(SGTT) – “Xây dựng cơ sở dữ liệu và tiêu chí thực hành du lịch Net Zero” là chủ đề của hội thảo chiều nay, 5-9 trong bên lề Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM 2024 (ITE 2024) do Tạp chí Du lịch TPHCM và ITE 2024 tổ chức. Mục tiêu của hội thảo là đóng góp ý kiến, góp phần tìm ra hướng đi cho ngành du lịch của thành phố - đơn vị dẫn đầu cả nước về tỷ lệ du khách, doanh thu và đóng góp cho ngành du lịch Việt Nam.
Du lịch Net Zero hiện ở Việt Nam không còn là xu hướng, mà đã trở thành một chiến lược của nhiều doanh nghiệp để phát triển xanh, an toàn và bền vững, giảm thải ra môi trường sinh thái và giảm phát thải khí nhà kính.
Việt Nam đã cam kết sẽ đưa lượng khí thải nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050 trong hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021. Theo đó, trong thời gian qua Chính phủ có hàng loạt đề án và kế hoạch hành động như quy định thực hiện kiểm kê khí nhà kính (KNK) bắt buộc với các doanh nghiệp có khí thải lớn; kế hoạch phát triển thị trường tín chỉ carbon; cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030; không xây nhà máy điện than mới sau 2030... Tất cả đều thể hiện quyết tâm cao độ của Việt Nam trong hành trình giảm lượng khí thải nhà kính về Net Zero vào năm 2050.
Theo nghiên cứu, lượng khí thải carbon trong du lịch dự báo có thể đạt 6,5 tỉ tấn vào năm 2025, chiếm khoảng 13% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Tại Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu ngành du lịch đạt 436 ngàn tỉ đồng, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Nhưng hoạt động du lịch thời gian qua đã vượt qua khả năng đáp ứng của tài nguyên thiên nhiên và môi trường, gây tình trạng ô nhiễm cục bộ và suy thoái môi trường.
Nhiều doanh nghiệp tại tọa đàm cho biết, thực hành du lịch Net Zero còn trở thành tiêu chí quan trọng của một công dân toàn cầu thời đại mới, nhất là du khách quốc tế. Nhiều du khách quốc tế đã có yêu cầu sử dụng dịch vụ Net Zero trong các kỳ nghỉ để lấy chứng chỉ giảm thải carbon trong những chuyến công tác hoặc du lịch để được giảm thuế khi về nước. Vì vậy, du lịch Việt Nam không thể nằm ngoài tiến trình tiến tới Net Zero trong cam kết chung của Chính phủ. Một số khách sạn quốc tế tại Việt Nam đã triển khai các phòng lưu trú tiêu chuẩn Net Zero để phục vụ đối tượng du khách quốc tế có nhu cầu.
Cuối tháng 8-2024, Quảng Nam lần đầu tiên thông qua bộ tiêu chí chung cho Thực hành Du lịch Net Zero tại địa phương. Các đơn vị cấp huyện như huyện Cô Tô ở Quảng Ninh, huyện Côn Đảo ở Bà Rịa - Vũng Tàu cũng từng bước nghiên cứu áp dụng thực hành du lịch xanh, du lịch Net Zero thí điểm. Nhưng ngay cả khi có bộ tiêu chí, việc áp dụng thực hành du lịch giảm thải carbon trong thực tiễn của các đơn vị lưu trú, lữ hành, các địa phương phải đối diện với muôn vàn khó khăn về hành lang pháp lý, cơ chế, chi phí đầu tư, kinh phí duy trì hoạt động.
Ông Nguyễn Mạnh Bình San - chủ khu du lịch Làng Nhỏ ở Khánh Hoà - đơn vị điển hình đang từng bước triển khai thực hành du lịch Net Zero chia sẻ về câu chuyện sử dụng năng lượng điện mặt trời và xây dựng quy trình sử dụng nước vòng tròn tại khu nghỉ 165 ha tại Khánh Hoà. Hay Ông Phan Xuân Anh hiện đang điều hành khu nghỉ dưỡng ở Tiền Giang, du lịch thuyền trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè ở TPHCM và khách quốc tế đi tàu biển, kể lại những mẫu chuyện nhỏ trong hành trình giảm rác thải, giảm phát thải khí nhà kính của mình.
Phần lớn các diễn giả là chuyên gia du lịch, chuyên gia môi trường hay doanh nghiệp du lịch đều cho rằng, du lịch Net Zero rất cần xây dựng cơ sở dữ liệu và ban hành các tiêu chí và các tiêu chí này nên bắt đầu những hành động nhỏ, diễn ra hàng ngày hàng giờ ở các khu lưu trú, các tour tuyến và du khách. Đó là ứng dụng vào thực tiễn những hành động xanh, tiết kiệm cho tài nguyên và ít tác động vào môi trường sinh thái, ít xả thải, ít phát thải. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông đến du khách, thay đổi nhận thức của du khách về du lịch Net Zero.