nhai mì tôm hay bánh tráng khô trừ bữa!

Vô số lần tính hậu đậu của ba khiến mẹ cắn lưỡi kêu trời. Từ kêu trời tới bức xúc. Đỉnh điểm của bức xúc là kình, là mắng mỏ, là gọi ba “đồ vô tích sự, ăn hại, không làm gì nên thân, chuyện chút xíu bằng cái móng tay nhờ cũng không xong!”. Chuyện ấy ngày càng tệ, nhất là khi ba đã già, lẩm cẩm ít nhiều khiến căn bệnh hậu đậu trầm trọng hơn. Mẹ vốn hơi “ác khẩu”, lại thêm công việc đổ dồn quá áp lực, quá nhọc nhằn, nên nhiều khi văng miệng rất thiếu kiềm chế. May, ba tôi được cái hiền: mẹ mắng mỏ, nói khó nghe kiểu nào cũng cứ cười trừ hoặc im lặng cho qua.

*

*        *

Tôi là con gái, giống ba, giống nhất trong số các anh chị em.

Người ta nói “gái giống cha giàu ba họ”. Giàu đâu chưa thấy nhưng đã thấy cái tai nạn nhãn tiền: hậu đậu, đụng đâu hư đó, làm trước quên sau và dài dài ăn chửi, ăn đòn của mẹ. Ngày nhỏ, được điều vào bếp học “nữ công gia chánh”, tôi làm té muối vô canh, đốt cơm thành than đâu vài lần là lập tức được “cho thôi việc” ngay, kèm theo câu cảm thán (rất bi ai) của mẹ: “cứ cái mửng này rồi mơi mốt bị mẹ chồng… úp xoong lên đầu con ơi!”. Vậy nên nguyên thời ấu thơ, tôi chỉ biết mỗi việc học (chữ), rảnh lắm mẹ cũng chỉ dám sai làm ba chuyện bưng bê mang vác giản đơn; còn đụng việc có chút “kỹ xảo kỹ năng” tôi đều bị gạt phắt.

Không biết gì chuyện nhà cửa, bếp núc, nhưng rồi cũng đến lúc tôi phải lấy chồng (đâu ai ở góa suốt đời chỉ vì… hậu đậu?). Về nhà chồng, chuyện chi cũng lớ ngớ lớ nga, nơm nớp lo bị “úp xoong lên đầu” như lời tiên tri của mẹ tôi. May, số tôi còn đỏ nên lời tiên tri kém linh nghiệm. Hậu đậu toàn tập rõ ràng nhưng chưa lần nào mẹ chồng nỡ “úp xoong”. Chắc mẹ thương tôi cái nết hiền lành (cũng giống ba) nên… cố nhịn. Nhịn nhưng thỏa hiệp, cho qua thì không. Ngay buổi đầu sống chung, chồng tôi đã thủ thỉ “quán triệt” cho tôi: làm người, có sức khỏe, có đầu óc thì những kỹ năng tồn tại tối thiểu là cái bắt buộc phải học. Hay dở vụng khéo tùy người, nhưng cứ quyết tâm sẽ học được….

Câu động viên của chồng giúp tôi thêm can đảm theo mẹ, theo chồng học việc. Trật trữ, “sự cố” buổi đầu; nhưng “thầy” luôn ân cần, nhẫn nại động viên: không sao, hư thì… làm lại; sẽ thành thôi. Kiềm chế lắm, tôi biết. Bởi đi “làm thầy” một đứa hậu đậu như tôi không có lúc tức cành hông mới chuyện lạ đời!

Kết cục rồi tôi cũng “tốt nghiệp”. “Đậu vớt” thôi nhưng vậy cũng đã thành công quá sức tưởng tượng. Tôi đã có thể vào bếp chuẩn bị trọn vẹn một mâm cơm cho cả gia đình, điều trước đây tôi chưa hề dám nghĩ! Ngày chúng tôi ra riêng, chồng tôi lại tiếp tục “rèn” cho tôi chuyện chăm lo con cái, quán xuyến cửa nhà. Phương châm của anh vẫn cứ là “làm hư làm lại. Làm cho đến lúc… hết hư”. Và thực tế nơi tôi đã chứng minh: đó là một phương châm đúng. Hết hẳn thì chưa nhưng giờ tôi có thể tự tin để khẳng định rằng: tôi đã bớt đi… nửa phần hậu đậu.

*

*        *

Còn ba tôi?

Đã muộn. Ba tôi già rồi. “Ông hậu đậu” giờ thành chết tính chết danh, không hy vọng đổi thay. Vậy nhưng, dù gì, kinh nghiệm bản thân cũng giúp tôi vỡ ra căn nguyên chuyện hậu đậu quá chừng của ba tôi. Và cái “vỡ ra” ấy khiến tôi nhiều lần bức xúc, phản ứng chuyện mẹ cứ luôn chì chiết tính hậu đậu của ba: Mẹ bớt nói đi; ba hậu đậu quá mức vậy có phần nguyên nhân… tại mẹ đó! Chị hai tôi lập tức phụ họa: phải đó; chuyện gì mẹ cũng chê ba làm vụng về ngứa mắt. Rồi “ôm” lấy việc giành làm, không cho ba đụng chân đụng tay. “Cưng” quá sinh hư, giờ mẹ còn trách móc nỗi gì?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối