(SGTT) - Ở vùng đất ven đầm phá Tam Giang, Thừa Thiên Huế có một loài cây được cư dân trồng rất nhiều và ngày nay trở thành đặc sản, đó là cây môn sen. Môn sen không những là loài cây chủ lực mang đến giá trị lớn về kinh tế cho cư dân nơi đây mà còn níu chân du khách gần xa nhờ chế biến các món ăn đậm đà hương vị miền “đầm phá” xứ Huế thơm ngon.
- Bản đồ ẩm thực: Đặc sản chè đắng nổi tiếng Cao Bằng
- Bản đồ ẩm thực: Ghé Nam Định, nhớ bánh nhãn Hải Hậu nổi tiếng gần xa
- Bản đồ ẩm thực: Ngọt ngào tô bún cá Kiên Giang khiến “vạn người mê”
Các bậc cao niên nơi đây cho hay, cây môn sen được trồng trên vùng đất này sau khi được chế biến thì rất thơm ngon lại không hề ngứa như thuộc tính của loài môn. Chính vì thế, nó được cư dân Huế và du khách ưa chuộng. Qua bàn tay khéo léo của những người nội trợ xứ Huế, cây và củ môn sen được chế biến thành nhiều món ăn ngon và có giá trị dinh dưỡng như: dưa chua môn sen, cháo môn sen… nhưng bùi thơm và thông dụng nhất vẫn là món bẹ (cọng) môn sen hay củ môn sen xào hay nấu canh với tôm, tép tươi sống ở đầm phá Tam Giang.
Nét đặc trưng của các món ăn nấu từ môn sen như xào, nấu canh… khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm ngan ngát như hạt sen khi nấu chín, vị ngọt mát cùng cảm giác giòn sần sật của bẹ môn, củ môn sen với nguyên liệu như thịt cá, tôm tép. Tất cả hòa quyện sẽ mang đến cho bạn một trải nghiệm thú vị (một lần thưởng thức là nhớ mãi không quên). Bởi thế theo các cụ cao niên sống ở vùng đất này thì ngày xưa, cây môn sen này đã từng được tiến Vua, dùng chế biến các món ăn trong cung đình triều nhà Nguyễn.
Môn sen là loại cây thuộc họ khoai môn, thân thảo, chứa nhiều chất dinh dưỡng ở cả phần thân và củ. Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì khoai môn có chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, lipid, chất xơ cùng rất nhiều khoáng chất. Đặc biệt rất giàu kali và các loại Vitamin hơn cả rau xanh và trái cây, giúp cơ thể chống lại các chất gây lão hóa, làm gia tăng thị lực và tăng sức đề kháng.
Môn sen được trồng ở vùng đất ven phá Tam Giang có bẹ màu tím than. Hình thức của môn sen rất giống với loại môn tím (một loại môn chỉ dùng ăn củ còn lá làm thức ăn cho heo, bởi rất ngứa). Các lão nông trồng môn sen ở đây còn cho biết thêm một điều thú vị nữa đó là: Cũng là giống môn sen lấy từ vùng đất này nhưng nếu trồng ở những vùng đất không thuộc đất ven phá Tam Giang thì lại không thể dùng làm thức ăn cho người vì rất ngứa và không có vị dẻo thơm như hạt sen. Cũng chính vì nét đặc biệt này mà cây môn sen bên bờ phá Tam Giang đã thành cây đặc sản.
Môn sen được thu hoạch quanh năm và được bán ở hầu khắp các chợ xứ Huế, vươn xa đến tận Đà Nẵng, Nha Trang hay vào đến TPHCM… để món canh môn sen thơm ngọt luôn có mặt trong bữa cơm gia đình của người Huế xa quê, như là sự “hiện diện” của quê hương xứ sở.
Món bẹ môn sen xào tép tươi được chế biến như sau: Tép tươi được làm sạch rồi tẩm ướp gia vị gồm nước mắm, bột ngọt, hạt tiêu giã nát cùng vài củ hành tím. Ướp trong vài phút cho thấm rồi bắc nồi lên bếp phi thơm dầu phộng bằng củ hành hay củ nén (hành tăm) rồi cho tép đã ướp thấm gia vị vào xào chín.
Tiếp đến dùng một chút ruốc Huế hòa với nước sạch lắng trong vài phút rồi gạn lấy nước ruốc cho vào nồi tép đã um. Đun sôi rồi lại cho bẹ môn sen đã sơ chế vào xào tiếp cùng với ớt. Khi gần chín, mùi thơm của món ăn rất khó diễn tả thành lời đang kích thích khứu giác làm cho người ăn muốn được thưởng thức ngay.
Món bẹ môn sen xào tép thích hợp cho các bữa cơm gia đình ấm cúng, nhất là nhân dịp đầu Xuân. Đặc biệt, món xào này dùng nóng hay nguội đều ngon và khi thưởng thức bạn sẽ bị “mê hoặc” tất cả các giác quan. Mùi thơm dịu như hạt sen hòa trong mùi thơm nồng nàn của gia vị sẽ làm cho người ăn muốn hít hà thật lâu. Cảm giác giòn sần sật của bẹ môn và vị ngọt bùi của tép chắc chắn sẽ làm say lòng người thưởng thức.
Nếu đến Huế, bạn hãy một lần thưởng thức món bẹ môn sen xào tép. Tôi tin chắc bạn sẽ cảm thấy rất thú vị bởi món ngon dân dã mà đặc sắc này dễ “nơi mô” có được! Về phá Tam Giang, dư âm câu ca trên sóng nước Cầu Hai vẫn văng vẳng bên tai:
"Quê em có tép xào môn
Mời anh ăn thử nhớ hồn quê hương"
Tiên Sa