Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

Bản đồ ẩm thực: Mộc mạc bánh căn Nha Trang

(SGTT) - Bánh căn quen thuộc như thế, chỉ là bột “nướng” trong các khuôn đúc bằng đất, mà sức hấp dẫn của nó lại không thể chối từ. Đến Nha Trang, bạn đã thưởng thức bánh căn chưa?

Trong nhịp sống tấp nập của phố thị với biết bao nhiêu loại thức ăn, hàng ăn đa dạng, bánh căn là loại bánh đôi khi lạc lõng ở một mái hiên nhà, ở dưới góc cây cổ thụ hay đôi khi nằm lọt thỏm ở một góc chợ. Không ai chú ý đến loại bánh chế biến bằng cách "nướng" như thế, mà vẫn gọi đùa là loại bánh nhà nghèo, bánh nhà quê.

Vậy mà cho đến nay, loại bánh nhà nghèo, bánh nhà quê ấy ở Nha Trang đã trở thành một loại thức ăn được ưa chuộng và được giới thiệu như một thành phần ẩm thực Việt trong các buổi tiệc buffet ở các khách sạn 3,4 sao hay trong các không gian ẩm thực rất riêng.

Cách đây chừng 5-7 năm, muốn ăn bánh căn vào sáng sớm, nhất là lúc tiết trời se lạnh hay đang trong cơn mưa sáng sớm, thực khách phải phóng xe đi dọc theo các con đường làng ở thị trấn Diên Khánh (Khánh Hòa). Những hàng bánh căn thường là hình ảnh một người phụ nữ ngồi canh chiếc lò đất đang đỏ lửa than, cách ngồi của người bán là ngồi trên chiếc “đòn” (chiếc ghế nhỏ có chân cao chừng 10cm bằng gỗ hoặc nhựa).

Bột để trong một chiếc nồi nhôm hay xô nhựa, cứ thế đổ bột vào khuôn mà đúc. Khách ngồi lấy sẵn mắm nước hoặc mắm nêm pha, bỏ vào trong đó thêm ít, đợi chiếc bánh còn nóng hổi vừa vớt ra, bỏ ngập trong chén nước mắm, ăn nóng như thế.

Chiếc bánh căn Nha Trang hoàn toàn khác với nhiều nơi khác, do ẩm thực vùng miền tạo ra. Đó là bột được làm bằng cách ngâm gạo với cơm nguội, xay ra. Bột bánh căn nhờ có thêm cơm nguội mà chiếc bánh khi chín trong khuôn đất nở phồng lên, giòn xốp. Nếu ở Phan Thiết trứng vịt luộc ra ăn kèm thì ở Nha Trang, trứng vịt được đập ra, đánh lên rồi đổ vào chiếc bánh đã nướng chín. Khi đó trứng sẽ phồng lên cùng chiếc bánh.

Sự hấp dẫn khi ăn bánh căn còn là những lát xoài xanh băm sợi trộn vào trong chén mắm, hoặc ăn thêm cá thu, cá chù, cá bò kho lợ (kho nhiều nước với ít muối). Bánh căn là món ăn không quá đắt đỏ, ngồi ăn no nê, ngon miệng chỉ mất chừng chục ngàn đồng.

Dạo này khách du lịch khi đến Nha Trang bỗng thích ăn bánh căn, người dân địa phương cũng thích ăn bánh căn vào buổi sáng thay vì ăn phở, ăn bún. Thêm những quán bánh căn “du lịch” bỏ vào chiếc bánh miếng mực, con tôm, thịt bò… nhưng đó là một cách ăn phá cách, không được người địa phương ưa chuộng. Ngày xưa bánh căn đổ với trứng vịt, nay các hàng bánh căn tiết kiệm nên đổ với trứng gà hặc trứng cút tùy theo sở thích của khách.

Khi cuộc sống đã có quá đầy đủ thì món ăn ngon đôi khi chỉ là ngồi bên bếp lửa than đang reo, đợi từng chiếc bánh bột nướng vừa chín tới, bỏ vào chén mắm, hưởng cái ngon của chiếc bánh với lớp vỏ giòn rụm, vị chua của xoài non, vị cay của ớt. Qua đó, như cảm thấy món ăn chỉ là bột nướng mà sao ngon lạ kỳ. Từ nhu cầu có thật đó, giờ đây khắp đường phố Nha Trang các hàng bánh căn đã trở thành một món ăn phổ biến.

Điểm đặc biệt là hàng bánh căn dẫu đang được phục hồi, nhưng cách bán buôn truyền thống vẫn là người phụ nữ ngồi trên chiếc đòn ngồi, bếp lò rực lửa, khách ngồi trên những chiếc ghế nhỏ bao quanh đợi bánh. Ăn bánh căn không ai thúc giục, không có cảnh ai tới trước ăn trước, mà bánh đúc ra cứ chia đều cho thực khách.

Người viết bắt gặp hình ảnh bà bán bánh căn trên đường Lê Hồng Phong quạt lửa từ khi trời chưa sáng, bà bắt đầu ngày bán hàng của mình với sự kiên trì của khách khi xe cộ trên phố bắt đầu rộn ràng. Hay trên đường Võ Trứ, Vân Đồn, Trần Nguyên Hãn, ngay Chợ Đầm, Nguyễn Thiện Thuật và nhiều con đường khác đang đem bánh căn trở thành món ăn độc đáo ở thành phố biển Nha Trang.

Bản đồ ẩm thực Việt Nam là chuyên mục mà Sài Gòn Tiếp Thị mong muốn truyền tải đến những du khách trong và ngoài nước các món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực vùng miền do đầu bếp và người sành ăn địa phương giới thiệu. Thông qua đó, mọi người vừa thăm thú danh lam thắng cảnh vừa thưởng thức những món ăn ngon, khó quên. Mọi hình ảnh món ăn đặc trưng của các địa phương do bạn sở hữu có thể gửi về cộng tác với Sài Gòn Tiếp Thị tại địa chỉ e-mail: ducduy@thesaigontimes.vn

Khuê Việt Trường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối