(SGTT) – Trong văn hóa ẩm thực của người dân Khmer, bánh ống luôn luôn được nhắc đến bởi vị ngọt thanh, hòa quyện của bột gạo, lá dứa, nước đường và cốt dừa, thưởng thức qua rồi khó thể nào quên.
- Khám phá bản đồ ẩm thực Việt Nam với Sài Gòn Tiếp Thị
- Bản đồ ẩm thực: Đắm say vị biển với bánh canh lòng cá
Tuy không phổ biến bằng các loại bánh khác của người miền Tây như bánh bò, bánh tét, bánh ít hay bánh khoai mì nhưng bánh ống vẫn luôn tồn tại trong đời sống ẩm thực của người Sóc Trăng nói riêng và người miền Tây nói chung. Do có vị thanh ngọt nên bánh phù hợp cho bữa ăn sáng gọn gàng hay buổi xế chiều nhẹ bụng.
Cách tạo ra bánh ống cũng phần nào giống như tên gọi của nó. Theo đó, người thợ nấu sẽ dùng một khuôn bánh có hình ống trụ dài khoảng 15-20cm; ở giữa khuôn có một que tre với một đầu que gắn miếng thiếc hình tròn làm đáy khuôn. Thông thường cứ một nồi đất là sẽ để được 3-4 khuôn bánh để phục vụ khi đông khách.
Có dịp trò chuyện cùng một người bán món bánh này lâu năm mới hay, để bánh ống thơm ngon đặc biệt thì mỗi người bán lại có một tỷ lệ pha trộn hai loại gạo khác nhau. Thông thường là gạo tài nguyên chợ Đào (cũ) và gạo thơm được ngâm trong nước nhiều giờ liền. Sau đó, vớt gạo, vo sạch và ngâm cùng nước lá dứa để mùi thơm của lá thấm vào hạt gạo. Tiếp đến, đem gạo xay thành bột, để ráo nước rồi dùng rây cho mịn bột lại.
Khi có khách mua, người bán sẽ cho bột vào khuôn (nồi đất chứa khuôn luôn nóng bởi nước trong nồi được nấu sôi liên tục). Sau khoảng 5 phút khi bánh chín thì kéo nhẹ chiếc que để lấy bánh ra. Thông thường người bán dùng lá chuối lót bánh, rắc thêm ít muối mè, xác dừa nạo là đã có thành phẩm bánh ống thơm ngon, hấp dẫn.
Trải nghiệm thực tế của người viết thì bánh có màu xanh dịu mắt của lá dứa; độ xốp mềm vừa phải dễ ăn. Về hương vị thì khó thể nào “trừ điểm” được bởi sự hòa quyện giữa các tầng hương vị ngọt thanh của lá dứa, bột gạo, muối mè và xác dừa nạo.
Ngày nay, bánh ống không chỉ được bán tại Sóc Trăng mà nó còn vươn mình đến các tỉnh miền Tây và tại TPHCM, mọi người cũng đôi lần bắt gặp những quang gánh bán món bánh này tại các góc đường. Nếu có dịp, mọi người nên thưởng thức bánh ống, qua đó sẽ cảm nhận được tinh thần văn hóa ẩm thực của người dân Khmer.
Bản đồ ẩm thực Việt Nam là chuyên mục mà Sài Gòn Tiếp Thị mong muốn truyền tải đến những du khách trong và ngoài nước các món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực vùng miền do đầu bếp và những người sành ăn địa phương giới thiệu. Thông qua đó, mọi người vừa thăm thú danh lam thắng cảnh vừa thưởng thức những món ăn ngon, khó quên. Mọi hình ảnh món ăn đặc trưng của các địa phương do bạn sở hữu có thể gửi về cộng tác với Sài Gòn Tiếp Thị tại địa chỉ e-mail: ducduy@thesaigontimes.vn
Phúc An – Quân Gk