Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Bám đảo làm du lịch biển

Lê Đại

Theo thông tin từ Diễn đàn phượt, tôi đã tổ chức một nhóm anh em làm cuộc hành trình phượt biển phương Nam. Điểm đến là Hòn Đầm nằm trong quần đảo Bà Lụa thuộc vùng biển Tây Việt Nam giáp với vịnh Thái Lan. Hòn đảo mà chúng tôi tìm đến chỉ có một hộ gia đình duy nhất, “chúa đảo” cũng là họ, dân đảo cũng là họ, và những cư dân này đã tự làm dịch vụ du lịch, từ đưa đón khách, ăn, nghỉ, giải trí...

Từ TPHCM sau một đêm đi xe tốc hành, 8 giờ sáng chúng tôi đã tới Hòn Chông. Anh Tài, rể của “chúa đảo” Trần Văn Mực đón chúng tôi xuống tàu và nhắm Hòn Đầm thẳng tiến. Mấy năm tích lũy, anh Tài đã sắm được hai chiếc tàu, một chiếc hơn 10 người và một chiếc hơn 40 người phù hợp với nhu cầu của từng nhóm khách.

Vịnh Hạ Long phương Nam

Giới phượt ví von vùng biển này là Hạ Long phương Nam quả không sai. Anh Tài điệu nghệ đưa chúng tôi đi qua vùng biển đẹp với những hàng chục, hàng trăm hòn đảo đá vôi lô nhô đủ hình đủ dáng. Nước biển lặng như mặt hồ. Khác với Hạ Long có màu nước biển xanh lục, biển ở đây mang màu xanh đậm. Sau gần một giờ dạo biển, Hòn Đầm gồm ba hòn hiện ra như ba chân vạc nổi trên mặt biển. Đó là Hòn Đước, Hòn Dương và Hòn Giếng. Về cái tên Hòn Đầm, người dân địa phương kể rằng, thời Pháp thuộc, người Pháp thường ra đây tắm biển trong đó có nhiều phụ nữ nên được gọi là Hòn Đầm. Nhưng cũng có người cho rằng, đặc điểm địa lý ở đây là một vùng biển cạn như một cái đầm, có thể lội nước đi từ hòn này sang hòn khác. Từ Hòn Giếng sang hòn Dương, khi thủy triều xuống lòi trơ bãi cát, đi trên biển mà không ướt bàn chân.

Hòn Đầm nằm trong quần đảo Bà Lụa, vùng biển này được ví von như Hạ Long phương Nam. Hòn đảo vẫn còn vẻ hoang sơ, thiên nhiên thuần khiết. Ảnh: Lê Đại
Hòn Đầm nằm trong quần đảo Bà Lụa, vùng biển này được ví von như Hạ Long phương Nam. Hòn đảo vẫn còn vẻ hoang sơ, thiên nhiên thuần khiết. Ảnh: Lê Đại

Ông Mực là ngư dân sống ở Hòn Đước đóng lồng nuôi cá bớp, cá mú cùng với chị Thủy là con gái duy nhất của ông. Anh Tài nguyên là cán bộ địa chính xã lui tới lâu ngày rồi bén duyên thành vợ chồng và họ đã đầu tư khai thác du lịch trên hòn này. Họ phá hoang một phần phía Đông của hòn, đắp bờ kè chắn sóng, lát đá tạo lối đi, xây cầu tàu khá khang trang đón khách. Phần lớn hòn đảo vẫn còn vẻ hoang sơ thiên nhiên thuần khiết.

“Khách sạn ngàn sao” đúng nghĩa của họ là ba cái nhà lều không vách mà từ địa phương gọi là cái “thum”. Mỗi cái có thể chứa đến vài ba chục khách ngủ trên nền xi măng hoặc võng. Giá thuê mỗi thum chỉ vài trăm ngàn đồng. Ở đây chỉ cần chăn mền, gối mà không cần mùng vì không có chú muỗi nào trụ nổi với gió biển. Chị Thủy cũng đảm nhận nấu ăn theo đặt hàng của khách. Món ăn dân dã nhưng nguyên liệu thì tuyệt vời, cá bớp, cua, ghẹ, hào rộng sẵn dưới biển, mực tươi roi rói vừa mới bắt lên lúc nào cũng có. Một suất ăn thủy sản 80.000 đồng là no căng bụng. Không cần bàn ghế, chúng tôi trải chiếu trên mặt đất, ngồi ăn cơm dưới bóng mát của những tàng cây. Một phong cách dân dã Nam bộ hài hòa với những món ăn miền biển, canh chua cá bớp, mực xào, cá bống hấp…

Bữa cháo mực ăn đêm trên hòn này có lẽ là bữa cháo ngon nhất đối với chúng tôi. Nó ngon từ nguyên liệu tươi, từ bàn tay chế biến lành nghề, và đặc biệt là từ không gian bốn bề gió lộng mang theo hương biển, hương rừng tinh khiết.

Một vùng biển hoang sơ

Thật thú vị khi tắm biển và săn bắt hải sản nơi đây. Vùng biển giữa ba hòn là bãi tắm khá lý tưởng, nước cao nhất chỉ đến ngang ngực, lúc triều xuống chỉ đến thắt lưng. Trong đó, có những chỗ là bãi cỏ rong êm mát bàn chân. Ngoài ra, có khá nhiều hải sản như sò huyết, sò dương, sò lụa, nghêu và đặc biệt là tu hài. Không có gì dễ bằng bắt sò, chỉ cần lấy chân dò tìm, khi chạm phải nó thì khom người xuống nhặt. Tu hài thì khó hơn một chút, phần thân nhọn của nó cắm sâu dưới cát chỉ nhô lên phần miệng, phải chịu khó lấy tay kéo mạnh nó lên. Vùng biển vắng lặng tinh khôi chợt lao xao những tiếng reo vui. Chỗ này vừa bắt được một tu hài, chỗ kia bắt được con sò lụa. Cái xô chứa sò cứ phải chuyền đi chuyền lại liên hồi. Hơn một giờ tắm đùa giỡn, chúng tôi thu hoạch được gần 10 ký hải sản đủ loại. Ngay lập tức, thành phẩm được đưa vào chế biến thật đơn giản nhưng cũng thật ngon – nướng trên than củi tràm của đảo.

Anh Tài đã chuẩn bị cho chúng tôi một đống củi to bằng những thân cây còn nguyên vẹn. Đêm xuống, chúng tôi vòng quanh trong ánh lửa bập bùng chơi trò chơi tập thể. Đêm về khuya, mệt nhoài sau một ngày vận động, chúng tôi ngã lăn ra chiếu, treo đong đưa trên võng và chìm vào giấc ngủ thật an lành.

Buổi sáng ở Hòn Đước, chúng tôi ngắm mặt trời lên từ những rạng mây ửng đỏ phía chân trời rồi đến những tia nắng non nớt đầu tiên lóe lên trên mặt biển. Mọi người thích thú chụp ảnh, ghi nhận khoảnh khắc đẹp của ngày mới, cái đẹp tinh khôi của bình minh trên hòn đảo hoang sơ.

Chia tay Hòn Đầm, chúng tôi quay về đất liền thăm Hà Tiên thập cảnh. Trong chập chùng biển đảo, tôi chợt nghĩ đến một vùng du lịch mênh mông còn đang say ngủ. Ở đây đâu chỉ có Phú Quốc, Hà Tiên, mà còn có quần đảo Bà Lụa, quần đảo Nam Du… Ở đây không chỉ có thiên nhiên hoang sơ mà còn có những câu chuyện người đi mở cõi và giữ đất. Nếu có phương thức khai thác phù hợp, biển phương Nam không chỉ là vùng biển của cá tôm mà còn là một vùng du lịch. Không nhất thiết là phải mời gọi những nhà đầu tư, những resort sang trọng, mà chỉ cần hỗ trợ những ngư dân địa phương có điều kiện tự làm để khai thác du lịch mà vẫn bảo vệ được môi trường thiên nhiên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối