Thứ bảy, Tháng Một 11, 2025

Bán hàng trực tuyến cần sự sáng tạo

Chí Thịnh-

Vào trung tuần tháng 9 vừa qua, sau khi hãng điện tử Samsung tổ chức một buổi lễ sôi nổi để ra mắt chiếc điện thoại Galaxy Note 8 thì sàn thương mại điện tử Lazada.vn cũng mời khách hàng xem và thử  thiết bị tại nhà trong vòng 30-45 phút. Chương trình này được xem là một sự sáng tạo của Lazada trong mục tiêu thu hút khách mua hàng trực tuyến.

Theo thông báo của Lazada, từ ngày 14-9, khách có thể đăng ký và đội ngũ tư vấn viên của công ty sẽ đến tận nhà để tư vấn và giới thiệu sản phẩm, khách sẽ trải nhiệm những tính năng nổi bật của chiếc Galaxy Note 8 trong vòng 30-45 phút trước khi đưa ra quyết định mua hàng.

Người đại diện của sàn thương mại điện tử này cho biết ngoài các chương trình khuyến mãi, ưu đãi, Lazada muốn tạo ra những động thái mới nhằm thu hút và giữ chân khách hàng.

71

Sáng tạo là yếu tố quan trọng

Trong một cuộc trao đổi với các doanh nghiệp tại sự kiện do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức, PGS.TS Nguyễn Văn Thoan, Phó trưởng ban Ban Đào tạo của VECOM, cho rằng ngoài vốn, ý tưởng sáng tạo đóng vai trò tối quan trọng trong hoạt động thương mại điện tử. Đặc biệt, khi sự cạnh tranh trong lĩnh vực bán hàng trực tuyến ngày càng mạnh mẽ, việc sáng tạo ra phương pháp mới sẽ mang lại thành công cho cá nhân, doanh nghiệp.

Trên thực tế, nếu như trước đây, doanh nghiệp chỉ cần một poster, một banner hay một catalogue giới thiệu về sản phẩm hoặc dịch vụ để mời gọi sự chú ý của người tiêu dùng thì nay, khi thị hiếu của người mua hàng càng tăng cao cùng với áp lực cạnh tranh trên thị trường, rất cần những chương trình, kế hoạch mang tính sáng tạo trong khâu bán hàng. Theo các chuyên gia thương mại điện tử, điều đó không những mang lại cho khách hàng cảm giác được tôn trọng mà còn không đánh mất ưu thế, nâng cao khả năng cạnh tranh của nhà bán hàng.

Đi theo xu hướng phát triển của mạng xã hội, những đoạn video được nhà kinh doanh đăng tải trực tuyến trên các mạng xã hội, hay còn gọi là live-stream, để rao bán hàng hóa và dịch vụ.

Sàn Lazada.vn từ giữa năm nay đã hợp tác với một số nhãn hàng thực hiện hoạt động bán hàng trực tuyến thông qua hình thức live-stream. Trên thực tế, đây cũng là hình thức bán hàng khá phổ biến do Alibaba khởi xướng tại Trung Quốc trong vòng hai năm trở lại đây.

Theo trang tin công nghệ TechInAsia, năm 2016 đã có khoảng 46% người sử dụng Internet tại Trung Quốc (khoảng 710 triệu người) thường xuyên thực hiện việc đăng tải các đoạn video trực tuyến (live-stream) và trong đó chiếm phần lớn là các chủ cửa hàng trên mạng. Tỷ lệ chuyển đổi từ lượt xem video trực tuyến sang đơn hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử cũng khá cao; như trên Taobao Live (kênh trực tuyến của sàn Taobao.com) có tỷ lệ chuyển đổi lên tới 32%, tức có 320 đơn hàng/1.000 lượt xem video.

Ở Việt Nam, các nhà phân phối, các nhãn hàng đã bắt tay các sàn thương mại điện tử cùng tham gia vào xu hướng này. Các doanh nghiệp mời các ca sĩ, diễn viên điện ảnh, người nổi tiếng thực hiện các chương trình bán hàng live-stream với số lượt xem video trực tuyến lên đến hàng trăm ngàn.

Lazada đã khởi động chiến dịch bán hàng trực tuyến theo hình thức live-stream từ vài tháng qua với sự tham gia của những nghệ sĩ như Huỳnh Lập, Cát Tường, Vinh Trần, Chloe Nguyễn… Các khách mời sẽ dùng thử sản phẩm (thiết bị công nghệ, thiết bị điện tử gia dụng, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm) và đưa ra các lời nhận xét, bình luận.

Vào tháng 8 vừa qua, sàn thương mại điện tử Shopee.vn cũng hướng dẫn cho các chủ cửa hàng hoạt động bán hàng thông qua hình thức live-stream ngay trên sàn giao dịch của mình. Các chủ cửa hàng sau đó đăng ký với Shopee để thực hiện các buổi quay video trực tuyến nhằm giới thiệu sản phẩm. Trong chương trình khuyến mãi “Online Shopping Day” diễn ra hôm 9-9, Shopee đã tổ chức cho 1.000 chủ cửa hàng cùng live-stream để bán hàng.

Tăng hình thức trải nghiệm cho khách hàng

Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ mới, các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, VNExpress Shop… cũng tận dụng các sự kiện cho ra mắt các thiết bị điện tử đình đám để tạo ra cơ hội bán hàng, thu hút sự chú ý của khách hàng. Ví dụ, Lazada đã có chương trình trải nghiệm sản phẩm tại nhà ăn theo sự ra mắt của chiếc Galaxy Note 8 của hãng Samsung.

Ông Alexandre Dardy, Giám đốc điều hành Lazada Việt Nam, nói rằng chương trình trải nghiệm tại nhà nằm trong chiến lược “từ online đến offline”. Qua đó, Lazada muốn nâng cao trải nghiệm khách hàng cũng như niềm tin với thương mại điện tử. Điều này cũng liên quan tới tâm lý người tiêu dùng, thường muốn được xem và dùng thử sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua hàng.

Để thu hút khách hàng, sàn Tiki cũng đưa ra một chương trình “giao hàng tốc độ” đối với các dòng sản phẩm iPhone 8, iPhone 8 Plus và iPhone X. Ngay khi sản phẩm chính hãng được bán chính thức tại thị trường Việt Nam, những khách hàng đặt mua trên Tiki.vn sẽ nhận được chiếc điện thoại đời mới trong vòng 60 phút.

Các doanh nghiệp lớn lẫn chủ cửa hàng quy mô nhỏ cũng tích cực ứng dụng công nghệ để tăng nhanh doanh số. Ví dụ, công nghệ trả lời tự động (chatbot) ngay trên Facebook hoặc trang web bán hàng nay đã trở nên phổ biến.

Các ứng dụng chatbot này có khả năng lọc được những lời yêu cầu mua hàng cụ thể trên Facebook để đưa vào mục lưu trữ tin nhắn (Inbox), mặc dù khách để lại lời nhắn trên mục phản hồi (Comment). Nhờ vậy, người bán hàng sẽ nhận được các lời đặt hàng một cách thuận tiện, lại giảm nguy cơ bị đối thủ tranh giành khách hàng (do đọc được lời yêu cầu mua hàng của khách trên mục Comment).

Bên cạnh đó, các chuỗi cửa hàng bán lẻ cũng tích cực kết hợp hình thức bán hàng đa kênh (offline-to-online). Ví dụ, nhà kinh doanh tung ra các mã giảm giá, phiếu mua hàng ưu đãi qua các ứng dụng điện thoại và khách hàng sử dụng các mã giảm giá, phiếu ưu đãi này tại của hàng truyền thống. Các ứng dụng di động hiện có tích hợp tính năng xác định vị trí người sử dụng (thông qua GPS) và đưa ra lời gợi ý cho khách các cửa hàng bán lẻ lân cận.

Những sự nỗ lực nói trên của các nhà kinh doanh đều hướng tới mục tiêu giúp cho hoạt động thương mại điện tử trở nên hấp dẫn, lôi kéo sự quan tâm của người tiêu dùng.

[box] Kết nối với khách hàng qua ứng dụng Zalo

Mỗi khi bán hàng cho khách tại cửa hàng, nhân viên hoặc chủ cửa hàng thường xin số điện thoại di động của khách đề từ đó gửi lời mời kết bạn trên mạng xã hội Zalo. Ứng dụng nhắn tin hoặc đàm thoại Zalo có thể sẽ trở thành một “trợ thủ” hữu hiệu giúp các chủ cửa hàng kết nối, giao tiếp, chăm sóc khách hàng một cách thường xuyên. Sau khi đã kết nối với khách hàng trên Zalo, các chủ cửa hàng hãy biến tài khoản Zalo của mình trở thành kênh cung cấp thông tin sản phẩm hữu ích. Có thể đăng tải liên tục những bài viết ngắn giới thiệu sản phẩm mới. Nhà kinh doanh nên tập trung vào những thông tin người tiêu dùng quan tâm như tư vấn cách sử dụng sản phẩm, đưa ra lời khuyên về bảo quản vật dụng… chứ không nên tập trung vào các bài viết nhằm mục đích bán hàng. [/box]

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối