Thứ ba, Tháng Một 28, 2025

Bản đồ ẩm thực: Nhất vị đắm say hủ tiếu Sa Đéc nổi tiếng Nam kỳ lục tỉnh

(SGTT) – Tại Sa Đéc có một làng nghề truyền thống hơn 100 năm tuổi chuyên làm bột, sợi hủ tiếu và phở. Theo dòng chảy thời gian, sợi hủ tiếu nơi đây dần trở nên phổ biến và là chất xúc tác để tạo nên món hủ tiếu Sa Đéc, một trong ba món hủ tiếu nổi tiếng của xứ Nam kỳ lục tỉnh thời Pháp thuộc.

Khác với hai người anh em là hủ tiếu Nam Vang và hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Sa Đéc với sợi bánh phải được làm từ loại bột của làng nghề tại Sa Đéc mới là đúng vị. Theo đó, sợi hủ tiếu nơi đây lớn hơn hủ tiếu Nam Vang, mềm nhưng không bị bở.

Ẩn sâu trong từng sợi phở trắng tinh là mùi thơm đặc trưng của gạo mới. Thế nên, không quá khó hiểu vì sao thực khách sành ăn chỉ cần thưởng thức qua sợi bánh là biết có phải sợi hủ tiếu Sa Đéc hay không?

Nếu trước đây, làng nghề làm bột Sa Đéc tập trung ở xã Tân Phú Đông thì hiện nay nó đã mở rộng ra Tân Quy Đông, Tân Quy Tây, phường 2 và 3 của TP Sa Đéc để phục vụ nhu cầu thưởng thức sợi hủ tiếu chuẩn vị của không chỉ người dân trong nước mà còn mang đi xuất khẩu sang nước ngoài.

Để giữ đúng tinh thần món ăn, các tiệm ăn bán hủ tiếu Sa Đéc chỉ sử dụng bánh tươi đặt mối cung cấp với số lượng nhất định mỗi ngày chứ không để qua đêm. Thật vậy, theo báo Người Lao Động, trước năm 1975, có người nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng là bà Năm Sa Đéc, quê gốc như cái tên, mở quán bán hủ tiếu Sa Đéc và lúc nào cũng đông khách bởi bánh hủ tiếu của bà phải được lấy từ làng bột Tân Phú Đông do cánh xe đò Sa Đéc - Sài Gòn chuyển đến.

Về nước lèo, chỉ đơn giản là hầm từ xương ống heo, nhưng thợ nấu phải có kinh nghiệm để canh chừng độ lửa cũng như hớt bọt sao cho thành phẩm nước lèo phải thật trong, hương thơm đậm đà. Nói thì dễ, chứ đó còn là bí quyết để các hàng quán hủ tiếu Sa Đéc giữ chân thực khách của mình.

Bên cạnh đó, một tô hủ tiếu Sa Đéc còn có một số thành phần khác như thịt nạc băm, thịt nạc xắt miếng, tôm cùng ít lòng heo gồm tim, gan, cật, phèo… Điểm xuyết sắc màu thêm cho món ăn là màu xanh mát mắt từ hành lá, ngò rí, hẹ, cần tây và xà lách. Cuối cùng, chỉ việc pha chén nước chấm từ nước tương, ớt xay nhuyễn và tỏi xắt lát ngâm giấm là thưởng thức ngay thôi.

Ngoài phiên bản nước, hủ tiếu Sa Đéc còn có phiên bản khô với phần nước sốt trộn cùng khá đặc biệt. Dùng đũa trộn đều nước sốt để sợi bánh và thịt thà thấm đều rồi gắp vài đũa cùng húp xì xụp chén nước lèo là đã tròn vị cho một bữa ăn sáng, bữa trưa hay là buổi xế chiều.

Trong chuyến hành trình rong ruổi miền Tây, có dịp ghé qua TP Sa Đéc, bạn nhất định phải thử qua món ăn này. Có thế, chuyến du lịch kết hợp trải nghiệm ẩm thực vùng miền sẽ trở nên ý nghĩa hơn.

Bản đồ ẩm thực Việt Nam là chuyên mục mà Sài Gòn Tiếp Thị mong muốn truyền tải đến những du khách trong và ngoài nước các món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực vùng miền do đầu bếp và người sành ăn địa phương giới thiệu. Thông qua đó, mọi người vừa thăm thú danh lam thắng cảnh vừa thưởng thức những món ăn ngon, khó quên. Mọi hình ảnh món ăn đặc trưng của các địa phương do bạn sở hữu có thể gửi về cộng tác với Sài Gòn Tiếp Thị tại địa chỉ e-mail: ducduy@thesaigontimes.vn

Phúc An - Phùng My

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối