(SGTT) - Nếu nhìn kỹ miếng kẹo Cu Đơ sản xuất tại Hà Tĩnh thì nhà sản xuất bánh kẹo nào cũng có thể “à” lên một tiếng: “Sản xuất như thế ai chả làm được?”. Thế nhưng, đằng sau suy nghĩ tưởng chừng đơn giản ấy lại là câu chuyện về việc tạo dựng một thương hiệu bánh kẹo của người Hà Tĩnh.
- Bản đồ ẩm thực: Lạ miệng món lẩu “hơi thở của biển”
- Bản đồ ẩm thực: Ôm trọn Hà thành qua món quà vặt Hồ Tây
- Bản đồ ẩm thực: Thổi hồn thơ ca món nem hơn 60 năm tuổi
Trong quá trình hay dừng chân ở Hà Tĩnh để mua kẹo Cu Đơ, người viết đã cố công tìm hiểu về cái tên giống như tiếng Pháp. Chuyện được người Hà Tĩnh lớn bé phần nhiều đều biết là do ngày cưới của con trai ở một gia đình thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh không có gì để đãi cho hàng xóm, láng giềng. Trong khi trong nhà chỉ có hai thứ là mật đường mía và đậu phộng sống vừa thu hoạch.
Thế là, người cha nghĩ ra món kẹo đậu phộng bằng cách rang đậu trộn mật bỏ lên trên bánh tráng nướng. Ai ngờ, món bánh này được mọi người đón nhận và người cha làm ra nhiều hơn để đem bán. Mọi người yêu quý đặt cho tên là kẹo Cu Hai (lấy tên cậu con trai của người cha). Sau này khi người Pháp có mặt ở Việt Nam, họ đọc quen thành kẹo Cu Đơ (deux tiếng Pháp là hai).
Theo đó, kẹo Cu Đơ gồm hai chiếc tráng nhỏ nướng úp lên nhau, ở giữa là đậu phộng nguyên hạt giòn rụm được bao bọc bởi lớp mật đường. Những ai từng thưởng thức qua món kẹo này ắt hẳn sẽ có chung cảm giác về sự hòa quyện giữa độ giòn của bánh tráng, đậu phộng và vị bùi, ngọt của mật đường. Ở Hà Tĩnh cũng có nhiều nơi bán kẹo Cu Đơ, nhưng dọc con đường Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh) thì hàng quán bán mòn quà vặt này lại nhiều hơn.
Hay có lần, người viết vẫn ghé Hà Tĩnh nhưng xe chỉ dừng lại ở Ngã Ba Đồng Lộc rồi tiếp tục đi theo đường Trường Sơn, cô bán nước gần khu di tích chỉ có 20 gói kẹo Cu Đơ bán cho khách trong nháy mắt, nhiều người mua không được cứ tiếc hùi hụi.
Thật ra, kỹ thuật làm cho kẹo Cu Đơ để được lâu, mật mía mềm, đậu giòn là đã có thêm hương liệu như gừng, chanh chẳng hạn. Nhưng muốn ăn Cu Đơ thì chỉ có ở Hà Tĩnh, Cu Đơ chẳng trở thành hàng hóa đại trà bán khắp các địa phương khác như mứt Đà Lạt, bánh đậu xanh Hải Dương hay mè xửng Huế chẳng hạn. Sự phổ biến không sâu rộng có cái bất lợi là hàng hóa không tiêu thụ nhiều, nhưng cái lợi khác chính là giữ vững được thương hiệu của mình, tập cho khách có thói quen khi đến Hà Tĩnh nên mua kẹo Cu Đơ.
Ngoài ra, những nơi sản xuất kẹo Cu Đơ ở Hà Tĩnh đều rất tuân thủ việc sản xuất để bảo vệ loại đặc sản danh tiếng của mình, cho nên dọc đường Nam Bắc, dừng chân tới Hà Tĩnh, cứ ghé một nơi nào đó, ăn thử miếng kẹo, uống ly trà xanh nóng rồi mua vài gói kẹo Cu Đơ mang về làm quà thì thật thi vị biết bao.
Bản đồ ẩm thực Việt Nam là chuyên mục mà Sài Gòn Tiếp Thị mong muốn truyền tải đến những du khách trong và ngoài nước các món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực vùng miền do đầu bếp và người sành ăn địa phương giới thiệu. Thông qua đó, mọi người vừa thăm thú danh lam thắng cảnh vừa thưởng thức những món ăn ngon, khó quên. Mọi hình ảnh món ăn đặc trưng của các địa phương do bạn sở hữu có thể gửi về cộng tác với Sài Gòn Tiếp Thị tại địa chỉ e-mail: ducduy@thesaigontimes.vn
Khuê Việt Trường