Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Bác sĩ: lá tía tô không có tác dụng giảm tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin Covid-19

(SGTT) - Một số trường hợp tiêm vắc-xin đã xảy ra những phản ứng phụ không mong muốn. Lo ngại về vấn đề này, trên các trang mạng xã hội, nhiều người đã truyền tai nhau mẹo uống nước ép lá tía tô, lá nhọ nồi để không bị tác dụng phụ của vắc-xin.
Thực hư mẹo hạn chế phản ứng phụ khi tiêm vắc-xin

Hiện trên một số diễn đàn sức khỏe cũng như các trang mạng xã hội, nhiều người mách nhau trước khi tiêm phòng 2-3 ngày nên mua lá tía tô về rửa sạch và ăn sống, ép nước hoặc nấu canh ăn… Sau khi tiêm phòng, mọi người vẫn tiếp tục uống lá tía tô từ 1-2 ngày tiếp theo. Dưỡng chất trong lá tía tô vừa giúp người tiêm tăng khả năng sinh miễn dịch, chống viêm sưng, vừa giảm tỷ lệ những cơn “hành” của vắc xin.

Nhiều người mách nhau mẹo uống nước lá tía tô trước và sau khi tiêm phòng. Ảnh chụp màn hình.

Không chỉ dùng lá tía tô, nhiều người còn chỉ nhau sử dụng cây nhọ nồi để vừa giúp giảm phản ứng sau tiêm, vừa làm mát cơ thể, chống lại tác dụng phụ của vắc- xin.

Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, cho biết: “Đến nay chưa có nghiên cứu nào chỉ ra việc uống nước tía tô có thể làm giảm sốt hay các tác dụng phụ của tiêm vắc-xin. Sốt sau khi tiêm tùy thuộc vào cơ địa từng người. Trước đó, đây chỉ là kinh nghiệm dân gian của nhiều bà mẹ truyền tai nhau khi tiêm vắc-xin cho trẻ nhỏ nên không có tác dụng trong quá trình tiêm ngừa Covid-19”.

Bác sĩ Phong cũng chia sẻ thêm, nhiều người có suy nghĩ uống các loại thảo dược để làm mát cơ thể trước khi tiêm vắc-xin. Có người còn uống thuốc giảm đau, hạ sốt trước khi tiêm một ngày. Thực tế, thuốc chỉ có tác dụng vài giờ nên việc uống thuốc trước khi đi tiêm không cần thiết.

Đáng lưu ý hơn, việc uống thuốc chống đông máu, thuốc hạ sốt trước khi tiêm có thể sẽ làm giảm triệu chứng, gây khó khăn cho bác sĩ trong chẩn đoán, xử lý tác dụng phụ không mong muốn của vắc-xin.

Ăn sống, uống nước ép lá tía tô… không có tác dụng làm giảm triệu chứng sau khi tiêm vắc-xin Covid-19. Ảnh: wheatleys.com

Theo bác sĩ khuyến cáo, trước khi tiêm vắc xin Covid-19, mọi người nên nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, giữ tâm lý thoải mái, cũng như không nên uống cà phê, bia rượu trong ngày đi tiêm. Những người dị ứng không cần làm các test (xét nghiệm) dị nguyên hay test vắc-xin vì không có tác dụng, chỉ cần chủ động khai báo trung thực tiền sử bệnh lý để bác sĩ đưa ra quyết định tiêm đúng.

Với những người có bệnh lý nền cần mang theo các hồ sơ về bệnh lý, đơn thuốc đang sử dụng, kết quả xét nghiệm để bác sĩ tham khảo chỉ định phù hợp cho bệnh nhân. Trước hoặc sau khi tiêm, người dân không nên dùng bất kỳ loại thuốc gì. Nếu có phản ứng không mong muốn, chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Tỷ lệ xảy ra phản ứng phụ rất thấp

Hiện nay, có nhiều loại vắc-xin Covid-19 đang được lưu hành. Các loại vắc-xin đều được sản xuất theo 3 cơ chế: vắc-xin mRNA, vắc-xin protein và vắc-xin vector với các tác dụng phụ nặng, nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều an toàn và hiệu quả trong phòng chống Covid-19.

Đối với vắc-xin AstraZeneca, tình trạng xảy ra hiện tượng sốc phản vệ sau tiêm rất thấp. Còn những vắc-xin Covid khác, số liệu báo cáo giai đoạn sau thử nghiệm 1/100.000 - 200.000 phản vệ, tỷ lệ sốc phản vệ 1/1.000.000 ca. Điều này đồng nghĩa với việc xuất hiện sốc phản vệ rất ít gặp.

Nếu cơ thể xuất hiện một số tác dụng phụ như: ớn lạnh, sưng tấy, đau khớp, đau cơ… là những dấu hiệu cho thấy vắc-xin đã kích hoạt cơ thể tạo kháng thể chống lại Covid-19.

Để đảm bảo an toàn, người dân nên thực hiện khám sàng lọc và theo dõi sau tiêm 30 phút. Vì đa số các trường hợp sốc phản vệ thường xảy ra trong vòng 30 phút sau khi tiêm. Tại các điểm tiêm chủng đều có thể xử lý nhanh khi tình trạng sốc phản vệ xảy ra. Vì vậy, người dân không nên quá lo sợ khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nghĩ các mẹo chống lại tác dụng phụ vì điều này là không cần thiết.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối