THÙY DUNG -
Đùi gà nhập khẩu từ Mỹ được bán ra thị trường với giá thấp hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng loại trong nước đang khiến các doanh nghiệp chăn nuôi khốn đốn. Trong một cuộc họp mới đây, một số doanh nghiệp lên tiếng rằng nếu không có những hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, thì có nguy cơ phải đóng cửa hàng loạt trang trại gà.
Lợi thế nghiêng về “đội gà khách”
Tại Hà Nội, theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị, không chỉ các siêu thị mà các khu chợ dân sinh cũng bày bán khá nhiều thịt gà nhập khẩu giá rẻ hơn thịt gà trong nước. Ở chợ Hoa Đỏ (Hà Đông), chị Hạnh, chủ một quầy bán cánh và đùi gà, cho hay giá một ký đùi gà khoảng 25.000 đồng. “Tôi lấy buôn đùi gà từ thương lái nên cũng không biết xuất xứ từ đâu, nhưng loại gà này bán rất chạy, đặc biệt là cho các công nhân sinh sống quanh đây”, chị Hạnh nói.
Theo các doanh nghiệp ngành chăn nuôi, thịt gà giá rẻ cũng được bày bán khá nhiều ở phía Nam như tại tỉnh Đồng Nai hay TPHCM. Trong hội nghị bàn về giải pháp phát triển chăn nuôi gà bền vững vừa diễn ra ở Hà Nội, ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Nai, nói gà nhập từ Mỹ với giá rẻ đang được chất đầy trong các kho lạnh và được bán nhan nhản, đặc biệt là gần các khu công nghiệp, khiến các doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn tỉnh không thể cạnh tranh nổi.
Gà lông trắng là một trong những mặt hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh Đồng Nai với 170 trang trại gà và bốn trang trại vịt của doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ông Báu cho hay, gần một năm nay, đa phần các công ty này đều làm ăn thua lỗ vì giá gà giảm thê thảm, hàng ứ đọng không bán được.
Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có quy trình sản xuất hiện đại nhưng cũng đang phải bán lỗ 5.000-6.000 đồng/kg thịt gà. Họ chấp nhận bán lỗ mà cũng không ai mua. “Nếu tình hình này kéo dài chắc các doanh nghiệp không thể sống nổi”, ông Báu than.
Ông Lê Thanh Phương, phụ trách chăn nuôi gia cầm của Công ty TNHH Chăn nuôi Emivest Việt Nam, một trong những doanh nghiệp FDI nuôi gà công nghiệp lớn ở miền Nam, nói rằng nếu xét về kỹ thuật chăn nuôi gà lông trắng thì Emivest không thua kém gì các doanh nghiệp tiên tiến trên thế giới. Ông Phương lấy ví dụ, Thái Lan mất 1,2 đô la Mỹ để sản xuất 1 kg, tương đương khoảng 26.400 đồng. Với mức giá này thì Emivest hoàn toàn có thể sản xuất được. “Tuy nhiên, thời gian qua, đùi gà nhập khẩu bán dưới 20.000 đồng/kg thì công ty hoàn toàn không thể giải thích nổi”, ông Phương nói.
Ông Phương cho hay, hơn 11 tháng qua, không tháng nào mà Emivest không lỗ. Tuy nhiên, công ty vẫn cố gắng cầm cự vì đã đầu tư quá lớn vào chuỗi sản xuất gà. Hơn nữa, nếu nghỉ thì kéo theo rất nhiều các trang trại chăn nuôi gia công cũng như những doanh nghiệp trong nước đang làm ăn với Emivest bị mất việc. “Chúng tôi đang mong mỏi sự vào cuộc của cơ quan nhà nước để làm rõ vấn đề ở đây là gì. Còn nếu tình trạng này không được cải thiện chắc chúng tôi phải đóng cửa”, ông Phương đề nghị.
Lập hàng rào chắn
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm, nói ông vừa có buổi gặp với Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm của Mỹ. Hiệp hội phía Mỹ cho rằng ngành chăn nuôi của họ một năm trở lại đây gặp nhiều khó khăn, đồng thời còn phải hứng chịu dịch cúm gia cầm xảy ra tại 13/50 bang khiến cho trên 30 quốc gia đồng loạt ngừng nhập khẩu gà từ Mỹ. “Điều này lý giải tại sao giá gà Mỹ nhập về Việt nam chỉ 0,9 đô la/kg trong khi các nước khác là
1,8-2 đô la/kg”, ông Sơn nói.
Tuy nhiên, tại sao Thái Lan ở ngay cạnh Việt Nam nhưng ngành chăn nuôi gà của họ lại không bị khủng hoảng như vậy? Nhiều chuyên gia cho rằng, nó nằm ở những yếu kém “toàn diện” của ngành chăn nuôi gà bấy lâu nay.
Theo các chuyên gia, giai đoạn 2003-2012, ngành chăn nuôi gà ở Việt Nam phát triển “quá nóng”, đạt mức tăng trưởng bình quân 9,3%/năm trong khi bình quân thế giới chỉ 3,7%. Song, sự tăng trưởng này chủ yếu diễn ra theo chiều rộng mà không chú trọng tới chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cho hay, năm 2010, bình quân thế giới chỉ mất 37-41 ngày để nuôi được con gà nặng 2,2 kg nhưng ở Việt Nam mất tới 49 ngày tại các trang trại lớn, và đối với hộ nông dân nhỏ lẻ thì thời gian còn dài hơn. Dự báo, đến năm 2020, thời gian nuôi một con gà 2,2 kg bình quân trên thế giới giảm còn 31 ngày. “Rõ ràng chúng ta vẫn rất tụt hậu khiến giá thành cao gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi so với thế giới”, ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, hầu hết các yếu tố đầu vào đều phải nhập khẩu, từ giống, thức ăn chăn nuôi đến thuốc thú y. Ông Sơn dẫn chứng, Việt Nam nhập khẩu 100% giống gà lông trắng, 100% giống gà đẻ trứng chất lượng, 40% giống gà lông màu, đa phần thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu. Ngay cả thuốc thú y, mặc dù trong nước sản xuất được, nhưng nông dân và doanh nghiệp vẫn muốn xài hàng ngoại vì rẻ và chất lượng hơn. Ông Sơn cũng cho rằng thời gian qua chăn nuôi gia cầm chủ yếu tăng về số lượng, hướng tới tiêu thụ nội địa, kể cả các doanh nghiệp FDI lớn trong ngành cũng không ai đặt bài toán xuất khẩu. “Với một ngành sản xuất có nhiều đặc điểm khó khăn như vậy thì rủi ro là tất yếu”, ông nhận xét.
Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, ngành chăn nuôi cần có hàng rào kỹ thuật để chặn gà nhập khẩu như công nghệ bảo quản lạnh như thế nào; thời gian bảo quản và hạn sử dụng ra sao… Song để áp dụng hàng rào kỹ thuật đối với các nước tiên tiến cũng không dễ dàng. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ cho doanh nghiệp chăn nuôi trong nước xuất khẩu ức gà sang các nước có thói quen ăn bộ phận này.
Về dài hạn, cần chuyển từ tăng trưởng quá nóng như hiện nay sang tăng trưởng bền vững, không phát triển ồ ạt, chỉ duy trì như hiện nay thậm chí giảm xuống; tập trung các giải pháp về giống, vùng chăn nuôi an toàn để hướng tới xuất khẩu một số sản phẩm thế mạnh…