(SGTT) - Cù Lao Chàm là địa điểm tham quan có những thắng cảnh đẹp, món ăn ngon thuộc TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Trong đó, những món ăn từ cua đá nơi đây luôn tạo nên sự tò mò, háo hức thưởng thức cho các du khách phương xa và cả người bản địa.
- Bản đồ ẩm thực: Bún Xiêm Lo - độc đáo nét ẩm thực Long An
- Bản đồ ẩm thực: Về Hải Phòng nhớ thưởng thức món quà vặt đường phố gây nhớ nhung
- Bản đồ ẩm thực: Độc đáo thịt trâu gác bếp ở Sơn La
Ai từng đến xứ đảo Cù Lao cũng mong muốn được nếm thử đặc sản cua đá nức tiếng gần xa. So với các loại hải sản thông thường, loài cua này khi thưởng thức cảm nhận rõ vị ngọt thanh của thịt, không bị tanh. Ngoài Cù Lao Chàm, cua đá còn có thể bắt gặp ở một số đảo khác như Lý Sơn (Quảng Ngãi) hay Cồn Cỏ (Quảng Trị). Thế nhưng, nổi bật hơn cả vẫn là cua đá ở Quảng Nam.
Cái tên cua đá ra đời cũng là do tập tính cư trú. Cua đá sinh sống chủ yếu trong các ngách đá, hang đào trên rừng nhưng đến mùa sinh đẻ, con cái di cư ra vùng ven biển đẻ trứng ở vùng nước triều. Điểm làm nên hương vị đặc trưng của cua đá Cù Lao Chàm nằm ở thức ăn của chúng. Do cua đá ăn các loại cây cỏ, lá thuốc nên thịt cua thơm nồng mùi thảo dược và chứa chất dinh dưỡng.
Cua đá có thân hình to bằng nắm tay, mai và các chi màu nâu tím, phần bụng dưới màu vàng ươm và chuyển sang màu đỏ gạch bắt mắt khi chế biến. Đặc biệt, chúng có tốc độ di chuyển nhanh nhờ cặp càng to, khỏe và các chi rất linh hoạt. Theo những ngư dân Cù Lao Chàm, hòn Lao là nơi cua đá tập trung nhiều nhất, thời điểm săn bắt từ 22:00 đến 3:00 mỗi ngày vì đây là thời điểm hoạt động, kiếm ăn của chúng.
Trước đây, khắp mọi nơi tại Cù Lao Chàm đều dễ dàng tìm thấy cua đá. Tuy nhiên, du lịch phát triển kéo theo nhu cầu đánh bắt ngày càng cao, số lượng cua đá đã suy giảm nghiêm trọng, thậm chí phải đưa vào danh sách bảo tồn của Việt Nam. Vì vậy, chính quyền địa phương và người dân đảo đã triển khai mô hình bảo vệ và khai thác bền vững cua đá Cù Lao Chàm bằng cách dán tem sinh thái cho cua.
Ngoài mục đích quy định về kích thước, số lượng cua đá được phép đánh bắt, tem sinh thái còn đảm bảo cho sự phát triển của loài cua này. Do đó, giá cua đá được niêm yết và khá đắt đỏ, khoảng 250.000 đồng/con.
Những con cua đá đạt chuẩn, được phép khai thác (mai cua phải đạt từ 7cm, nặng khoảng 200g) được chế biến theo nhiều cách như hấp, nướng, rang... để tạo thành các món ngon hấp dẫn. Ngoài ra, thịt cua chứa hàm lượng canxi và vitamin E cao, tốt cho sức khỏe càng tăng giá trị của cua đá lên một bậc.
Vừa thưởng thức đặc sản cua đá, vừa ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên thơ mộng là điều không thể bỏ lỡ mỗi khi có dịp đến với hòn ngọc xanh của xứ Quảng. Cách chế biến đơn giản nhưng chất lượng thịt, gạch cũng như hương vị thảo mộc đặc trưng của cua đá cũng đủ khiến bao thực khách nhớ mãi không quên khi nếm thử.
Bản đồ ẩm thực Việt Nam là chuyên mục mà Sài Gòn Tiếp Thị mong muốn truyền tải đến những du khách trong và ngoài nước các món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực vùng miền do đầu bếp và người sành ăn địa phương giới thiệu. Thông qua đó, mọi người vừa thăm thú danh lam thắng cảnh vừa thưởng thức những món ăn ngon, khó quên. Mọi hình ảnh món ăn đặc trưng của các địa phương do bạn sở hữu có thể gửi về cộng tác với Sài Gòn Tiếp Thị tại địa chỉ e-mail: ducduy@thesaigontimes.vn
Quỳnh Hân – Huỳnh Diễm