Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Băn khoăn chuyện tắm nắng cho trẻ sơ sinh

(SGTT) - Ở Việt Nam, hầu như các bà mẹ mới sinh con đều nhận được lời khuyên là nên tắm nắng cho trẻ sơ sinh để da tổng hợp được vitamin D cần thiết cho cơ thể của bé. Tuy nhiên, một số chuyên gia có uy tín về nhi khoa gần đây lại cho ý kiến khác, có phần trái ngược với xu hướng chung.

Việc tắm nắng cho trẻ sơ sinh có thể không mang lại lợi ích như chúng ta vẫn tưởng. Ảnh: NPR.

Từ trước đến nay, các bác sĩ hay khuyên cha mẹ thường xuyên tắm nắng cho con để tăng lượng vitamin D giúp hấp thụ canxi cho trẻ. Tuy nhiên, gần đây nhiều bác sĩ nhi khoa có uy tín cho rằng tắm nắng không phải là cách tốt để giải quyết vấn đề thiếu vitamin D. Thời điểm tắm nắng có nhiều vitamin D nhất, hiệu quả nhất lại là lúc có nhiều tia cực tím gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Hơn nữa, ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM tình trạng ô nhiễm không khí cao, cho trẻ tắm nắng có thể sẽ “lợi bất cập hại”.

Giữa trưa mới có thể tổng hợp nhiều vitamin D

Vitamin D rất quan trọng đối với sự hấp thu canxi, tăng trưởng và phát triển bình thường, giúp duy trì sức khỏe xương của trẻ. Việc thiếu hụt vitamin D ở trẻ sơ sinh gây ra rất nhiều vấn đề nghiêm trọng như gây kích ứng, khó chịu và có nguy cơ nhiễm trùng. Thậm chí, sự thiếu hụt vitamin D đột ngột còn có thể gây ra chứng còi xương, dẫn đến các dị tật về xương.

Trước nay, các nhân viên y tế hay khuyến cáo gia đình có con nhỏ rằng việc tắm nắng sẽ giúp trẻ hấp thu được nguồn ánh nắng mặt trời, sản sinh đủ vitamin D, hạn chế tình trạng còi xương cho trẻ. Việc cho trẻ tắm nắng, đi dạo ngoài trời từ 7 giờ đến 9 giờ còn có thể giúp bảo vệ cơ thể giảm nguy cơ ung thư ruột, bệnh tim mạch và các vấn đề về hệ miễn dịch. Tuy nhiên, khi đi sâu vào từng chi tiết, lời khuyên này không còn nhiều giá trị thực tiễn.

Bác sĩ Vũ Quang Vinh, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, cho biết lượng vitamin D tổng hợp được trong lúc sáng sớm có nắng là rất ít. Thời điểm da có thể tổng hợp được nhiều vitamin D nhất là vào buổi trưa, từ 10 giờ đến 14 giờ, nhưng lượng tia cực tím trong thời điểm này cũng rất cao, gây hại làn da của trẻ.

Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ và nhiều tổ chức y tế uy tín khác trên thế giới không khuyến khích tắm nắng cho trẻ vì chưa có nghiên cứu về mặt lợi của tắm nắng, nhưng đã có những bằng chứng về tác hại của việc cho trẻ tắm nắng. Chẳng hạn như làm bỏng da, nổi sảy, mẩn ngứa và chàm da nếu trẻ có cơ địa da nhạy cảm và nguy cơ gây ung thư da vì da của trẻ rất mỏng và non.

Theo sự khuyến cáo chung của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, nếu trẻ uống sữa công thức với lượng từ 700ml trở lên mỗi ngày thì không cần phải bổ sung vitamin D vì lượng vitamin có trong sữa đã đáp ứng đủ. Nếu trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn hoặc uống ít hơn 400ml sữa công thức mỗi ngày thì cần bổ sung 400 đơn vị vitamin D mỗi ngày qua đường uống. Trẻ có thể bổ sung vitamin D từ lúc hai tuần tuổi, bởi trong những tuần đầu tiên trẻ vẫn còn đầy đủ lượng dưỡng chất đã có từ trong bụng mẹ.

Cần bổ sung vitamin D

Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết phụ huynh nên cho trẻ uống bổ sung canxi và vitamin D. Cách làm này hiệu quả và an toàn hơn so với việc cho trẻ đi tắm nắng.

Khi canxi từ nguồn thức ăn trong sữa mẹ không đủ bắt buộc cả mẹ và bé đều phải sử dụng canxi và vitamin D bổ sung với liều lượng cho mẹ từ 600 đến 1.200mg/ngày vào buổi sáng hoặc trưa, uống trước khi ăn để canxi hấp thụ tốt nhất. Với em bé, nếu bị còi xương, vì lý do nào đó mẹ không uống canxi được cần phải bổ sung cho bé với liều lượng khoảng 600mg/ngày.

Nếu dùng loại canxi hữu cơ sẽ có liều lượng thấp hơn canxi vô cơ, nhưng do canxi vô cơ có liều khá cao nên bé chỉ hấp thu được một phần, còn lại thải ra theo phân. Do đó, các bác sĩ khuyên phụ huynh nên cho trẻ dùng canxi dạng nước sẽ ít gây táo bón cho trẻ. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên cho trẻ uống nhiều với liều cao sẽ khiến trẻ biếng ăn hoặc thậm chí là bị ngộ độc vitamin D.

Cần thận trọng với việc tắm nắng

Các bác sĩ chuyên khoa nhi cho biết, tại TPHCM hiện nay không khí bị ô nhiễm nặng, khói bụi từ xe cộ cao, ít gió… dễ gây cho trẻ bị kích ứng da. Nếu tắm nắng trong môi trường như vậy, bé vừa không hấp thu được vitamin D mà ngược lại có thể gây hại cho da. Do đó, đối với những bậc cha mẹ vẫn muốn tắm nắng cho con, các bác sĩ cho rằng thời gian tắm nắng kéo dài khoảng 15 phút mỗi ngày là đủ. Thời điểm tốt nhất vào khoảng thời gian 6-9 giờ và sau 17 giờ. Không nên cho trẻ tắm nắng quá sớm, ít nhất cũng phải sau 10 ngày tuổi.

Tắm nắng phải lần lượt trên từng vùng da nhất định, đầu tiên tắm nắng bàn chân, cổ chân, sau đó đến lưng trước, lưng sau, tiếp đến là bắp chân, đùi, ngực, tay, cổ… Không nên cởi hết áo quần của trẻ ra để tắm nắng. Khi tắm cần phải che mắt cho trẻ để ánh sáng mặt trời không chiếu trực tiếp vào mắt trẻ.

Chọn nơi sạch sẽ, ít bụi bẩn, ít tiếng ồn, thoáng đãng, nhiều ánh nắng để tắm nắng cho trẻ. Không tắm nắng cho trẻ ở nơi có gió lộng, không tắm nắng sau cửa kính vì đã giảm tác dụng khá nhiều. Sau khi tắm nắng cần lau mồ hôi cho bé và cho uống nước bổ sung.

Đối với trẻ đang trị bệnh cấp tính, hay mắc bệnh nội tiết, như basedow, eczema, herpes, đang dùng kháng sinh nhóm Quinolon thì tuyệt đối không được tắm nắng.

Anh Minh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối