Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Bạc Liêu: Bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tài tử gắn với phát triển du lịch

Bạc Liêu được biết đến là một trong những cái nôi của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - loại hình di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO vinh danh. Do đó, tỉnh quan tâm, chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này, góp phần thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Khu tưởng niệm Nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: Henry Dương

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu, toàn tỉnh hiện có trên 150 câu lạc bộ Đờn ca tài tử với hơn 2.000 thành viên, nghệ nhân, tài tử thường xuyên sinh hoạt. Điều này cho thấy sức sống mãnh liệt của di sản này trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Bạc Liêu.

Chia sẻ trên TTXVN, bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh, cho biết những năm qua, các cấp, ngành đã ra sức giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật của bản “Dạ cổ hoài lang” mở nhiều lớp hướng dẫn, truyền dạy hát bài “Dạ cổ hoài lang,” điệu thức trong nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ cho học sinh, sinh viên, các hội viên, nhân dân; tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tìm hiểu sự ra đời, giá trị nghệ thuật bản “Dạ cổ hoài lang”.

Để tiếp tục bảo tồn Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, ngành văn hóa tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa với tính chất là nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực của sự phát triển; nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm quan trọng trong phát triển bền vững.

Cùng với đó là tiếp tục quan tâm bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh phục vụ phát triển du lịch; chú trọng xây dựng văn hóa, con người Bạc Liêu đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển; xây dựng Bạc Liêu là điểm đến hấp dẫn, hoạt động du lịch mang tính chuyên nghiệp cao, con người mến khách, thân thiện, nghĩa tình.

Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam Bộ, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN

Bên cạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc thù nhằm nâng cao thương hiệu, tạo sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao như sản phẩm du lịch văn hóa gắn với giá trị đặc sắc của bản “Dạ cổ hoài lang” và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ… ngành du lịch Bạc Liêu chú trọng xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp truyền thống, du lịch sinh thái vườn, du lịch cộng đồng thông qua sự cộng hưởng, giao thoa về văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng và lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc để thu hút du khách tham quan, trải nghiệm…

Những năm qua, du lịch Bạc Liêu có bước phát triển ổn định, hàng năm, lượng khách tăng trung bình khoảng 22%, tổng thu từ khách du lịch tăng trung bình khoảng 20%; sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú, đa dạng, có nhiều sản phẩm du lịch tạo thương hiệu trong khu vực và cả nước.

Xét về quy mô số lượng khách hàng năm, tổng thu từ du lịch, Bạc Liêu hiện đứng thứ 5 trong khu vực. Du lịch phát triển góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Bạc Liêu hiện có 10/43 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận (nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long). Bạc Liêu hiện có khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Đây cũng là điểm du lịch tiêu biểu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Theo TTXVN, Bạc Liêu đặt kế hoạch đến năm 2025 sẽ đón trên 7 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt trên 10.000 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 30.000 lao động (trong đó 12.000 lao động trực tiếp); có 15 điểm du lịch, một khu du lịch cấp tỉnh được công nhận và nằm trong danh mục các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch quốc gia. Năm 2022, du lịch Bạc Liêu tiếp tục đà tăng trưởng mạnh. Tỉnh đón tiếp gần 3,9 triệu lượt du khách, tổng doanh thu đạt hơn 3.200 tỉ đồng. Tỉnh đặt mục tiêu đón khoảng 4 triệu lượt du khách trong năm 2023, doanh thu từ du lịch đạt khoảng 3.600 tỉ đồng.

Đăng Huy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối